Miền Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm - đó là vịnh Cam Ranh. Lần ấy Bác đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau) năm 1946 trở về.
Cuộc hội kiến với Đác - Giăng - Liơ  ở vịnh Cam Ranh - (1946) Tỏa sáng bản lĩnh, tài năng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
Cuộc hội kiến với Đác - Giăng - Liơ ở vịnh Cam Ranh - (1946) Tỏa sáng bản lĩnh, tài năng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Tượng đài Bác Hồ tại quảng trường TP. Cam Ranh
(Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử TP. Cam Ranh)

          Miền Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm - đó là vịnh Cam Ranh. Lần ấy Bác đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau) năm 1946 trở về. Khi con tàu Đuy-mông Đuya-vin (Dumont D’Urville) đến hải phận miền Nam nước ta, Bác nhận được một bức điện từ Sài Gòn của Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) - Cao ủy Pháp ở Đông Dương xin gặp Bác. Bác nhận lời và hẹn gặp ở vịnh Cam Ranh vào ngày 18-10-1946.

Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ đã tổ chức Lễ đón trọng thị (theo nghi lễ đón tiếp nguyên thủ Quốc gia) và có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Xuphơren (Suffren). Cùng đi với Hồ Chủ tịch có Bác sĩ Trần Hữu Tước. Khi ca-nô cặp cầu thang chiến hạm Xuphơren, Đô đốc Ôbogiô chỉ huy hải quân Pháp ở Viễn Đông và Trung tá Kescvin chỉ huy chiến hạm Xuphơren chờ sẵn ở cầu thang đón và đưa Bác lên chiến hạm. Bác Hồ lên boong tàu, một đơn vị hải quân đứng bồng súng chào và hô to ba lần “Hurrah, Hurrah, Hurrah” vang đội trên mặt biển Cam Ranh. Theo nhật ký bác sĩ Trần Hữu Tước cho biết: nghi thức đón Chủ tịch Hồ Chí Minh của hải quân Pháp trên vịnh Cam Ranh như “đại lễ đón Quốc trưởng”, nhưng “Trước nghi lễ rầm rộ và uy nghi đó, Bác chẳng coi ra gì, một mình phó hội, chỉ với người thầy thuốc, với gậy mũ hàng ngày, như thể đi thăm người quen biết đâu đấy, trong làng, xóm thế thôi” (1). Sự giản dị và phong độ ung dung thư thái của Bác càng tôn vẻ vĩ đại của Người.

 Sau khi duyệt đội danh dự, Người cùng với Cao ủy Pháp - Đácgiăngliơ và tướng Luitxơ Môlie (Morliere) - người kế nhiệm Xanhtơny, đại diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội đã có cuộc hội kiến chính thức để bàn thỏa thuận cách thực hiện các điều khoản của Tạm ước 14-9. Trong cuộc hội kiến này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn ai hết hiểu được vai trò và thái độ của Đácgiăngliơ - người đảm nhận quyền hạn Toàn quyền Đông Dương và quyền hạn Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Pháp tại Đông Dương. Chủ trương của Chính phủ Pháp theo những điều khoảng tạm ước 14-9 có được thực hiện hay không và được thực hiện như thế nào điều đó phụ thuộc nhiều vào Cao uỷ Pháp tại Đông Dương. Nên trong suốt cuộc hội kiến Người luôn giữ thái độ mềm dẽo, chân thành, tranh thủ lòng người đối với Đácgiăngliơ. Cao uỷ Đácgiăngliơ đồng ý việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử đại diện để hợp tác trong việc thực hiện ngừng bắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định quyết tâm thực hiện Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và Tạm ước ngày 14-9. Song Người kiên quyết phản bác việc Cao uỷ yêu cầu hồi hương ngay lập tức tất cả các lực lượng của ta

ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phản bác yêu cầu trên xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ, Bắc Bộ là một bộ phận hữu cơ không thể chia cắt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người Việt Nam không có lý do gì phải “hồi hương” ngay trên lãnh thổ của mình.

 Sau cuộc hội đàm Bác đã ăn trưa trên tàu với Đác-giăng-li-ơ. Trong bữa tiệc, Đác-giăng-li-ơ sắp xếp Bác ngồi giữa viên Đô đốc Hải quân và viên Thống soái Lục quân Pháp ở Viễn Đông. Đác-giăng-li-ơ cười, nói bóng gió: - Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine. Có nghĩa: (Ngài Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục và hải quân). Viên Cao ủy Pháp nhấn mạnh những tiếng “đang bị”, “đóng khung” tỏ ý như Chủ tịch nước Việt Nam đang bị bao vây bởi hải quân và lục quân Pháp. Bác thản nhiên cười và trả lời bằng tiếng Pháp:- Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, e’ est le tableau qui fait la valeur du cadre… Có nghĩa: (Nhưng, Đô đốc biết đó, chính bức tranh mới mang lại giá trị cho cái khung). Lời nói bóng gió của viên Cao ủy Cộng hòa Pháp một lần nữa biểu hiện ý đồ thực dân của Đác-giăng-li-ơ, nhưng lập tức đã bị Bác bẻ gãy một cách nhẹ nhàng. Các tướng lĩnh Pháp có mặt hôm đó một lần nữa bị một cú bất ngờ, ngồi lịm đi trước bản lĩnh và phong cách ứng xử tài tình của Bác. Tuy nhiên, ngay sau đó Bác đã chuyển câu chuyện sang một thế mở cho các quan Pháp để cuộc gặp gỡ trở nên vui vẻ.

