Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phong cách lãnh đạo của Người là sự thống nhất hữu cơ không thể chia tách giữa lòng yêu nước vô bờ bến, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người vô hạn với mục đích sống, mục tiêu phấn đấu trước sau như một là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bác ái, bình đẳng cho con người; giữa một trí tuệ mẫn tiệp, vốn tri thức uyên thâm, những trải nghiệm cuộc sống phong phú với tác phong làm việc dân chủ, sáng suốt, quyết đoán, thái độ thân thiện, trân trọng với mỗi số phận, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả; giữa một tâm hồn cao thượng, chiều sâu văn hóa ưu việt, sứ mệnh vĩ đại với lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, tác phong gần gũi, khiêm nhường, kính già, yêu trẻ.

Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phong cách lãnh đạo của Người là sự thống nhất hữu cơ không thể chia tách giữa lòng yêu nước vô bờ bến, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người vô hạn với mục đích sống, mục tiêu phấn đấu trước sau như một là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bác ái, bình đẳng cho con người; giữa một trí tuệ mẫn tiệp, vốn tri thức uyên thâm, những trải nghiệm cuộc sống phong phú với tác phong làm việc dân chủ, sáng suốt, quyết đoán, thái độ thân thiện, trân trọng với mỗi số phận, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả; giữa một tâm hồn cao thượng, chiều sâu văn hóa ưu việt, sứ mệnh vĩ đại với lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, tác phong gần gũi, khiêm nhường, kính già, yêu trẻ.

1. Lãnh đạo là để đạt được mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, mang lại những giá trị mới mẻ, tốt đẹp cho xã hội, cho con người

Mục đích của toàn bộ nhận thức và hoạt động lãnh đạo của Hồ Chí Minh, cái làm nên cốt lõi phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, chính là ở mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích ấy gắn bó hữu cơ, nhất quán với chính mục đích sống, mục đích đấu tranh trong suốt cuộc đời của Người. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân...

Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân” (1). Ðó không chỉ là lời nói. Ðó là chất lý tưởng chảy trong huyết quản, là tâm nguyện nung nấu trong tâm can, và là chính cuộc đời của Người - cuộc đời dâng hiến tất cả cho giải phóng dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Vì mục đích đó, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, chịu bao gian khổ, hiểm nguy, vượt lên đói rét, tù đày, tìm ra con đường đúng đắn, học cách tổ chức cuộc đấu tranh cứu nước, cứu dân.

Mục đích cứu nước, cứu dân lúc nào cũng đau đáu trong tim, thôi thúc Người sống, chiến đấu. Giữa núi rừng Việt Bắc, trong cơn sốt hiểm, mỗi lần tỉnh dậy sau cơn mê sảng, Người lại gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến để căn dặn rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (2). Ðối với Hồ Chí Minh, Tổ quốc và nhân dân chính là chân lý cuộc sống, rất rõ ràng, dễ hiểu. “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý” (3). Chân lý ấy chi phối và thể hiện trong tất cả mọi quyết định, mọi phương pháp, hành vi của hoạt động lãnh đạo trong thực tiễn của Người, nhất là trong những thời điểm khó khăn, phức tạp.

Hồ Chí Minh cống hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc, quên tình riêng vì nghĩa lớn, quên mình cho nhân dân. Người là một con người như bao con người khác, có tình yêu rộng lớn, cao cả dành cho quê hương, đất nước, nhân dân, và cũng có tình yêu tha thiết, thầm kín dành cho gia đình, người yêu thương. Năm 1946, trong thời gian đi thăm nước Pháp, Người đã gửi về riêng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng một bài thơ, trong đó có câu: “Non sông một mối chung nhau gánh/Ðộc lập xong rồi cưới vợ thôi!”. Nhưng rồi độc lập chưa xong, sau cuộc kháng chiến chín năm chống xâm lược Pháp, can thiệp Mỹ, lại tiếp đến miền nam “Nửa mình còn trong lửa nước sôi”. Và, Người đã đi hết cuộc đời mình chỉ với một tình yêu lớn - tình yêu non sông, đất nước, chỉ với một gia đình lớn - gia đình dân tộc, nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh rằng, nhân dân là chủ nhân của đất nước, cán bộ là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người nói như thế và sống đúng như thế, yêu thương, trân trọng với mỗi con người, chia sẻ, hòa đồng không kể cấp bậc, địa vị xã hội. Nhưng ý nghĩa còn cao cả hơn, nhân văn hơn, khi Người thực sự là một đầy tớ suốt đời phụng sự mục đích độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân!

2. Lãnh đạo là sự nhìn xa trông rộng, làm chủ tình hình, đưa ra những quyết định đúng đắn trong mọi tình huống, nhất là trong những tình huống phức tạp, khó khăn

Bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán là những đặc điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Như điều Người căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi đi thăm nước Pháp: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ðó là phép quyền biến, thống nhất nhuần nhuyễn từ nhận thức đến các quyết định và hành vi lãnh đạo của Người.

Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin cái “cẩm nang thần kỳ” cho cách mạng Việt Nam. Nhưng Người nhận thức rằng, “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”(4), vì thế, những người cộng sản tuyệt nhiên không tiếp nhận nó như những giáo lý khô cứng, mà phải biết cụ thể hóa, vận dụng làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, từng lúc và từng nơi một cách hợp lý. Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chính Người đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta để giải quyết một loạt vấn đề xây dựng Ðảng, xây dựng lực lượng cách mạng, vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội,...

3. Lãnh đạo là thu phục nhân tâm, xây dựng lực lượng, dựa vào nhân dân để thực hiện thành công mục tiêu cách mạng

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để làm nên phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh chính là phương pháp công tác - những năng lực đã góp phần tập hợp lực lượng, gia cường sức mạnh tổ chức, động viên, cổ vũ hàng triệu người vào cuộc đấu tranh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Ðối với Hồ Chí Minh, nhân dân là từ lớn nhất, đẹp nhất và mạnh mẽ nhất. Theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(5). Do đó, Người xác định phương châm chỉ đạo nhận thức cũng như hành động lãnh đạo là: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại” (6). Khi coi “ý dân là ý trời”, Người không chỉ nắm bắt được quy luật của lịch sử về sức mạnh của nhân dân, mà còn nhận thức quy luật đó ở chiều sâu sắc, ở tầm rộng lớn và ý nghĩa thực tế hơn. Ðó là, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân...”(7). Bởi vậy, theo Người: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Ðảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” (8).

Hồ Chí Minh coi thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng của lãnh đạo. Ở Người, lãnh đạo dân chủ với sự giản dị, khiêm tốn, cầu thị, gắn bó chặt chẽ, là điều kiện của nhau. Dân chủ cũng đối lập với tự kiêu. Vì tự kiêu thì “Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc” (9).

Ðối với Hồ Chí Minh, dân chủ phải gắn chặt với kỷ cương, kỷ luật. Hồ Chí Minh là một tấm gương về tinh thần kỷ cương, kỷ luật. Trong đời thường hay họp hành, đi công tác, Người đều rất đúng giờ. Người coi trọng phê bình và tự phê bình, coi đó là “thứ vũ khí sắc bén nhất”. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Với Người, “có làm việc thì có sai lầm”, nên không sợ khuyết điểm. Vấn đề là phê bình thực thà, thẳng thắn, trong tình thương yêu đồng chí, để giúp đỡ nhau tiến bộ, không phải phê bình để hạ bệ, làm hại lẫn nhau.

Ðể xây dựng lực lượng, thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đoàn kết. Từ nhận thức “Ðoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”(10), sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Người mời cựu hoàng Bảo Ðại và Linh mục Lê Hữu Từ làm cố vấn cho Chính phủ. Người đã kỳ công kết nối, chia sẻ để giữ gìn sự đoàn kết trong phong trào cộng sản. Trước lúc đi xa, Người vẫn rất đau lòng vì “sự bất hòa” giữa các đảng anh em và mong muốn rằng, “Ðảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”(11).

4. Ðào tạo, rèn luyện, xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trung kiên là yếu tố hàng đầu bảo đảm thành công của lãnh đạo

Người lãnh đạo không thể đạt được mục tiêu đặt ra nếu không biết dùng người, đặc biệt là chọn lọc, đào tạo, rèn luyện và sử dụng những cán bộ gần gũi, xây dựng bộ tham mưu, những người đóng góp trí tuệ, tài năng để thực hiện mục tiêu, cũng là những đại diện để biểu hiện và lan tỏa hình ảnh, làm tăng thêm sức thuyết phục của người lãnh đạo. Từ nhận thức: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(12), Hồ Chí Minh nhấn mạnh những việc cần phải chú ý: Hiểu biết rõ cán bộ; Khéo dùng cán bộ; Cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; Phải phân phối cán bộ cho đúng; Thương yêu cán bộ; Phê bình cán bộ. Với tư cách một nhà lãnh đạo, Người là một điển hình về sự tinh tế và thành công trong dùng người, dùng cán bộ.

Trong quá trình cách mạng, Hồ Chí Minh đã tập hợp, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ tài năng, đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho lý tưởng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ðó là các thanh niên, trí thức yêu nước, dưới sự giáo dục, dìu dắt, rèn luyện trực tiếp của Người trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, những nhà lãnh đạo ưu tú của Ðảng, Nhà nước như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Ðức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Ðức Thọ,...

Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ, nhà chính trị, nhà báo, một chiến sĩ tiền bối nổi tiếng, vì tôn trọng và khâm phục tài đức của Hồ Chí Minh, cho nên hơn 70 tuổi vẫn nhận lời tham gia Chính phủ, làm Bộ trưởng Nội vụ, rồi giữ quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi thăm Pháp. Người lựa chọn Võ Nguyên Giáp, một giáo viên dạy sử để phụ trách quân sự, để cách mạng Việt Nam có một vị tướng mà tên tuổi gắn liền với Ðiện Biên Phủ và những chiến thắng quân sự lừng lẫy địa cầu, nổi tiếng khắp thế giới trong thế kỷ 20...

Toàn bộ thành công đội ngũ cán bộ ấy đã nói lên cái tài, cái khéo trong đào luyện và dùng người, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.

5. Người lãnh đạo là thủ lĩnh, người chỉ đường dẫn lối, tấm gương sáng cho cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo

Chính là văn hóa và lối sống đã là một phần riêng có, đặc biệt, góp phần tạo nên sự đặc sắc, sức hút của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Chất văn hóa Hồ Chí Minh là kết tinh từ trí tuệ, tài năng và lý tưởng sống cao cả. Lối sống Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của tình yêu đất nước, dân tộc, tình yêu con người vô bờ bến. Văn hóa và lối sống của Hồ Chí Minh tự nó làm nên hình ảnh một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một thủ lĩnh có sức hút mãnh liệt của một vị thánh giữa đời thường mà không cần bất cứ sự tô vẽ nào, bất cứ thủ thuật hỗ trợ nào.

Nhà văn Xô-viết Ô-xíp Man-đen-xtam lần đầu tiên gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã nhận xét, ở người chiến sĩ cách mạng Việt Nam trẻ tuổi ấy “tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. Ðây-vít Hăm-bớc-xtơn, nhà báo Mỹ viết trên tờ New York Times: “tính giản dị của Cụ là một chất liệu có sức mạnh to lớn. Càng lên cao, Cụ càng tỏ ra giản dị và trong sạch và luôn luôn gìn giữ những giá trị Việt Nam vĩnh cửu: tôn kính người già, yêu mến thiếu nhi, coi thường tiền bạc, giàu sang”. Hai nhận xét về Người, một từ những năm đầu trên con đường cách mạng, một là khi Người đã dừng bước trên đường đời. Cả hai nhận xét có thể khác nhau về ngôn từ nhưng hàm nghĩa chỉ là một - văn hóa Hồ Chí Minh, văn hóa ở tầm cao trí tuệ, nhân văn, bình dị và hào sảng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất.

Sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, Người vẫn nói tiếng Nghệ, thích ăn cà dầm mắm, nhớ từng câu dân ca, ca dao, nhớ từng người bạn thuở niên thiếu... Là một người lãnh đạo tối cao của Ðảng, Nhà nước, nhưng Người rất giản dị trong lời ăn, tiếng nói, nhiều khi pha chất khôi hài, hóm hỉnh rất tài hoa. Nhưng với kẻ thù, sự hóm hỉnh, hài hước của Người trở thành một vũ khí châm biếm sắc sảo. Theo lời kể của đồng chí Phạm Văn Ðồng, người học trò gần gũi của Hồ Chí Minh, Người sống giản dị đến mức “khắc khổ, cần lao và tranh đấu”. Những năm tháng khó khăn, thiếu đói ở chiến khu, Người cùng anh em, đồng chí chịu đựng, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Biệt đãi duy nhất là bát nước cơm mà anh nuôi Lộc mỗi bữa vẫn để dành riêng cho Người. Người chỉ có một chiếc áo dạ là chiến lợi phẩm do bộ đội gửi tặng. Trong chiến dịch biên giới thu đông năm 1950, khi đến thăm thương binh, Người cởi chiếc áo dạ đang mặc đắp cho một chiến sĩ bị thương đang bị rét...

Ðời sống vật chất giản dị, thanh bạch của Người “càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”. Bởi thế, đồng chí Phạm Văn Ðồng đã nhận xét với sự trân quý, ngưỡng mộ tột cùng: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”.

*

HỒ CHÍ MINH là một lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc và Người cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Không ai có thể học tập và làm theo toàn bộ phong cách lãnh đạo của Người để trở thành một nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh thứ hai. Nhưng nếu như mỗi nhà lãnh đạo có thể học tập được một số điều trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ trở thành người lãnh đạo tốt hơn, đóng góp cho xã hội của chúng ta được nhiều hơn!

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 272.

(2) Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, HN, 1977, tr.203.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.120.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.63.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.330.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.632.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.177.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.280, 309.

GS, TS TẠ NGỌC TẤN

(Hội đồng Lý luận Trung ương)

https://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44490202-hoc-tap-phong-cach-lanh-dao-ho-chi-minh.html

Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phong cách lãnh đạo của Người là sự thống nhất hữu cơ không thể chia tách giữa lòng yêu nước vô bờ bến, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người vô hạn với mục đích sống, mục tiêu phấn đấu trước sau như một là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bác ái, bình đẳng cho con người; giữa một trí tuệ mẫn tiệp, vốn tri thức uyên thâm, những trải nghiệm cuộc sống phong phú với tác phong làm việc dân chủ, sáng suốt, quyết đoán, thái độ thân thiện, trân trọng với mỗi số phận, tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả; giữa một tâm hồn cao thượng, chiều sâu văn hóa ưu việt,

Tin khác cùng chủ đề

Giá trị đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và sự vận dụng hiện nay
Chương trình truyền hình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021”
Công an Khánh Hòa: Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 tại Huyện ủy Cam Lâm
Nhớ Bác Hồ trong mùa xuân thành lập Đảng

Gửi bình luận của bạn