Cách đây 76 năm, ngày 18/10/1946, trên đường trở về Tổ quốc sau chuyến đi thăm nước Pháp và ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14/9, nhận lời mời của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Vịnh Cam Ranh để trao đổi về việc thực hiện Tạm ước. Đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, là sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, vĩ đại, vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trên lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao, đồng thời, là động lực để các thế hệ người dân Khánh Hòa nói chung và thành phố Cam Ranh nói riêng nuôi dưỡng thành khát vọng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.  

Từ sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh tới khát vọng xây dựng thành phố Cam Ranh là Đô thị du lịch - Logistics
Từ sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh tới khát vọng xây dựng thành phố Cam Ranh là Đô thị du lịch - Logistics

Tượng đài Bác Hồ tại quảng trường 18 tháng 10, thành phố Cam Ranh

Trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã đứng trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã đề ra những chính sách lớn để chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh giữ vững quyền độc lập. Đối với quân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán và ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, với chủ trương hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, tránh tình thế bất lợi cùng một lúc đối phó với nhiều kẻ thù. Ta bảo toàn được lực lượng, tranh thủ thời gian hòa hoãn và củng cố phát triển lực lượng cách mạng. Ngày 31/5/1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp. Để tỏ thiện chí hòa bình, Người đã ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản “Tạm ước 14/9/1946” với 11 điều khoản, nội dung cơ bản là: Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam bộ, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ và chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào ngày 30/10/1946.

Bản thảo bài thơ “Cam Ranh ngày ấy” của nhà thơ Giang Nam

Ngày 15/9/1946, Cao ủy Pháp ở Việt Nam là D’Argenlieu nhận được thông báo về bản “Tạm ước 14/9”. Với bản chất hiếu chiến, D’Argenlieu cho rằng việc ký kết Tạm ước là sự vội vàng, là một “thảm họa” cho Pháp và lập tức gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Người từ Pháp trở về tại vịnh Cam Ranh. Ngày 18/10/1946, cuộc gặp gỡ có ý nghĩa lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đô đốc D’Angenlieu diễn ra trên chiến hạm Suffren để bàn việc thi hành Tạm ước 14/9. Trong suốt cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tài năng ngoại giao của mình với những câu trả lời khéo léo, nhưng thể hiện được quan điểm kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Người kiên quyết bác bỏ yêu cầu của D’Argenlieu đòi quân đội Việt Nam ở miền Nam phải rút về miền Bắc.

Trong bữa tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đối diện với D’Argenlieu. Hai bên Bác là tướng Tổng chỉ huy Lục quân Đông Dương và một Đô đốc Hải quân Pháp ở Thái Bình Dương. D’Argenlieu cợt nhả: “Kìa, thế là Chủ tịch được đóng khung giữa Lục quân và Hải quân rồi đấy”. Nhẹ nhàng cười, Bác đáp ngay: “Chính bức họa mới làm cho cái khung có giá trị”. Cũng trong bữa tiệc hôm ấy, D’Argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Bác đã đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”!. Những câu nói đầy mỉa mai của D’argenlieu được đáp trả bằng những câu trả lời vừa khôn khéo, vừa cương quyết càng thể hiện tài năng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc họp báo sau đó, Người tiếp tục khẳng định lập trường kiên quyết đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn đất nước của Nhân dân Việt Nam trước đông đảo báo giới.

Chiều ngày 19/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bến cảng Hải Phòng, kết thúc chuyến thăm tới vịnh Cam Ranh. Cuộc gặp gỡ có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, ở một thời điểm hết sức nhạy cảm của chính trường miền Nam Việt Nam. Đó là đã góp phần bảo vệ chủ quyền nền độc lập còn non trẻ của ta, trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng cho cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Chứng minh chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cố gắng đến cùng tìm ra một giải pháp hòa bình, nhân nhượng, thậm chí lùi một bước tạm thời ở một thời điểm cần thiết nhằm tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc, để bộ đội ta tập trung lực lượng vào những trận đánh có tính chất quyết định. Về phương diện ngoại giao, cuộc gặp ở Cam Ranh đã nâng tầm vị thế của Việt Nam với các nước trên thế giới trong tình thế khi chưa có nước nào công nhận chính quyền non trẻ của ta.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 60 năm sự kiện này, Tỉnh ủy phối hợp Viện Sử học Việt Nam, Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng, Viện nghiên cứu lịch sử quân sự, Vùng 4 Hải quân…tổ chức Hội thảo “60 năm Ngày Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh”; cuối năm 2008, thành phố Cam Ranh tổ chức trọng thể lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại công viên 18 tháng 10 để tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại;... Bên cạnh đó, Tượng đài Bác Hồ còn là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khẳng định quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn về vai trò quan trọng của vịnh Cam Ranh, trong cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, Người đã nói với những người cùng đi rằng: Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh đẹp và có thế chiến lược vào bậc nhất. Lời căn dặn của Bác là định hướng quan trọng để Đảng ta đặt ra mục tiêu xây dựng Cam Ranh trong thời gian qua. Vịnh Cam Ranh từ lâu đã được xác định là nơi có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, có cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, là khu vực cửa ngõ của tất cả các khách du lịch nước ngoài và trong nước khi đến với tỉnh Khánh Hoà thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Cùng với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, khu vực Vịnh Cam Ranh được xác định là một trong ba cùng kinh tế trọng điểm, động lực phát triển của Khánh Hòa. Bằng những chính sách ưu đãi, kích cầu đầu tư của tỉnh, đời sống Nhân dân trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao, Cam Ranh ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn mạnh trong và ngoài nước đến đầu tư và phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là ngành thương mại, dịch vụ, du lịch.

Ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển Cam Ranh trở thành đô thị du lịch - logistics. Để thực hiện nhiệm vụ đặt ra, Thành ủy Cam Ranh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, UBND thành phố đã rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng để phấn đấu hoàn thành. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân hàng năm 12,7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 60%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ đạt 31,7%; tỷ trọng ngành nông nghiệp đạt 8,3%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 12%, đến năm 2025 gấp 1,8 lần so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2020 - 2025 tăng từ 55 đến 60% so với giai đoạn 2015 - 2020, tương ứng từ 34.100 đến 35.200 tỷ đồng. Giai đoạn 2025 - 2030, thành phố tập trung chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân. Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại 2.

Cam Ranh được định hướng phát triển đô thị - logistics (Ảnh: Văn Kỳ)

Hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Khánh Hòa nói chung và Cam Ranh nói riêng cần: Thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp về mục tiêu xây dựng phát triển Cam Ranh trở thành đô thị du lịch - logistics; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh, nhất là ý nghĩa quan trọng của sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh, từ đó hình thành ý chí, khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực thi đua góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Đổi mới mạnh mẽ, thực chất phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy và chính quyền các cấp theo hướng gần dân, sát cơ sở, kỷ cương, kỷ luật, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu; Tăng cường phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP. Cam Ranh phù hợp theo quy hoạch tỉnh và định hướng phát triển đô thị du lịch - logistics theo Nghị quyết 09; Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn, đồng thời quan tâm sinh kế, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án; Nắm chắc tình hình dư luận xã hội, giải quyết các vướng mắc phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”;…

Sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh đã để lại cho chúng ta bài học quan trọng về lòng yêu chuộng hòa bình và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc, đồng thời, là vinh dự lớn đối với Khánh Hòa, địa phương đầu tiên của miền Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại sau 35 năm xa cách, kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng. Đã 76 năm trôi qua, nhưng sự kiện đó vẫn mãi ghi dấu trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta, trở thành nguồn nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Khắc họa lại những tình cảm, suy tư của Bác về quê hương, đất nước trong chặng hải trình từ Paris về đến vịnh Cam Ranh, nhà thơ Giang Nam đã viết những câu thơ dung dị nhưng đậm tình: “Con tàu đưa Bác đi/Về phương Đông/Sóng trắng một phương trời thương nhớ/Đất quê hương mây đen vần vũ/Từng đêm, từng đêm/Bác thức với thời gian/Tính từng bước đi cho ngày mai dân tộc…”.

                                                                                              

  Lâm An

Tượng đài Bác Hồ tại quảng trường 18 tháng 10, thành phố Cam Ranh Trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã đứng trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã đề ra những chính sách lớn để chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh giữ vững quyền độc lập. Đối với quân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán và ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, với chủ trương hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, tránh tình thế bất lợi cùng một lúc đối phó với nhiều kẻ thù. Ta bảo toàn được lực lượng, tranh thủ thời gian hòa hoãn và củng cố phát triển lực lượng cách mạng. Ngày 31/5/1946, nhận lời mời của Chính phủ Ph&aac

Tin khác cùng chủ đề

Chương trình truyền hình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021”
Công an Khánh Hòa: Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 tại Huyện ủy Cam Lâm
Nhớ Bác Hồ trong mùa xuân thành lập Đảng
"CHIẾU CẦU HIỀN" CỦA TRUNG ƯƠNG

Gửi bình luận của bạn