Kỳ 2: Đội quân “nhà giàn” cơ động

Kỳ 2: Đội quân "nhà giàn" cơ động
Kỳ 2: Đội quân "nhà giàn" cơ động

Kỳ 2: Đội quân “nhà giàn” cơ động


Những người lính hải quân ở trên nhà giàn bằng thép chắc chắn để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Và những ngư dân ở mặt ngoài nhà giàn trên các chiếc tàu gỗ, vừa khai thác thủy sản, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo, giống như những đội quân “nhà giàn” cơ động…


Thần tốc bao vây đàn cá


Tôi còn nhớ như in hôm đi theo tàu lưới vây để tận mắt chứng kiến ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển Trường Sa. Khi tàu chạy qua nhà giàn, anh thuyền trưởng nói như hét vào tai tôi để át lại tiếng máy tàu: “Từ đây, tàu mình phải chạy ra phía đông thêm 1 ngày, 1 đêm nữa mới đến chỗ khai thác cá”. Những con sóng đập tung lên boong tàu, gần 20 người vào ca bin nằm chờ đợi và đúng thời gian thuyền trưởng nói, tàu đã đến nơi khai thác. Những tàu cá, những ngư dân ấy đã làm nên niềm tự hào về những “biên đội” ngư dân có mặt khắp nơi, ở lại xuyên suốt thời gian để giữ biển, đảo. Đúng là đội quân “nhà giàn” cơ động trên biển.

 

Tàu hậu cần đang cập vào mạn tàu lưới vây nhận cá đưa về cảng Hòn Rớ.

Tàu hậu cần đang cập vào mạn tàu lưới vây nhận cá đưa về cảng Hòn Rớ.


Sử dụng neo giữ chà dẫn dụ đàn cá về cư ngụ trong dòng hải lưu chảy cực mạnh mới chỉ là công việc bước đầu. Làm cách nào để bao vây cả đàn cá ở độ sâu 2.000 - 3.000m đòi hỏi kinh nghiệm chắt lọc từ cuộc đời ngư dân mấy chục năm làm lưới vây khơi mới có được. Ông Trứ đang nuôi mấy chiếc tàu “trinh sát”, hàng ngày có nhiệm vụ tuần tra trông coi những cây neo - phao giữ chà. “Lính của tàu “trinh sát” có nhiệm vụ lặn xuống từng chà quan sát xem có đàn cá về cư ngụ chưa? Phải dự tính được sản lượng cá ở dưới mỗi chà; báo cho thuyền trưởng tàu lưới biết tình hình. Lúc này, thuyền trưởng đưa tàu lưới vây đến khu vực chà tác nghiệp và thăm dò thật kỹ lưỡng mới quyết định buông lưới đánh bắt” - thuyền trưởng Phạm Được nói.


Thông thường cá mới gom đàn về ở dưới chà rất nhát, chạy đảo liên tục với tốc độ cao. Tàu lưới vây không nôn nóng, phải kiên nhẫn chờ đợi, ban đêm bật sáng mấy chục bóng điện cao áp để thu hút đàn cá ngừ. Cá bắt đầu “ăn đèn” dần di chuyển chậm lại, thuyền trưởng ra lệnh nới dây buộc ở mũi tàu với phao nổi, để chiếc tàu trôi dần dần ra xa (khi buông lưới không bị mắc vào phao nổi và bó chà dưới biển). Theo ánh đèn, tàu dắt đàn cá ra xa, cách phao nổi mấy trăm mét, rồi thả bóng điện nổi (gắn vào phao lớn) xuống mặt nước. Tàu bắt đầu tắt dần số bóng điện, chỉ cho sáng bóng điện nổi trên mặt nước, nhằm cô đặc đàn cá lại trong phạm vi hẹp nhất có thể. Qua kiểm tra các thông số an toàn, thuyền trưởng bấm chuông lần thứ nhất báo động tất cả lao động trên tàu vào vị trí sẵn sàng. Sau khi bấm chuông lần thứ hai, thuyền trưởng tăng ga cho tàu chạy rất nhanh theo vòng tròn, tất cả lao động tập trung thả lưới xuống biển. Chỉ trong thời gian ngắn, giàn lưới bao trọn đàn cá.


