Về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, là do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Ðảng.
Về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, là do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Ðảng. Với thắng lợi đó "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc" (1).

Sự lãnh đạo của Ðảng trước hết ở sự bổ sung, phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc; ở sự lựa chọn hình thức và phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể; ở sự tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; ở sự nhận thức tình thế và thời cơ cách mạng để đưa quần chúng vào hành động cách mạng; ở sự chỉ đạo kiên quyết, tập trung, thống nhất trong giờ phút có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi.

Ðể đưa cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945) đến thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, có ba thời điểm lịch sử thể hiện bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo đặc biệt của Ðảng ta: đó là các hội nghị Trung ương từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1941 phát triển hoàn chỉnh, sáng tạo đường lối giải phóng dân tộc; những quyết sách quan trọng cuối năm 1944 đầu năm 1945 thổi bùng lên cao trào kháng Nhật cứu nước; quyết định Tổng khởi nghĩa của Hội nghị Ðảng toàn quốc tháng 8-1945.

Các Hội nghị Trung ương Ðảng (11-1939), (11-1940) và nhất là Hội nghị Trung ương tám (5-1941) đã đề ra những quan điểm và biện pháp cơ bản chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Một là, phải đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương 11-1939 chủ trương "Phải đưa cao cây cờ dân tộc lên". "Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không có con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy độc lập" (2). Hội nghị Trung ương tám do Hồ Chí Minh chủ trì (5-1941) nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Ðảng ta" (3). "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc" (4).

Hai là, động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất và lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận Việt Minh. Nếu Hội nghị Trung ương chủ trương lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Ðông Dương thì Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 chủ trương lập Mặt trận riêng của Việt Nam đó là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức Mặt trận trong khuôn khổ dân tộc Việt Nam nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc. Mặt trận được xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ và bao gồm các đoàn thể cứu quốc. Ðảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách đưa quan điểm, chính sách vào các đoàn thể và hoạt động của Mặt trận và thông qua các đảng viên tham gia Mặt trận và đoàn thể.

Ba là, Ðảng chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), Ðảng chủ trương phát triển lực lượng vũ trang từ đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai, xây dựng cứu quốc quân. Ngày 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Tại các căn cứ địa lực lượng chính trị của quần chúng tập hợp trong Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng lớn. Từ lực lượng chính trị đó phát triển lực lượng vũ trang. Những vấn đề về chính quyền, về kinh tế, xã hội cũng được đặt ra và thực hiện ở vùng căn cứ địa cách mạng.

Bốn là, Ðảng đặt nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang để giành độc lập, giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm. Hội nghị Trung ương (11-1939) đã chủ trương: dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị trung ương (5-1941) xác định: "Cuộc cách mạng Ðông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang". Phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để có thể "lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn" (5).

Các hội nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích tình hình chiến tranh thế giới, âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, phát-xít Nhật và dự báo thời cơ, chỉ đạo xây dựng lực lượng về mọi mặt, chú trọng công tác xây dựng Ðảng để Ðảng có thể hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo thành công cách mạng giải phóng dân tộc.

Năm 1944, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ, Ðảng và Mặt trận Việt Minh đã chủ trương về sửa soạn khởi nghĩa và sắm võ khí đuổi thù chung. Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào toàn quốc 10-1944 đã chỉ rõ Cơ hội cho dân tộc ta, giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh. Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944).

Ngày 9-3-1945 phát-xít Nhật đã làm đảo chính gạt bỏ thực dân Pháp để độc chiếm Ðông Dương. Thường vụ Trung ương Ðảng đã kịp thời ra bản chỉ thị lịch sử: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945). Chỉ thị nêu rõ kẻ thù của cách mạng là phát-xít Nhật, vì vậy khẩu hiệu là Ðánh đuổi phát-xít Nhật. Ðảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ðây là thời kỳ tiền khởi nghĩa, phải thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp. Sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa. Chỉ thị của Trung ương cũng phân tích thời cơ cách mạng và cho rằng những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Những điều kiện thuận lợi đó là: Chính trị khủng hoảng, kẻ thù hoang mang không rảnh tay đối phó với cách mạng; nạn đói ghê gớm làm cho quần chúng căm ghét quân cướp nước; chiến tranh thế giới đến giai đoạn quyết liệt; Ðồng minh sẽ đổ bộ vào Ðông Dương để đánh Nhật. Ðó là sự vận dụng tư tưởng của Mác và Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những điều kiện để khởi nghĩa mà chỉ thị của Trung ương nêu ra đã là định hướng quan trọng để các đảng bộ địa phương chủ động phát động và lãnh đạo khởi nghĩa. Bản Chỉ thị còn chủ trương phá kho thóc gạo của đế quốc để cứu đói, lập Ủy ban quân sự cách mạng và xây dựng chính quyền (các Ủy ban dân tộc giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng).