Chiều hôm đó, Đác-giăng-li-ơ sắp xếp có cuộc gặp gỡ với một số ký giả Pháp và Việt Nam do Đác-giăng-li-ơ tổ chức đưa từ đất liền ra. Bác Hồ và Đác-Giăng-li-ơ chủ trì cuộc họp báo. Trong lúc Đác-giăng-li-ơ nghiêm nghị, cau có thì Bác nhẹ nhàng, vui vẻ ngồi nói chuyện với các ký giả bằng tiếng Pháp và thoải mái như những người bạn. Nhiều báo Pháp trong đó có ký giả của tờ Le Monde đã ghi lại “Cuộc gặp gỡ Cam Ranh”, “Sự kiện Cam Ranh” và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được mô tả rất sinh động. Hôm đó Bác đã xác định rằng: “Hai nước phải làm tất cả để chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam, phải làm tất cả để nguội các cái đầu đang nóng. Tôi tin rằng hai bên cùng thực hiện bản “tạm ước” đã ký. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cải thiện được tình hình, quan hệ hai nước sẽ phát triển tốt hơn… Sẽ còn rất nhiều trở ngại, nhưng nếu chúng ta cùng khắc phục vượt qua, chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình là hòa bình”.

Đến 16 giờ, cuộc hội đàm chấm dứt, Chủ tịch Hồ chí Minh phát biểu cảm ơn Cao uỷ Đácgiăngliơ đã có nhã ý tổ chức cuộc hội kiến này và mong muốn hai bên cần có thiện chí thực thi đầy đủ bản tạm ước 14-9-1946 và Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi cười bắt tay và ôm hôn Cao uỷ Đácgiăngliơ, khiến ông ta lúng túng vì bị bất ngờ đến mấy giây, rồi cũng ôm hôn lại.

Sự việc này, đã được một nhà nghiên cứu bình luận: Đó là nụ hôn của hòa bình với chiến tranh! Bởi chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”.

Kết quả trên phản ánh quan điểm tư tưởng xuyên suốt trong chuyến đi thăm nước Pháp và cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch với Cao uỷ Đông Dương Đácgiăngliơ tại Vịnh Cam Ranh, là kiên trì mềm dẽo trong đấu tranh ngoại giao, tranh thủ lòng người, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, nêu cao chính nghĩa của dân tộc và thiện chí hoà bình của Việt Nam, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tất cả điều đó đã thể hiện đầy đủ bản lĩnh, tài năng và phong cách ngoại giao kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện ngày 18-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé vào vịnh Cam Ranh hội kiến với cao ủy Pháp Đác-giang-liơ là một mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tại cuộc hội kiến này, Bác đã thể hiện thái độ thiện chí vì hòa bình, nhưng rất cương quyết, bản lĩnh, đấu tranh đến cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Sự kiện này còn là một mốc lịch sử đặc biệt: - Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Người trở lại miền Nam kể từ năm 1911, khi Người rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng. Từ đó cho đến khi Người vĩnh biệt chúng ta, không lúc nào Người không nhớ về đồng bào và mảnh đất miền Nam ruột thịt với tất cả tấm lòng thương nhớ vô hạn.

 Năm nay, tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm: 70 năm ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh. Đây là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, không chỉ là niềm vinh dự lớn lao đối với nhân dân tỉnh Khánh Hòa mà còn là tấm lòng của cả đồng bào miền Nam đối với Bác. Đồng thời, sự kiện này cũng cho ta rút ra bài học giá trị: về bản lĩnh, tài năng và phong cách ngoại giao kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để vận dụng trong đấu tranh, ngoại giao bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới trên bộ, chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay và trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

(1) Trần Hữu Tước, trong tác phẩm “Theo con đường Bác Hồ”, NXB Kim Đồng-2003, trang 63. 

Nguyễn Thọ


Tượng đài Bác Hồ tại quảng trường TP. Cam Ranh (Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử TP. Cam Ranh)           Miền Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm - đó là vịnh Cam Ranh. Lần ấy Bác đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau) năm 1946 trở về. Khi con tàu Đuy-mông Đuya-vin (Dumont D’Urville) đến hải phận miền Nam nước ta, Bác nhận được một bức điện từ Sài Gòn của Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) - Cao ủy Pháp ở Đông Dương xin gặp Bác. Bác nhận lời và hẹn gặp ở vịnh Cam Ranh vào ngày 18-10-1946. Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ đã tổ chức Lễ đón trọng thị (theo nghi lễ đón tiếp nguyên thủ Quốc gia) và có cuộc hội ki

Tin khác cùng chủ đề

Rộn ràng khúc ca đón chào năm mới
Năm 2023: Chờ sức bật từ những chuyển biến lớn về văn hóa
Khai mạc triển lãm tem bưu chính "Nha Trang biển gọi - Dấu ấn bác sĩ Alexandre Yersin"
Tiếng vọng từ lòng đất
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam nhìn nhận về vai trò của cán bộ văn hóa trong bối cảnh mới

Gửi bình luận của bạn