Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra đã xác định chín nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, trong đó có nội dung “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa
Phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa

Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch... Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”.

Việt Nam sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương, trải dài khắp đất nước; cùng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, các di sản văn hóa-nghệ thuật, văn nghệ dân gian, bảo tàng... Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch. Trong ba năm liên tiếp, 2019 đến 2021, Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Điều đó cho thấy, giá trị di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng với mức tăng trưởng bình quân về lượt khách đạt 22,7%/năm và về doanh thu đạt 20,7%/năm; riêng năm 2019, tổng thu từ du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước. Trong đó, du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định tạo nên kết quả ấn tượng này. Tham quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, sau nghỉ dưỡng tắm biển. Nhiều sản phẩm như tham quan Di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An…; tham gia các lễ hội truyền thống nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu, hấp dẫn.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng du lịch nhanh chóng đã đặt ra những thách thức: nhiều giá trị di sản văn hóa bị thương mại hóa một cách quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa và truyền thống, phai nhạt bản sắc; nhiều nét văn hóa truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán địa phương bị phá vỡ, biến đổi; xuất hiện sự đồng hóa văn hóa ngoại lai, những mâu thuẫn về chia sẻ lợi ích…

Để vượt qua những thách thức nêu trên, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu. Du lịch sáng tạo là loại hình du lịch mang đến cho du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của mình nhờ tương tác, tham gia trực tiếp vào các trải nghiệm học hỏi văn hóa bản địa và đặc trưng của điểm đến. Phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa sẽ giúp du lịch Việt Nam đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo và xúc tiến quảng bá tốt hơn thông qua hiệu ứng mạng xã hội, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để làm được những điều này, cần có những điều chỉnh trong hoạch định chính sách và hành động. Nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch. Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; bảo đảm phát triển bền vững trong hoạt động du lịch tại các di tích, di sản văn hóa; tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể của di sản văn hóa phi vật thể. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương cần triển khai điều tra, phân loại và đánh giá các tài nguyên du lịch một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

Trong xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa phải bảo đảm các nguyên tắc: sản phẩm du lịch mang được linh hồn của văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng, miền khác nhau, qua đó gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch; khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch na ná giống nhau hiện nay. Kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa. Bảo đảm chất lượng của sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số; việc tổ chức các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của sắc thái văn hóa các dân tộc.

Có cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản văn hóa. Xây dựng các điểm đến du lịch di sản văn hóa là công việc mới mẻ đối với người dân, đồng thời là lĩnh vực kinh doanh phức tạp. Vì vậy, phát triển du lịch di sản văn hóa cần có sự kết hợp của các bên liên quan, gồm: người dân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương. Trong đó, người dân địa phương là chủ thể chính trong các hoạt động du lịch văn hóa tại các điểm du lịch.

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, trong thời gian tới, ngành du lịch và văn hóa sẽ có nhiều việc, nhiều giải pháp cần làm. Song, chắc chắn rằng việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch sẽ có vai trò to lớn, tạo ra chiều sâu chất lượng và sự hồi phục, bứt phá cho du lịch Việt Nam.

Văn hóa với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

 

Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch... Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”. Việt Nam sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương, trải dài khắp đất nước; cùng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, các di sản văn hóa-nghệ thuật, văn nghệ dân gian, bảo tàng... Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng

Tin khác cùng chủ đề

Rộn ràng khúc ca đón chào năm mới
Năm 2023: Chờ sức bật từ những chuyển biến lớn về văn hóa
Khai mạc triển lãm tem bưu chính "Nha Trang biển gọi - Dấu ấn bác sĩ Alexandre Yersin"
Tiếng vọng từ lòng đất
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam nhìn nhận về vai trò của cán bộ văn hóa trong bối cảnh mới

Gửi bình luận của bạn