Nhiệm vụ của tàu hậu cần giống như xương sống của chuỗi các hoạt động nghề lưới vây. Gặp lúc có gió, tàu hậu cần giữ lái tàu lưới vây, không để nó tiến về phía trước ủi vào giàn lưới đang bao vây đàn cá, có nguy cơ phá vỡ vòng vây, sẽ thất bại ở phút cuối. Chỉ khi nào rút xong dây chì phía dưới, cá đã bao kín lại, tàu hậu cần mới nhả ra phía lái, chạy cặp song song mạn tàu lưới vây để cảo cá lên cất giữ vào các hầm chứa của tàu hậu cần. Sản lượng đạt khoảng 40 tấn cá trở lên, tàu hậu cần tức tốc chạy về cảng bán ngay. Trường hợp chưa đủ số lượng, tàu hậu cần phải chờ đợi mẻ lưới tiếp theo. Khi tàu hậu cần quay trở ra biển sẽ mang theo hàng tấn dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm... để tiếp tế cho cả đội quân và mấy chiếc tàu đang hoạt động thường xuyên trên biển.


Cách giữ chân lao động


Nghề lưới vây chốt giữ chà có lực lượng lao động ở lại trên biển lâu nhất. Người làm việc trên tàu “trinh sát” và tàu lưới vây ở lại 2 tháng liên tục mới vào đất liền thay ca. Riêng tàu “trinh sát” phải ở ngoài biển từ 8 tháng đến 1 năm mới chạy vào bờ tu sửa, làm lại đăng kiểm. Quân số tàu lưới vây hơn 15 người/tàu, còn tàu “trinh sát” từ 2 đến 3 người/tàu. “Năm nay, có người đã ở lại liên tục 6 tháng trên tàu “trinh sát” chưa vào bờ; hiện giờ vẫn chưa vào bờ thay ca, chưa biết anh ấy sẽ ở lại thêm bao lâu” - ông Trứ kể.


Điều kiện ăn ở trên tàu đánh cá chật hẹp, khổ cực và luôn đối mặt với biết bao hiểm nguy. Muốn giữ chân lao động ở lại trên biển lâu ngày là bài toán cực kỳ nan giải, các ông chủ lưới vây luôn lấy lợi ích kinh tế để đảm bảo cho sự gắn kết bền lâu với nhau. Thuyền trưởng Phạm Y (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang; thuộc nhóm tàu của ông Lê Trứ) chia sẻ: “Đối với lao động nghề biển, lâu nay, chủ trả tiền công theo sản phẩm đánh bắt được. Chuyến biển nào trúng cá thì tài công (thuyền trưởng) và bạn có ăn; còn chuyến biển đói, coi như tài công và bạn không có đồng nào. Riêng đối với lao động làm lưới vây giữ chà được chủ trả cứng 8 triệu đồng/tháng, nghĩa là dù tàu đánh bắt không có con cá nào, ông chủ cũng phải trả họ 8 triệu đồng/tháng; còn khi tàu đánh bắt được nhiều cá, họ sẽ được trả thêm theo phần trăm số tấn cá. Có chuyến biển bạn nhận được 20 triệu đồng, thậm chí có đợt nhận cả 70 triệu đồng”.


- Lao động ở trên tàu lưới vây được ăn chia theo số tấn cá, còn mấy anh ở dưới tàu “trinh sát” trông coi chà được trả bao nhiêu tiền? - tôi hỏi.


- Lao động ở tàu “trinh sát” cũng được trả cứng 8 triệu đồng/tháng, nhưng không được chia vào phần trăm tàu lưới vây. Vì tàu “trinh sát” rảnh việc nên họ tự câu mực, câu cá thêm. Số sản phẩm này được bỏ túi riêng, ông chủ không lấy đồng nào. Nhờ làm thêm, họ có thu nhập cao. Chẳng hạn câu trúng con bò gù (cá ngừ) 100kg kiếm được hơn 10 triệu đồng rồi. Nhờ vậy, mấy ông trên tàu “trinh sát” mới chịu ở lại dài ngày trên biển.


- Đối tượng nào sẽ được ưu tiên làm việc trên tàu “trinh sát”?


- Chẳng có ưu tiên gì cả, chủ yếu tự nguyện. Đa phần lớp trẻ thích đông vui và đụng tay, đụng chân thì thích ở tàu lưới vây, làm quần quật suốt ngày đêm. Còn mấy anh lớn tuổi chọn làm ở tàu “trinh sát”. Tàu này buồn lắm, chỉ có 2 ông ở trên chiếc tàu, từ tháng này qua tháng khác. Lâu lâu cập vào tàu hậu cần lấy gạo, nước ngọt, dầu và gửi cá, mực vào bờ bán giúp.  


Mô hình tàu mẹ và tàu con của ông Lê Trứ hoạt động khá độc đáo, thành công nhất miền Trung. Đây là chuỗi khép kín: Thả hệ thống neo dẫn dụ cá, tàu “trinh sát” bảo vệ, tàu khai thác, tàu hậu cần; trên bờ có đội xe tải chở cá phân phối, bán trực tiếp ở chợ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bán cho nhà máy chế biến. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy và điều hành của một ông chủ, mọi việc diễn ra nhịp nhàng và ăn khớp.


“Tất cả mọi khâu tôi đều quản trị giống như doanh nghiệp trên bờ, hàng tháng tốn rất nhiều tiền để nuôi cả đội tàu và lực lượng lao động hoạt động ở ngoài biển xa. Tôi còn ký hợp đồng mua lại công thức, lưới, kỹ thuật, thiết bị đánh bắt của Nhật Bản. Họ đã có kinh nghiệm khai thác cá ngừ lưới vây trước nước ta hàng chục năm. Nếu không tái đầu tư lớn, không quản trị tốt sẽ bị thua lỗ thì khó đủ sức duy trì sản xuất ngoài biển khơi và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Trứ tâm sự.

 

Ông Huỳnh Văn Khâu (TP. Nha Trang), chủ đoàn tàu lưới vây chà ở Trường Sa cho biết: Mấy tháng mùa biển động, mưa bão khai thác khó khăn, cộng thêm dịch Covid-19 khiến giá cá giảm, tôi đã bị lỗ khoảng 700 triệu đồng. Chi phí nuôi đội tàu, lao động giữ chà ngoài biển quá lớn. Dùng neo giữ chà ở mực nước trên dưới 3.000m chờ cá đến để đánh bắt cũng giống như đoán chim bay trên trời, khó vô cùng. Ai không chứng kiến thì thấy dễ, lao vào trận rồi thì chảy nước mắt. Biển lúc thuận, lúc không thuận, ngư dân phải chấp nhận tất cả.

 


HẢI LUẬN


Kỳ 1: Độc đáo trận địa đánh bắt cá

 

Kỳ 3: Kiên cường bám biển
 

Kỳ 2: Đội quân “nhà giàn” cơ động Những người lính hải quân ở trên nhà giàn bằng thép chắc chắn để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Và những ngư dân ở mặt ngoài nhà giàn trên các chiếc tàu gỗ, vừa khai thác thủy sản, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo, giống như những đội quân “nhà giàn” cơ động… Thần tốc bao vây đàn cá Tôi còn nhớ như in hôm đi theo tàu lưới vây để tận mắt chứng kiến ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển Trường Sa. Khi tàu chạy qua nhà giàn, anh thuyền trưởng nói như hét vào tai tôi để át lại tiếng máy tàu: “Từ đây, tàu mình phải chạy ra phía đông thêm 1 ngày, 1 đêm nữa mới đến c

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng thế trận vững chắc ở khu vực biên giới biển
Lữ đoàn, 146 Vùng 4 Hải quân: tuyên truyền biển, đảo cho 180 cán bộ, đảng viên huyện Khánh Vĩnh
Những “mắt thần’’ canh biển ngày Xuân
Từ tem "quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" đến "Bàng vuông"
Hải quân phát huy truyền thống 55 năm chiến thắng trận đầu
Những người lính nơi đầu sóng

Gửi bình luận của bạn