Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 thực sự là một áng văn bất hủ trong di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP MANG TẦM THỜI ĐẠI
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP MANG TẦM THỜI ĐẠI
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 thực sự là một áng văn bất hủ trong di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc.

Nó có thể sánh với những áng “thiên cổ hùng văn” mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc như “áng thơ thần bên sông Như Nguyệt” gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, như Hịch tướng sĩ văn thời Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, hay Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi...

Một văn bản pháp lý rất hiện đại


Nhưng với Tuyên ngôn Độc lập ra đời vào một thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với toàn thế giới khi cuộc đại chiến lần thứ hai kết thúc lại mang một giá trị đặc biệt. Nó không còn trong giới hạn của khẳng định về quyền tự chủ của dân tộc ta đối với nước láng giềng phương Bắc của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà còn khẳng định được với toàn thế giới về sự ra đời một nước Việt Nam hiện đại, không chỉ thoát ly chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đã đầu hàng, từ tay chủ nghĩa phát xít Nhật đã bại trận, mà còn chấm dứt luôn cả chế độ quân chủ từng tồn tại cả ngàn năm bằng sự thoái vị của ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Hơn thế nữa, nhà nước này lại là thành quả của “một dân tộc gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay” do vậy mà “dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập”.

Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay vào việc soạn thảo văn kiện này vào đêm 28-8-1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo “là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”. Và ai cũng biết rằng chính phủ lâm thời này được thành lập trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng được thành lập tại Quốc dân Đại hội Tân Trào trước đó hơn mười ngày (17-8). Việc cải tổ này lại được thực hiện bởi một hành vi rất cao cả là nhiều ủy viên Việt Minh tự rút lui nhường chỗ cho các nhân sĩ ngoài Việt Minh vào tham chính. “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân” (Hồ Chí Minh).

Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng được khởi thảo khi những đại diện của Việt Minh đã lên đường vào Huế để 2 hôm sau (30-8) nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Tại buổi lễ đó, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã có lời tuyên cáo mang ý nghĩa thật sâu sắc: “Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, ngậm đắng nuốt cay, từ nay... lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”...

Tất cả những diễn tiến sự kiện ấy đã làm nên một nét đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều, có nước phải chặt đầu vua... Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra khỏi bờ cõi”.

Do vậy, cũng có thể thấy được một giá trị rất quan trọng của Tuyên ngôn Độc lập là một văn bản pháp lý rất hiện đại phù hợp với tập quán chính trị của nhiều quốc gia nhằm khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền một quốc gia với toàn thể cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Đánh giá về quá trình khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, A.Patti, viên sĩ quan tình báo Hoa Kỳ phụ trách đơn vị OSS đang cộng tác với Việt Minh, cho rằng ngay sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, nhận thấy thời cơ đã tới, Hồ Chí Minh “đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng, vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đựng vững chắc ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ông Hồ biết rằng, ông phải làm cho mọi người thấy rõ cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào...”.

Tiếp nối sự tiến hóa của nhân loại

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được vị Chủ tịch nhà nước lâm thời soạn thảo ngay giữa lòng TP Hà Nội, ngôi nhà phố 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc. Văn bản này đã được tác giả trao đổi để lấy ý kiến không chỉ đối với các đồng chí trong đoàn thể của mình mà còn đọc cho những người dân bình thường nghe, với lòng mong muốn nó đến được với mọi đồng bào của mình để làm cho họ có ý thức về một biến cố lịch sử rất to lớn đối với vận mệnh của cả dân tộc nhưng cũng gần gũi với vận mệnh của mỗi con người, nay đã được gọi là công dân của một nước độc lập theo thể chế Dân chủ, Cộng hòa...

Hơn thế nữa, người đứng đầu cuộc cách mạng cũng là đứng đầu của Nhà nước Việt Nam còn tham khảo cả những người đồng minh khi mời Patti tới ngôi nhà 48 Hàng Ngang để trao đổi về bản thảo Tuyên ngôn Đôc lập Việt Nam. Hai người tranh luận về nguyên văn một đoạn trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mà cuối cùng người công dân Hoa Kỳ phải nhận rằng mình đã sai khi biết rằng từ 20 năm trước đó (1925) trên Báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã dịch và trước đó không lâu Hồ Chí Minh đã yêu cầu các phi công Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Bắc một nguyên bản của văn kiện lịch sử này.

Có người khi đọc văn bản lịch sử này đặt ra câu hỏi vì sao tác giả lại trích 2 bản tuyên ngôn của 2 quốc gia Âu Tây, trong đó lại có cả nước Pháp mới đây đô hộ nước mình? Hoàn toàn không phải là sách lược để ứng phó với 2 cường quốc lớn tiềm tàng những mưu đồ thực dân cũ và mới. Sử dụng những trích dẫn ấy, vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam độc lập còn muốn khẳng định rằng ngay cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1892 là những mốc son của sự nghiệp giải phóng con người thì chính cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 của Việt Nam cũng là bước đi tiếp theo của quá trình ấy.

Những gì đã diễn ra sau cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 đã chứng thực một sự thực về nguyện vọng giải phóng của các dân tộc nhỏ khỏi sự đè nén của các nước lớn, sản phẩm của chế độ thực dân, đã lần lượt tan rã sau năm cuộc cách mạng của Việt Nam khởi đầu cho các phong trào giải phóng các thuộc địa.
NC
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 thực sự là một áng văn bất hủ trong di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc. Nó có thể sánh với những áng “thiên cổ hùng văn” mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc như “áng thơ thần bên sông Như Nguyệt” gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, như Hịch tướng sĩ văn thời Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, hay Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc khá

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn