Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về lợi ích quốc gia - dân tộc, bài viết phân tích sự kiên định về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam và khẳng định việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam
Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam
Họat động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại được xem là một hoạt động chính trị thường xuyên của các quốc gia độc lập trên thế giới. Trong hoạt động đối ngoại hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc ngày càng được công nhận là nguyên tắc tối thượng trong chính sách đối ngoại của các nước và của Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những tư tưởng chỉ đạo là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[5, tr. 33]. Trên cơ sở học thuyết của Chủ nghĩa Mác-Lênin bài viết tập trung phân tích bản chất của lợi ích quốc gia và sự theo đuổi lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong chính sách đối ngoại để có được những giá trị to lớn khi Việt Nam bước vào quá trình đổi mới, hội nhập toàn cầu. 

1. Lý luận về lợi ích quốc gia dân tộc 

Lợi ích quốc gia - dân tộc là một phạm trù được đề cập rộng rãi trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về lợi ích quốc gia. Trong cuốn từ điển The International Relations Dictionary xuất bản ở Mỹ đưa ra khái niệm: “Lợi ích quốc gia là mục tiêu cơ bản và nhân tố quyết định cuối cùng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Lợi ích quốc gia là khái niệm có tính khái quát hóa cao gồm những nhu cầu sống còn của quốc gia đó. Đó là tự bảo vệ, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quân sự và thịnh vượng về kinh tế”[1].

Ở Việt Nam, các khái niệm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay lợi ích quốc gia - dân tộc thường được xác định là có chung nội hàm và được sử dụng để thay thế lẫn nhau. Theo từ điển Thuật ngữ Ngoại giao do Học viện Quan hệ quốc tế xuất bản năm 2002 định nghĩa: “Lợi ích quốc gia là lợi ích chung của cộng đồng những người sống trên một đất nước, có chung nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán và phần nhiều còn chung cả tiếng nói, chữ viết”[6].

Trong đó, lợi ích dân tộc là bao hàm tất cả những yếu tố tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn, không ngừng đẩy mạnh sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vai trò, vị trí, ảnh hưởng quốc gia trên trường quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc. Lợi ích dân tộc là lợi ích của mọi người dân trong một nước. Vì vậy, có thể xem lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam là toàn bộ những nhu cầu trường tồn và phát triển của Việt Nam được Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam nhận thức, trở thành mục tiêu cốt lõi của chính sách đối ngoại trong quan hệ với từng quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, là công cụ đặc biệt quan trọng trong hoạch định chính sách đối ngoại.

Xác định đúng mức độ, thứ tự ưu tiên lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Các nghiên cứu chỉ ra việc sắp xếp mức độ ưu tiên trong các lợi ích quốc gia - dân tộc phụ thuộc rất lớn vào việc tính toán những lợi ích nào là quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến sự tồn vong và phát triển của một quốc gia. Lợi ích quốc gia được xác định theo 2 chiều hướng. Một là, phân theo từng lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa. Hai là xác định theo tiêu chí tầm quan trọng: quan trọng và thứ yếu, sống còn và cốt lõi hay phạm vi lợi ích: chung, cá nhân, bộ phận. Những nội hàm này cho phép các quốc gia có cơ sở để xác định được những vấn đề nào là quan trọng phải bảo vệ, vấn đề nào có thể thỏa hiệp. Sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các lợi ích sẽ góp phần phác họa bức tranh chung về lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi quốc gia, từ đó các quốc gia đưa ra những giải pháp, cách thức chính xác và xây dựng những chính sách, chiến lược phù hợp với tình hình đất nước nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. 

Xét trên tổng thể, lợi ích dân tộc trong mỗi thời đại lịch sử đều gắn với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Từ xã hội loài người phân chia thành các giai cấp cho đến nay, các hình thái kinh tế - xã hội đều dựa trên một quan hệ sản xuất là cơ sở cho một kết cấu giai cấp nhất định.

 Nhìn chung, lợi ích quốc gia - dân tộc được đánh giá là “hòn đá tảng” hay “kim chỉ nam” của chính sách đối ngoại. Nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc đôi khi cũng bao gồm cả những công cụ được lựa chọn để thực hiện mục tiêu chiến lược và tiến hành ngoại giao chính là một trong những công cụ quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu này.

2. Lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới ở Việt Nam

Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”[10, tr. 290], vì vậy mà lợi ích quốc gia - dân tộc được xem là mục tiêu cao nhất của đối ngoại và đượcĐảng chú ý sâu sắc. Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên trong đường lối đối ngoại Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, gia tăng vị thế đất nước. Nhiệm vụ này được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và nhận thức một cách sâu sắc qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng. Khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại, đề ra nhiệm vụ tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và xu thế quốc tế hóa để phát triển đất nước được thông qua trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI (năm 1988). Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) đánh dấu lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ các thành tố cơ bản của lợi ích quốc gia - dân tộc. Từ Đại hội XI (năm 2011), lợi ích quốc gia - dân tộc được Đảng khẳng định là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, trong đó lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thống nhất với nhau trong lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng nhấn mạnh rõ nhiệm vụ của đối ngoại gồm ba yếu tố gồm: an ninh, phát triển và vị thế đất nước. Tại Đại hội XIII (2021) Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kế thừa những nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới.Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[5, tr.33]. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trước hết và trên hết. 

