Trước khi đến Hồng Công dự hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua cuộc hành trình cứu nước đầy gian khổ và Người quyết định từ châu Âu trở về phương Đông.
Sau những chặng hành trình dài qua nhiều nước bằng tàu biển, một ngày đầu tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc đến Băng Cốc, Thái Lan rồi tiếp tục đến một số địa phương của nước này. Đầu tháng 12-1929, tại một địa điểm ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan, một người Việt Nam làm liên lạc cho tổ chức tìm đến gặp Nguyễn Ái Quốc và nói rằng: Có hai nhà hoạt động cách mạng ở nước ngoài là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu cử tôi đến gặp Người để báo cáo về tình hình bất hòa giữa các tổ chức cách mạng-cộng sản ở trong nước; đồng thời các đảng viên cộng sản ở trong nước muốn có một đảng cộng sản thống nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người có đủ tư cách và uy tín để lập một đảng cộng sản thống nhất ở Việt Nam chỉ có thể là đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc)-một nhà hoạt động chính trị quốc tế nổi tiếng.
Sau đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định sang Hương Cảng (Hồng Công) để tổ chức hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước thành một đảng cộng sản ở Việt Nam. Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc quần đảo Hương Cảng (Hồng Công) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản. Đây là hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản ở trong nước trước đó, gồm: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Đại biểu chính thức dự hội nghị thành lập Đảng, gồm: Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì; Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng. Đại biểu không chính thức, hoạt động tại nước ngoài lúc bấy giờ cũng tham dự hội nghị là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập (1-1-1930), lại nhận được giấy mời chậm, nên không kịp cử đại biểu đi dự. Tuy nhiên, sau khi Đảng được thành lập, ngày 24-2-1930, diễn ra Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ, Bí thư Chấp ủy Lâm thời Nam Kỳ khi đó là đồng chí Ngô Gia Tự đã thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, ký quyết định tán thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng nhất trí “Đặt tên Đảng mới là Đảng Cộng sản Việt Nam”; thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gồm: Năm điểm lớn, Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tóm tắt hội nghị và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng.
Hệ thống tổ chức của Đảng gồm chi bộ (tổ chức cơ sở đảng); huyện bộ, thị bộ, hay khu bộ (đơn vị tương đương với cấp quận, huyện hiện nay); tỉnh bộ, thành bộ, hay đặc biệt bộ; Trung ương. Trách nhiệm của đảng viên là tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng; tham gia mọi sự tranh đấu của công nông, đòi quyền lợi về chính trị và kinh tế; phải thực hành cho được chính sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản; điều tra các việc; kiểm tra và huấn luyện đảng viên mới…
Hội nghị thành lập Đảng cũng đưa ra giải pháp đối với các đảng phái; theo đó Đảng tổ chức cuộc họp với tất cả các đảng phái, như: Tân Việt, Thanh niên, Quốc dân Đảng, Đảng Nguyễn An Ninh… để thành lập mặt trận phản đế.
Sau khi tổ chức thành công hội nghị thành lập Đảng, ngày 13-2-1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Công, tiếp tục cuộc hành trình cách mạng cứu nước.
Trong bài viết cho Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số ra tháng 2-1960), nhan đề: “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc thành lập Đảng ta là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Cũng trong bài viết này, Người tổng kết: “Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu lịch sử, do những điều kiện trong nước và điều kiện quốc tế khi đó quyết định, đồng thời là kết quả của một quá trình hoạt động đầy khó khăn, thử thách của Nguyễn Ái Quốc-hiện thân của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn, dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Tiếp đó, Đảng lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại trong 90 năm qua kể từ khi có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, chúng ta tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản chân chính, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; luôn trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đồng thời đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG
Theo qdnd.vn