Việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học… có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay

Khánh Hòa với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo
Khánh Hòa với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo

        Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo

Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ các hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành các cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý, quan tâm, chăm lo đến công tác tuyên giáo (tuyên truyền). Chính Bác là người đầu tiên đứng ra truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào nước ta, mở các lớp huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam. Đề cập đến người làm công tác tuyên truyền, Người nêu: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng”. Cán bộ tuyên truyền là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tuyên truyền cho dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Chính phủ để Đảng, Chính phủ xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn; không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, người cán bộ tuyên truyền còn phải gương mẫu, hăng hái thực hiện đường lối, chính sách.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền như đã nêu ở trên, Hồ Chí Minh cho rằng: Trước hết, người cán bộ tuyên truyền cần phải có phẩm chất nghề nghiệp, đó là ý thức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Đó là tinh thần trách nhiệm, kỷ luật trong công tác, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao, kể cả khi gặp khó khăn, phức tạp. Người cán bộ tuyên truyền còn phải tôn trọng và đề cao dân chủ. Đó là phát huy trí tuệ, tài năng và mọi nguồn lực, của cải của dân để tạo nên sức mạnh; biết tôn trọng lợi ích và quyền của người dân; biết làm chủ bản thân, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích chung của xã hội; Hai là, phải có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn. Người cho rằng, người cán bộ tuyên truyền, trước hết phải có trình độ lý luận chính trị; vì nếu người cán bộ làm công tác tuyên truyền mà không có trình độ lý luận chính trị thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ công tác. Chỉ có như vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa mới đạt hiệu quả, mới có thể dành thắng lợi; Ba là, phải nói thông, viết thạo, giỏi nghề tuyên truyền. Công tác tuyên truyền phải chính xác và tạo được sức lay động, sức lan tỏa đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Do vậy, cán bộ tuyên truyền “phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”. Người yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng, bởi theo Người: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do vậy, muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Ðây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói, viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, “nói đi đôi với làm”.

Những yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo trong tình hình mới

Khánh Hoà có 09 huyện, thị, thành phố và 07 đảng bộ tương đương. Trong đó, 08 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức bộ máy Ban tuyên giáo cấp ủy (đồng chí Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy);  công tác tuyên giáo của huyện Trường Sa do Ban tuyên huấn Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân thực hiện (đồng chí Trưởng ban là Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân và 01 đồng chí trợ lý); 07 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đều thành lập Ban tuyên giáo, ban tuyên huấn, phòng công tác chính trị để thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cũng có ban tuyên giáo trong cơ cấu tổ chức của cơ quan. Ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn[1] do ban chấp hành đảng bộ cùng cấp ra quyết định thành lập với cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 03 người: Trưởng ban là đồng chí Bí thư đảng ủy (kiêm nhiệm), phó trưởng ban là đồng chí đảng viên đã về hưu hoặc cán bộ có nghiệp vụ công tác tuyên giáo và 01 đồng chí thành viên là phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội (kiêm nhiệm). Nhìn chung, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đã được cấp ủy tạo điều kiện để tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chung của người cán bộ tuyên giáo như: Nắm chắc những luận điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; có khả năng nắm bắt, phân tích, đề xuất giải pháp và tham mưu cho cấp ủy thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, tổ chức thực hiện các mặt hoạt động của công tác tuyên giáo.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc với Thường trực Thành ủy Cam Ranh về công tác tuyên giáo năm 2024

Với tinh thần trên, ngành Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa đã xác định phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên là vấn đề quan trong và cấp thiết; phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong “đi trước mở đường” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Để đạt được điều đó, đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo toàn tỉnh phải thường xuyên trui rèn, mạnh dạn phát huy mạnh mẽ những phẩm chất: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…

Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia Hội chi Bí thư chi bộ giỏi

Dám nghĩ, đó là phẩm chất đầu tiên, có tính mở đầu, làm cơ sở, căn cứ cho chuỗi hành vi nối đến kết quả. Dám nghĩ ở đây chính là sự tích cực đổi mới tư duy để đạt hiệu quả tối ưu trước một vấn đề, một công việc, nhất là những cái mới, việc mới nảy sinh trong thực tiễn; dám nghĩ sẽ khiến cán bộ toàn tâm, toàn ý hướng vào tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa thành cơ chế và đang là rào cản đối với sự phát triển, xuất phát từ những ý tưởng, phương pháp tư duy độc đáo của việc dám nghĩ sẽ tạo ra cách làm mới, hiệu quả góp phần thay đổi chất lượng công tác trong lĩnh vực được phân công.

Dám nói, thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét một vấn đề, một sự việc... Sự “không dám nói” suy cho cùng cũng là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, thiếu tính xây dựng, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi cần phải đấu tranh loại bỏ trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay…

Dám làm, chính là thái độ và hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động tiên phong dấn thân vào những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp, những việc chưa có tiền lệ, chưa có trong quy cách, quy định... Nếu cán bộ, đảng viên mới dám nghĩ, dám nói thì chưa đủ, mà còn phải dám làm; bởi lẽ, hành động mới là sức mạnh vật chất mang lại kết quả cụ thể, làm cho thực tế đời sống thay đổi, xã hội phát triển… Việc nói đi đôi với làm còn thề hiện sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, tạo nên sự nêu gương về đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Dám chịu trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố đó là nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy; dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Dám đổi mới sáng tạo là thay cái cũ thành cái mới tốt hơn. Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cán bộ, đảng viên là dám đổi mới, sáng tạo những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí khác biệt nhưng mang lại hiệu quả tốt hơn. Đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ...

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Tiên phong, gương mẫu, có đạo”.

Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung chính là bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo. Hơn nữa còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân, có chính kiến riêng và dám đương đầu với mọi thử thách; sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn…

Trong đào tạo, bồi dưỡng phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng cả về chính trị, tư tưởng và chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ tuyên giáo là những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực công tác. Đảm bảo mỗi cán bộ tuyên giáo đều có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định và tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, vừa phải thực sự tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, để chủ trương, đường lối của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt được thành quả, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân tất yếu cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững mạnh, nhất là về năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị ngang tầm nhiệm vụ là nội dung vô cùng quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài. 

Hải Quang



[1] Theo Quy định số 14-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn.

 

        Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ các hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành c&a

Tin khác cùng chủ đề

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác Khoa giáo Quý 1 năm 2022
Sôi nổi Giải cầu lông kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO (1-8-1930 – 1-8-2023): TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ “ĐI TRƯỚC MỞ ĐƯỜNG, ĐI CÙNG THỰC HIỆN, ĐI SAU TỔNG KẾT”
Đạo đức cách mạng “gốc rễ” để xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ  tiên phong, bản lĩnh, sáng tạo, hội nhập, đáp ứng yêu cầu của đất nước  trong tình hình mới
Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo quý III năm 2021
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban an ninh tư tưởng quý III/2022

Gửi bình luận của bạn