Đại hội XIII của Đảng nhận định, dự báo “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt... Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”[5]. Trong bối cảnh ấy thì việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội lại càng quan trọng và cấp thiết. 

Trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo hộ lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở nước ngoài; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc. Bối cảnh mới của quốc gia - dân tộc hiện đại còn mở rộng thêm các lợi ích quốc gia - dân tộc như: hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, tự do lưu thông hàng hóa, tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do khai thác tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng như các quốc gia dân tộc khác, Việt Nam còn chủ động và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, như chống chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh; các thách thức an ninh phi truyền thống (an ninh biển, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố...)

Tuy nhiên, trong điều kiện không gian sinh tồn ngày càng bị thu hẹp, việc mở rộng lợi ích quốc gia - dân tộc của nước này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia - dân tộc của nước khác. Để giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột, lợi ích quốc gia - dân tộc phải phù hợp với luật pháp quốc tế, không quốc gia nào tự đặt ra lợi ích vượt ra ngoài quy định của luật pháp quốc tế mà đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác và ảnh hưởng đến lợi ích của toàn nhân loại. Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng, khu vực và quốc tế. Đồng thời, chủ động tích cực đề xuất sáng kiến xây dựng, định hình các thể chế đa phương trên nguyên tắc cùng có lợi, với phương châm chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”; “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[5], nhất là trong quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, cơ chế hợp tác và những luật lệ mới, củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới[7].

Để thực hiện được mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại, Đại hội XIII đề ra một số biện pháp cụ thể: (i)Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó “vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[5, tr.162]. Nghĩa là hoạt động đối ngoại phải phục vụ cho mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc - dân tộc, bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng từ khi ra đời đến nay. (ii) Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân[5. Tr. 162]. Nghĩa là cả hệ thống chính trị, toàn dân làm công tác đối ngoại phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. (iii) “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới bảo vệ Tổ quốc”[5, tr.163]. Đây là biện pháp ngoại giao thiết thực để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, tham gia các cơ chế đa phương chúng ta mới có tiếng nói và có quyền chia sẻ, tham vấn ý kiến, thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ để các nước khác hiểu, ủng hộ. Khi tham gia tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới chúng ta sẽ có những lợi ích đan xen với các nước khác và trong mọi tình huống có thể tìm được tiếng nói chung. Thông qua đó, chúng ta có thêm cơ hội bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính. (iv) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”[5, tr.163]. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên chúng ta sẽ triển khai được đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại. Trên cơ sở đó, có điều kiện để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Kết luận

Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam là xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự ổn định của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết không phải là đi theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân túy, bỏ qua chủ nghĩa quốc tế vô sản, bỏ qua trách nhiệm quốc tế vì sự tiến bộ và phát triển của tất cả các dân tộc. Vì vậy, trong khi đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, Việt Nam đồng thời làm tốt nghĩa vụ quốc tế của mình, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì độc lập, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Trong giai đoạn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hiện nay, nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn không thay đổi. Song, yếu tố phát triển, nhất là phát triển bền vững, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, được đề cao hơn trong chính sách đối ngoại. Đây là khía cạnh mới, ngày càng quan trọng trong tổng thể vì lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam. Vì thế quan tâm tới lợi ích quốc gia - dân tộc là điều không thể thiếu trong bất kỳ quan hệ đối ngoại nào mà Việt Nam là thành viên.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Ngoại giao (1995), Hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 17, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Trần Vi Dân (2020), Lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế,http://hvctcand.edu.vn 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Bùi Văn Hùng (2011), Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.

[7] Vũ Khoan (1995), An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại, Trong Bộ Ngoại giao Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[9] Trần Văn Phòng (2022), Đại hội XIII của Đảng về đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hiện nay, https://hcma3.hcma.vn

[10] Bùi Thanh Sơn (2021), Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mớihttps://dangcongsan.vn

 NGUYỄN ANH CƯỜNG - HOÀNG ANH TÚ - TRIỆU THANH CHÚC

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Họat động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại được xem là một hoạt động chính trị thường xuyên của các quốc gia độc lập trên thế giới. Trong hoạt động đối ngoại hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc ngày càng được công nhận là nguyên tắc tối thượng trong chính sách đối ngoại của các nước và của Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những tư tưởng chỉ đạo là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật ph&a

Tin khác cùng chủ đề

Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước
Tăng cường tin cậy, hợp tác hiệu quả Việt Nam-Nhật Bản
          Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết 26 thỏa thuận hợp tác Việt - Anh
          Thủ tướng: Đảng và Nhà nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời
VÀI SUY NGHĨ VỀ TRƯỜNG PHÁI NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH
Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 43 Hội nghị cấp Bộ trưởng của FAO

Gửi bình luận của bạn