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4-1945 các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 4-6-1945, thành lập khu giải phóng Việt Bắc với sáu tỉnh như là căn cứ địa của cách mạng cả nước, hình ảnh của nước Việt Nam mới. Tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở căn cứ địa, ở vùng nông thôn mà phong trào ở đô thị cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, học sinh, sinh viên trí thức. Theo tư tưởng của Ðề cương văn hóa 1943 của Ðảng, tổ chức văn hóa cứ Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng chuyển về Tuyên Quang. Tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp ngày 14 và 15-8-1945. Hội nghị của Ðảng họp ở thời điểm lịch sử phong trào cách mạng của toàn dân ta diễn ra sôi sục trong cả nước và phát-xít Nhật đầu hàng vô điều kiện (15-8). Ðảng ta nhận định "cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới" (6). Mục đích cuộc chiến đấu của ta giành quyền độc lập hoàn toàn. Tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa theo ba nguyên tắc: a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ thời cơ. Khẩu hiệu đấu tranh của Ðảng là Phản đối xâm lược, hoàn toàn độc lập, chính quyền nhân dân. Hội nghị Ðảng toàn quốc công bố mười chính sách của Việt Minh và nhấn mạnh chủ trương "Lập nên một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập" (7).

Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa) được ban bố: Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta. Cũng ở thời điểm lịch sử đó Hồ Chí Minh có Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa nêu rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(8).

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Ðại hội họp và ra Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành mười chính sách lớn của Việt Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập gồm 15 ủy viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thường trực Ủy ban gồm Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Ðức Hiền trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ủy ban dân tộc giải phóng là tổ chức tiền thân của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Nghị quyết của Quốc dân Ðại hội nhấn mạnh mục tiêu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập"(9).

Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa họp Hội nghị mở rộng ở Nha Trang, phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh khi Nhật đầu hàng. Chỉ trong vòng hai tuần từ 14 đến 28-8-1945, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa tiến hành khởi nghĩa và giành được thắng lợi được truyền đi nhanh chóng làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Kẻ địch càng thêm hoang mang, dao động. Các tổ chức chính trị thân Nhật, dưới những đòn đả kích mạnh mẽ của phong trào Việt Minh đã phân hóa cao độ. Bọn Việt gian lo sợ tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Minh xin khoan hồng. Trước tình hình trên, đêm 15.8 Tỉnh ủy lâm thời họp Hội nghị mở rộng với sự tham dự của đại biểu các huyện tại nhà đồng chí Trần Việt Châu ở gần kho xăng Phước Hải. Hội nghị bầu ra “Ban khởi nghĩa” gồm đồng chí Bùi San làm Ủy viên Thường trực và các đồng chí Nguyễn Văn Chi, Trần Việt Châu. Ngày 17-8, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh đã diễn ra, gồm đông đủ đại biểu của Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh. Đại hội Việt Minh tỉnh bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại Nha Trang và quyết định lấy ngày 19.8.1945 làm ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rầm rộ. Sau khi lệnh khởi nghĩa được truyền đạt đến tận cơ sở, mọi công việc chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Các đội tự vệ, thanh niên được lệnh tăng cường bảo vệ và theo dõi chặt chẽ các vị trí của địch, bám sát các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn, theo dõi những tên việt gian đầu sỏ thân Nhật. Việt Minh các xã đã xúc tiến huy động lực lượng quần chúng xuống đường chuẩn bị tiến về Nha Trang, chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu và bàn kế hoạch bố trí người ở nhà chuẩn bị giành chính quyền ở xã khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang thành công.

Được tin ngụy quyền khánh Hòa dự định tổ chức cuộc mít tinh lớn của thanh niên vào ngày 19.8 để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lợi dụng cơ hội này để biến cuộc mít tinh do địch tổ chức thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Đồng chí Đào Thiện Thi, thủ lĩnh Liên đoàn thanh niên Khánh Hòa, được Ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ tranh thủ những điều kiện hợp pháp để tập hợp đông đảo quần chúng và binh sĩ yêu nước đến dự cuộc mít tinh, đồng thời phải kéo được những tên cầm đầu chính quyền bù nhìn tỉnh Khánh Hòa, thị xã Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh và các sĩ quan Nhật đóng tại Nha Trang đến dự.

Trưa ngày 19.8.1945, theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân từ Diên Khánh, Vĩnh Xương, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Tường, Vĩnh Hải và nội thành Nha Trang mang gậy gộc, dây thừng, dao găm, cờ đỏ sao vàng cuộn chặt trong những lá cờ “quẻ li”, băng khẩu hiệu rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang.

