Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.

Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay

Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc và coi lời dạy của Khổng Tử “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” là phương châm sống, phương châm hành động của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tự học, học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi. Ra nước ngoài khi chỉ vừa học xong bậc tiểu học, nhưng nhờ tự học, Người đã làm giàu vốn tri thức của mình bằng những vốn tri thức tiên tiến nhất của thời đại để vươn lên trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

 

Về mục đích học, học để làm gì?, Ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Người ghi:

“Học để làm việclàm ngườilàm cán bộ.

Học để phụng sự Đoàn thểgiai cấp và nhân dânTổ quốc và nhân loại.

Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính chí công, vô tư”(2)

 

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6/5/1950, Người giải thích mục đích của việc học:

          “Học để làm gì?

          a/ Học để sửa chữa tư tưởng

          b/ Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng

          c/ Học để tin tưởng

          Tin tưởng vào Đoàn thể

          Tin tưởng vào nhân dân

          Tin tưởng vào tương lai của dân tộc

          Tin tưởng vào tương lai cách mạng

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết hy sinh.

          d/ Học để hành

          Học với hành phải đi đôi

          Học mà không hành thì học vô ích

          Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(3)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con đường học vấn, học không bao giờ cùng là lý tưởng cao đẹp ở mỗi con người để phát triển nhân cách; muốn đạt được học vấn đích thực thì phải có đạo đức trong sáng, có sự chính tâm, sự thành ý biết đem kết quả học tập của mình phục vụ cho hạnh phúc của nhân dân. Theo Người, học không phải để lấy danh, để trang sức, mà học là để hành, học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ. Như vậy, trước tiên học là để đáp ứng yêu cầu của công việc thực tế, mà công việc thì ngày càng mới, càng khó, cho nên việc học là không cùng, còn sống, còn công tác, còn phải học. Do nhu cầu công việc mà người học tìm đến nhà trường, nên việc đào tạo của nhà trường phải nhằm đúng yêu cầu đó, nếu chỉ dạy lý luận chung chung thì việc học sẽ thành vô ích. Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý, học không chỉ học kiến thức, bồi dưỡng lý luận mà còn để trau dồi tư tưởng. Nếu chỉ đơn thuần chú ý đến tri thức lý luận mà coi nhẹ nâng cao tư tưởng, đạo đức là chưa đầy đủ.

 

Về nội dung học, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc(4). Bên cạnh đó, ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Người còn đặc biệt lưu ý đến những tài liệu thiết thực. “Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại, tức là những bài học qúy. Không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học(5).

 

Đó là những chỉ dẫn của Người mà tất cả chúng ta cần hết sức lưu ý để biết cách khai thác và sử dụng những bài học từ kinh nghiệm thực tế mà người học mang đến trường. Về nội dung, Người nêu ra học phải toàn diện: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, lao động và sản xuất”(6). Người lưu ý, đặc biệt phải coi trọng giáo dục nhân cách lý tưởng, đạo đức, trí dục, thể dục và mỹ dục. Đây là những nội dung toàn diện, cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nên nền tảng sự phát triển mỗi con người Việt Nam.

 

Về phương pháp học, Người nêu ra nhiều phương pháp, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến phương pháp tự học, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, học phải đi đôi với hành, động cơ và thái độ học tập phải đúng đắn… Theo Người, tự học là sự làm việc của bản thân người học một cách có kế hoạch trên tinh thần tự giác, tự ý thức học tập chính là sự nỗ lực của bản thân người học. Người đã nói về con đường tự học của mình với sinh viên Trường Đại học thành phố Băng Đung trong dịp Người đến thăm Inđônêxia, từ ngày 27/2 đến 8/3/1959: “Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch và để làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó đã dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ…(7). Những chia sẻ mà Hồ Chí Minh nêu trên đây đã chứng minh cho mục đích Học - Tự học của Người là nhằm phục vụ cho lý tưởng cao cả mà Người đã đặt ra trong suốt cuộc đời mình: Học để biết yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình, học để biết căm ghét áp bức, ích kỷ, biết trở thành hữu ích cho nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn trong quá trình học tập phải tổ chức nhiều hình thức học tập, học mọi lúc, mọi nơi. Trả lời câu hỏi: “Học ở đâu?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(8). Người nhắc nhở mọi người phải luôn luôn khiêm tốn học hỏi quần chúng, học hỏi những người xung quanh: “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(9). Người cũng phê bình những người “Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây” là những người không phải là biết lý luận, không khiêm tốn. Vì vậy, Người khuyên mọi người phải chữa được bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông, lý luận mù quáng.

 

Khi ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc học chữ Pháp với người giúp việc của người chủ tàu. Khi hỏi được những từ mới, Người viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Lại cả khi đi đường Người cũng nhẩm bài học. Học được chữ nào người tìm cách ghép câu để dùng ngay. Với cách học như thế sau một thời gian ngắn Người đã đọc được báo và sách nước ngoài. Bản thân Người rất chú trọng sự thực hành trong tự học. Người cũng sớm nhận thấy vai trò của báo chí là công cụ chống chủ nghĩa đế quốc thực dân. Từ nhận thức đó, Người học cách viết báo. Người nhờ ông chủ bút báo “Đời sống thợ thuyền” giúp đỡ sửa bài. Dần dần Người viết được các bài báo ngắn. Từ bài báo ngắn theo hướng dẫn của ông ta, Người cố gắng viết dài ra; khi có khả năng viết dài ông ta lại yêu cầu Người viết ngắn lại. Khi viết dài, ngắn đều được thì ông ta bảo bây giờ Người muốn viết gì cũng được. Như vậy, với sự khổ công rèn luyện và sự giúp đỡ của ông chủ bút đã giúp cho Người nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại Pari.

 

Trong buổi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm năm 1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…công việc có tiến triển, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ…thì chúng mình dốt lắm…Tôi cũng dốt lắm. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt - Bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ(10)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở các đồng chí và thế hệ trẻ phải có nỗ lực cao trong việc Học và Tự học. Học không bao giờ cùng, càng tiến bộ càng cần phải học. Người dạy: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tiễn. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân(11).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu ra những lời dạy ngắn gọn làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học, học mãi để tiến bộ mãi và mối quan hệ khăng khít của các chủ thể tham gia vào quá trình tự học. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có chỉ dẫn xác đáng như sau: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào” và “Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau(12). Sau này khi nói về công tác huấn luyện và học tập, Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Người khuyên: “Không phải có thày thì học, thày không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”.

 

Có thể thấy những tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh là rất mới, rất khoa học và hiện đại, tương ứng với “triết lý giáo dục thế kỷ XXI” mà UNESCO đưa ra năm 1996(13): Học để biết. Học để làm. Học để chung sống. Học để làm người. Tư tưởng “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” của Người là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người lao động đang thực hiện việc học tập suốt đời. Thấm nhuần được tư tưởng của Người và thực hiện sáng tạo tư tưởng này trong từng vị trí công tác là nghĩa vụ và trách của mỗi chúng ta.

 

Hiện nay, nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức, đến xã hội thông tin, đến toàn cầu hóa mà đặc điểm là sự chạy đua và cạnh tranh quyết liệt về mọi mặt. Vì vậy, phải từ tầm nhìn về tương lai mà suy nghĩ công việc hiện nay và sắp tới của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Trong bối cảnh đó cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Đại học, Cao đẳng cần phải tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp, và muốn đổi mới được cán bộ, giảng viên phải không ngừng học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy của mình. Để làm được, phải học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” và noi gương tự học của Người.

 

Thực tế hiện nay cho thấy đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, những người có trách nhiệm lớn trong công tác giáo dục - đào tạo đã phát triển khá mạnh và có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Tuy nhiên, người giảng viên lý luận chính tri cần phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải “là người kiểu mẫu” về mọi mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống, phải có kiến thức sâu rộng để vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

 

Đội ngũ giảng viên dạy các môn lý luận chính trị những năm qua được đào tạo cơ bản, chuyên sâu và bồi dưỡng thường xuyên nội dung lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được quán triệt một cách nghiêm túc. Những kiến thức về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới được tiếp cận và phân tích đã được đưa vào nội dung bài giảng để cung cấp kịp thời cho người học.

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu mới vẫn còn nhiều bất cập: một số cán bộ, giảng viên trình độ chuyên môn còn hạn chế; một bộ phận giảng viên chưa thật sự nhiệt tâm với nghề. Việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên còn nặng về hình thức; vẫn còn tình trạng coi nhẹ lý luận chính trị, nội dung giảng dạy lý luận còn chung chung, ít gắn với thực tiễn, khả năng vận dụng còn hạn chế; phương pháp giảng dạy ít đổi mới, không hấp dẫn làm cho người học không thấy được giá trị thế giới quan, phương pháp luận và kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không cập nhật được những vấn đề mới đang diễn ra nên không hứng thú học tập làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của các nhà trường. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ của chúng ta, những người cán bộ giảng dạy phải không ngừng học tập, tự học tập, thực hiện lời dạy của Người để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, xứng đáng là những người huấn luyện giỏi như mong muốn của Người.

 

Từ lý luận và thực tiễn trên, chúng tôi bước đầu đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận chính trị theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

 

Thứ nhất, các trường phải có chiến lược, quy định cụ thể về tuyển chon, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ giảng viên lý luận chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, vấn đề chất lượng là một đòi hỏi nghiêm ngặt của công tác này. Đội ngũ cán bộ giảng viên lý luận phải được lựa chọn thật kỹ lưỡng, chính xác và phải được sự quan tâm đặc biệt của công tác tổ chức cán bộ. Các nhà trường phải quan tâm đến quy trình tuyển chọn, xác định các yêu cầu về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm. Làm tốt các khâu đó sẽ tuyển chọn được đội ngũ đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.

 

Thứ hai, cán bộ, giảng viên phải tâm huyết với nghề, xác định được trách nhiệm công việc để xác định rõ mục đích và thái độ học tập đúng đắn của mình. Học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi. Học để nâng cao trình độ. Mỗi người phải xây dựng kế hoạch tự học cụ thể và kiên trì thực hiện kế hoạch đó. Phải luôn tự trau dồi bản thân thông qua con đường tự học, học mọi lúc, mọi nơi để hoàn thiện mình. Học để làm việc tốt hơn, học để làm người, làm thầy, học để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thứ ba, cán bộ, giảng viên phải có ý thức học mọi lúc, mọi nơi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn. Kinh nghiệm của Người là không những phải biết triệt để tận dụng những tổ chức, những hoạt động sẵn có trong xã hội như các nhà bảo tàng, thư viện, câu lạc bộ, sách báo, các buổi nói chuyện, các cuộc hội thảo…mà còn tự mình tạo ra những hình thức học tập mới, sinh động và bổ ích như: tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của người khác, học trong khi giao tiếp, học trong công tác vận động quần chúng…Trong học tập phải hết sức khiêm tốn và thật thà, không được thỏa mãn với vốn kiến thức của mình và những thành tích đã đạt được. Vì vậy, mỗi chúng ta phải có ý thức kiên trì tự học, tự trau dồi bằng các phương pháp và cách thức khác nhau trong công việc hàng ngày.

 

Thứ tư, cán bộ, giảng viên phải lựa chọn nội dung và phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả để nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy như: ngoài kiến thức chuyên môn phải bổ sung các kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chung về chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại ngữ, tin học, cập nhật những vấn đề mới trong nước và thế giới liên quan đến bài giảng... Học phải đi đôi với hành, trong lúc học tập lý luận phải quán triệt nguyên tắc: lý luận phải liên hệ với thực tế. Học phải độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng để tìm ra bản chất của vấn đề không lệ thuộc hay chịu sự áp đặt, phải trở thành người chủ động tiếp thu tri thức. Cán bộ, giảng viên phải xác định tự học làm cốt, học suốt đời, học không bao giờ cùng.

 

Thứ nămtăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng như vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Dành riêng một số lượng kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực lý luận chính trị nhằm phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, học viện và các trường chính trị trong cả nước. Gắn việc nghiên cứu khoa học với thực hiện Nghị Quyết 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Khuyến khích hoặc đặt hàng các đề tài góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với các giảng viên. Có khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích giảng viên lý luận chính trị trong công tác nghiên cứu khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo có nội dung vô cùng phong phú. Trên đây, chúng tôi mới chỉ bước đầu đề cập về một khía cạnh trong tư tưởng của Người. Việc nhận thức đúng, vận dụng có hiệu quả tư tưởng đó vào quá trình công tác, học tập của cán bộ, giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng sẽ góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và chất lượng giảng dạy của những người thầy, cô đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi hiện nay của công cuộc đổi mới đất nước ./.

______________________________________________

(1), (2), (3), (4), (5), (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 6, tr.61; tr.208; tr.360-361; tr.359; tr.360; tr.361

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 12, tr.647

(7) Vũ Ngọc Khánh, Minh triết Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa Thông tin, HN,  tr.58

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 11, tr.98

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 13, tr.273-274

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 10, tr.377

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2011, tập 5, tr.312

(13) Xem Học tập là một kho báu tiềm ẩn - Báo cáo của Hội đồng quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI, do J.Delors làm Chủ tịch UNESCO, Pari, 1992, bản dịch tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN, 1997.

 TS. Lê Đình Năm

Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc và coi lời dạy của Khổng Tử “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” là phương châm sống, phương châm hành động của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tự học, học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi. Ra nước ngoài khi chỉ vừa học xong bậc tiểu học, nhưng nhờ tự học, Người đã làm giàu vốn tri thức của mình bằng những vốn tri thức tiên tiến nhất của thời đại để vươn lên trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.   Về mục đích học, học để làm gì?, Ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Ngư

Tin khác cùng chủ đề

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Vai trò của giảng viên Trường Chính trị trong phòng chống thông tin “xấu, độc” trên các nền tảng video trực tuyến
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị - một lực lượng quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Tăng cường thao giảng giảng viên lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Gửi bình luận của bạn