Đã 78 mùa thu trôi qua, nhưng mỗi lần nghe lại ca khúc Mười chín tháng Tám và những bài hát về Cách mạng tháng Tám, chúng ta vẫn cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi của cả dân tộc Việt Nam quyết đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Vang mãi những khúc ca hào hùng
Vang mãi những khúc ca hào hùng

Lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra những nhạc sĩ thiên tài đúng vào thời điểm đất nước, nhân dân cần. Trước những thời khắc thiêng liêng của toàn dân tộc, người nhạc sĩ đã làm tốt vai trò của một người chép sử bằng giai điệu, ca từ nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân. Nghe lại những ca khúc sống cùng lịch sử cách mạng Việt Nam, mỗi chúng ta càng trân quý những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài hát như: Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh); Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu); Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước); Du kích ca (Đỗ Nhuận); Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái); Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao); Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi); Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu)… đến hôm nay và mãi mai sau vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật, tư tưởng bởi mỗi lời ca, giai điệu ấy vẫn đủ sức lay động trái tim không chỉ khán giả của thế hệ trước, mà cả những lứa khán giả trẻ hiện tại, cũng như trong tương lai.

Được sáng tác vào năm 1945, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ca khúc Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh tuy ngắn gọn nhưng đã chuyển tải được không khí trong ngày trọng đại của dân tộc: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung…”. Cũng được sáng tác vào năm 1945, bài hát Đoàn vệ quốc quân thể hiện khí thế hừng hực, tâm trạng sục sôi, quả cảm của những thanh niên tham gia chống giặc cứu quốc. “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/Nào có sá chi đâu ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui…” chính là những giai điệu hào hùng thể hiện khát vọng cháy bỏng trong lòng thế hệ trẻ yêu nước xưa và nay.

Bên cạnh các ca khúc được sáng tác ngay trong những ngày rung chuyển của Cách mạng tháng Tám, còn có những ca khúc góp phần cổ vũ không khí đấu tranh sôi sục của mùa thu năm xưa. Ca khúc Cùng nhau đi hồng binh được nhạc sĩ Đinh Nhu sáng tác năm 1930, khi ông đang bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò. Ngày 19-8-1945, hình ảnh đoàn người từ mọi ngả kéo tới quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) vừa đi vừa hát: “Cùng nhau đi hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh...” như nhắc lại khí thế hào hùng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm nào. Ca khúc Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao viết trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) vào năm 1944. Ngay từ khi ra đời, Tiến quân ca đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh và sau này được chọn làm Quốc ca của nước ta. Nhạc sĩ Văn Cao còn có ca khúc Chiến sĩ Việt Nam viết cùng thời gian với Tiến quân ca, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong những ngày đầu cách mạng: “Bao chiến sĩ anh hùng/Lạnh lùng vung gươm ra sa trường/Quân xung phong, nước Nam đang chờ/Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời…”.

Hình ảnh những ngày tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng của 78 năm trước. (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh những ngày tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng của 78 năm trước. (Ảnh tư liệu)

Với ca khúc Diệt phát xít, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã hòa chung tinh thần của những bài hát chống phát xít của toàn thế giới. Thêm một ca khúc cũng được hát vang trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám là Du kích ca, được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác tại nhà tù Sơn La vào đầu năm 1945. Ca khúc mang một hơi thở mới từ núi rừng chiến khu: “Anh em trong đoàn quân du kích/Cùng vác súng lên nào/Đi lên/Xung phong/Xuyên qua rừng qua núi/Qua mây mờ đêm tối/Vượt suối băng ngàn…”. Hai ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên cũng thường được vang lên mỗi dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Mỗi ca từ trong các ca khúc như lời thúc giục, sục sôi ý chí của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam từ trước đây đến hôm nay.

Những ca khúc cách mạng nổi tiếng ấy không chỉ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình mà còn làm lay động trái tim khán giả của các thế hệ hôm nay. Từ những lời ca, giai điệu, chúng ta phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng hào hùng của toàn dân tộc, để từ đó thêm quý trọng và có những đóng góp thiết thực hơn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay.

GIANG ĐÌNH

Lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra những nhạc sĩ thiên tài đúng vào thời điểm đất nước, nhân dân cần. Trước những thời khắc thiêng liêng của toàn dân tộc, người nhạc sĩ đã làm tốt vai trò của một người chép sử bằng giai điệu, ca từ nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân. Nghe lại những ca khúc sống cùng lịch sử cách mạng Việt Nam, mỗi chúng ta càng trân quý những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài hát như: Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh); Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu); Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước); Du kích ca (Đỗ Nhuận); Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái);&nb

Tin khác cùng chủ đề

Rộn ràng khúc ca đón chào năm mới
Năm 2023: Chờ sức bật từ những chuyển biến lớn về văn hóa
Khai mạc triển lãm tem bưu chính "Nha Trang biển gọi - Dấu ấn bác sĩ Alexandre Yersin"
Tiếng vọng từ lòng đất
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam nhìn nhận về vai trò của cán bộ văn hóa trong bối cảnh mới

Gửi bình luận của bạn