Đúng 14 giờ, sân vận động Nha Trang tràn ngập một biển người. Các đoàn dự mít tinh hàng ngũ chỉnh tề, đứng vào vị trí đã quy định, trong khi bọn quan lại cấp tỉnh, huyện, thị xã, bọn hiến binh Nhật, bọn mật thám các loại, những tên cầm đầu các tổ chức phản động đều có mặt đông đủ. Tất cả bọn chúng đều bị lực lượng vũ trang bí mật kèm chặt, sẵn sàng trấn áp ngay những hành động phản trắc của chúng. Ngoài ra, một trung đội lính bảo an được Phạm Thám chỉ huy được ta bố trí cầm súng có cắm lưỡi lê làm đội danh dự đứng trước lễ đài.

Đúng 15 giờ ngày 19.8.1945, đồng chí Trần Oanh đã có mặt sẵn sàng ở chân cột cờ, bất ngờ hạ cờ “quẻ li” xuống, và lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ giữa tiếng hoan hô, reo hòa của nhân dân vang dậy. Băng cờ, biểu ngữ của Việt Minh được dương cao. Phút chốc cả sân vận động ngập tràn trong màu cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một tên sĩ quan Nhật cho tay vào đốc kiếm định bước lên nhưng hai chiến sĩ bảo vệ (Trần Tự Trọng và Nguyễn Đình Mười) buộc hắn đứng yên tại chỗ. Lễ chào cờ bắt đầu. Đội lính bảo an do Lê Thám và Phạm Thám chỉ huy đã nhất tề bồng súng cùng hàng ngàn đồng bào đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng đang tung bay. Tiếp đó, đồng chí Đào Thiện Thi bước lên diễn đàn, thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia khởi nghĩa đánh đổ chính quyền thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếng hô các khẩu hiệu vang dậy: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”. Đến 17 giờ, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Đoàn biểu tình đông hàng nghìn người, dẫn theo Tỉnh trưởng Phan Thanh Kỷ, kéo đến chiếm cơ quan của ngụy quyền tỉnh Khánh Hòa (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh) tịch thu ấn tín, hồ sơ, tài liệu. Theo sự hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhanh chóng tỏa về các đường phố, chiếm lĩnh các công sở, trại bảo an, cảnh sát, nhà đèn, kho bạc và phá trại gam giải phóng tù nhân. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Cự Hải làm Phó chủ tịch, đồng chí Tôn Thất Vỹ (Nguyễn Minh Vỹ) làm Tổng thư kí và các ủy viên khác đã ra mắt Nhân dân.

Ở Vĩnh Xương, sau khi tham gia cướp chính quyền ở Nha Trang, quần chúng đã tiếp tục nổi dậy, xóa bỏ chính quyền bù nhìn và thôn, lập chính quyền cách mạng. Chỉ trong ngày 20.8, toàn huyện đã giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện Vĩnh Xương được thành lập, do đồng chí Hồ Ngọc Cang làm Chủ tịch. Tiếp đó, các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh Khánh Hòa lần lượt nhanh chóng giành được chính quyền. Như vậy, chỉ trong hơn tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh, đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã.

Đánh giá về cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Khánh Hòa, nhiều sử gia cũng rất ngạc nhiên về những nét tương đồng của cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang – Khánh Hòa với cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Đó là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa và phương pháp giành chính quyền. Điều kỳ lạ là cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang - Khánh Hòa đã diễn ra cùng thời điểm với Hà Nội. Điều đó đã cho thấy sự nhạy bén trong lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ Khánh Hòa. Phương pháp giành chính quyền cũng đã biết kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp nổi dậy của quần chúng với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng ở cả nông thôn và thành thị; kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh. Nhờ vậy, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Khánh Hòa thắng lợi, là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, mãi mãi là nét son trong lịch sử đấu tranh giải phóng quê hương đất nước của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong toàn quốc.

Bài học về sự lãnh đạo của Ðảng trong Cách mạng Tháng Tám là Ðảng đã đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, đã tập hợp đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đã lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã xây dựng, phát triển thực lực cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động. Trong việc thực hiện sứ mệnh nặng nề trước dân tộc và lịch sử, Ðảng đã rất coi trọng xây dựng Ðảng về tư tưởng chính trị và tổ chức, rèn luyện phương pháp đấu tranh và cách lãnh đạo. Trong Cách mạng Tháng Tám đã nổi bật năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Ðó là bài học quý báu cho nhiệm vụ xây dựng Ðảng hiện nay và thực hiện vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay./.

Nguồn Viện Lịch sử Ðảng
Hoài Nam
Về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, là do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Ðảng. Với thắng lợi đó "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc" (1). Sự lãnh đạo của Ðảng trước hết ở sự bổ sung, phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc; ở sự lựa chọn hình thức và phương pháp c&aac

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn