Vị chỉ huy quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Trong những công trình lớn mang dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Lê Đức Anh khẳng định, công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam là một trong những công trình trọng điểm và lớn nhất quốc gia ở những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Nó biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng chủ trương quyết liệt và cách làm sáng tạo của ông Võ Văn Kiệt. Cùng với công trình đường dây tải điện 500kV xuyên Việt, làm nên một cuộc đột phá chiến lược về kinh tế và công cuộc điện khí hóa toàn quốc, dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn để lại ở Khu đại công nghiệp Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, tạo điều kiện cho miền Trung phát triển kinh tế, từng bước tiến lên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Công trình ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long biến nơi đây thành vựa lúa lớn của đất nước ta ngày nay…
Trong suốt 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới (1987-1997), ông Trần Đức Lương là người cộng sự, giúp việc gần gũi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc ông Võ Văn Kiệt là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng thì ông Lương là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công nghiệp; khi ông Kiệt được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, thì ông Lương là Phó Thủ tướng phụ trách các ngành kinh tế-kỹ thuật. Vì thế ông Lương thấu hiểu những áp lực mà người chỉ huy, đứng đầu Chính phủ luôn phải đối mặt, đó là “áp lực từ phía dư luận xã hội khi một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội vì những lý do khác nhau chưa đồng tình với các chủ trương chính sách; áp lực từ trong nội bộ, nhất là ở lãnh đạo cấp cao, mỗi khi các chủ trương, chính sách cụ thể đòi hỏi được cân nhắc, phản biện giữa hai khả năng: đúng hay sai, thành hay bại”.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết, ông khâm phục Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong quyết định xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam ở bản lĩnh, tính quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của một vị chỉ huy, người đứng đầu Chính phủ.
Trong bài “Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, Chủ tịch nước Trần Đức Lương từng viết: Trong thời điểm quyết định xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam đã gây nên không ít ý kiến nghi ngờ, phê phán coi đó là một quyết định duy ý chí, phiêu lưu mạo hiểm, gây lãng phí lớn, thậm chí gây hiểm họa. Dư luận khá ồn ào cả trong và ngoài nước được phản ánh trên báo chí, ở một số diễn đàn, kể cả diễn đàn Quốc hội, tác động đến cả một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã công khai bảo vệ, nhận trách nhiệm về công trình và trực tiếp chỉ đạo xây dựng và rồi, công trình thành công mỹ mãn. Vai trò cực kỳ quan trọng của hệ thống đường tải điện cao áp đã được chứng minh bằng thực tiễn.
Người đi đầu hoạch định chính sách đối ngoại mới
Với tư cách là trợ thủ đắc lực một thời cho ông Võ Văn Kiệt, trong cảm nhận của ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhớ lại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho thấy vai trò một người đi đầu trong tiến trình hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại mới, những thông điệp chính trị của ông đã soi sáng trên nhiều vấn đề: từ bứt phá tư duy đến đổi mới tư duy đối ngoại, từ khớp nối mềm gắn kết đối ngoại với đối nội trong nước đến vị thế địa - chính trị mới của Việt Nam... Những di sản ông để lại đã góp phần hoạch định và chủ động triển khai đường lối quốc tế của Đảng, Nhà nước ta thời kỳ đổi mới. Đó là đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế", một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại theo phương châm "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Tiêu biểu trong đó không thể không nhắc tới những đường hướng ông đã vạch ra trên quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Trong bài viết tựa đề “Người đi tiên phong và di sản để lại” được Nhà xuất bản Trẻ lựa chọn phát hành trong cuốn “Võ Văn Kiệt, người thắp lửa”, ông Nguyễn Mạnh Cầm viết: “Phải là một chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, ông Võ Văn Kiệt mới có những chỉ đạo táo bạo trong các động thái góp phần làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước”.
Về cơ sở cho những chỉ đạo ấy, ông Võ Văn Kiệt từng lập luận “ngày nay các thế lực phản động không thể giương mãi ngọn cờ chống cộng để tập hợp lực lượng phá ta như trước đây. Ngọn cờ này giờ đây đã mất thiêng, họ sẽ chuyển sang những ngọn cờ khác. Trong nội bộ chính quyền Mỹ có nhiều nhóm lợi ích khác nhau, ta cần biết cách phân hóa, tranh thủ. Phải đánh giá chính sách của Mỹ và các nước khác đối với ta dưới ánh sáng của những thay đổi trên thế giới, trong khu vực và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đặc biệt là trong tương quan mới giữa các nước lớn, giữa các trung tâm quyền lực đang hình thành”.
Trên tinh thần đó, từ 1990 đến 1994, nhân các dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hàng năm, Việt Nam và Mỹ đều có các cuộc tiếp xúc không chính thức cấp ngoại trưởng để bàn và thúc đẩy vấn đề cải thiện quan hệ. Cũng trong những năm này, nhiều phái đoàn nghị sĩ Mỹ sang thăm, hội kiến với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và lãnh đạo Việt Nam, thấu hiểu được thiện chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: "Từ lâu, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương Hoa Kỳ và Việt Nam cần hướng về tương lai, xây dựng mối quan hệ bình thường giữa hai nước". Hai bên thỏa thuận lấy ngày 12/7 làm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Những nỗ lực của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Với việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế./.
Đây là đánh giá của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho ông Võ Văn Kiệt được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trích dẫn cho phần giới thiệu cuốn Hồi ký bao gồm những bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.