Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có một con đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với những sự tích thần kỳ. Ngoài con đường ấy còn có một con đường khác, đó là con đường huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển và tên tuổi Trung úy – Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh gắn liền với tên con đường huyền thoại ấy.
Trung úy - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và tàu Không số C235 – Bản anh hùng ca bất tử trên vùng biển Đầm Vân
Trung úy - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và tàu Không số C235 – Bản anh hùng ca bất tử trên vùng biển Đầm Vân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có một con đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với những sự tích thần kỳ. Ngoài con đường ấy còn có một con đường khác, đó là con đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên biển với một nét độc đáo, sáng tạo với biết bao kỳ tích cảm động về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của những người chiến sỹ “Đoàn tàu không số” và tình cảm gắn bó keo sơn với quân dân các bến đỗ ở miền Nam. Đó là con đường huyền thoại -Đường Hồ Chí Minh trên biển và tên tuổi Trung úy – Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh gắn liền với tên con đường huyền thoại ấy.


Trung úy, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng của huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Là con út trong gia đình, nhưng ngay từ nhỏ anh đã là người cứng cỏi, quyết đoán và giàu lý tưởng. Lớn lên đi theo tiếng gọi của Đảng, anh tham gia cách mạng, đảm nhiệm việc vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên con Tàu C235 huyền thoại. Trong một lần làm nhiệm vụ anh đã hy sinh anh dũng tại vùng biển Đầm Vân - xã Ninh Phước (nay là xã Ninh Vân) - Ninh Hòa - Khánh Hòa, khi ấy anh mới tròn 35 tuổi. Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng những người lính biển và quân dân cả nước. Anh là một thuyền trưởng giỏi, đã có 11 chuyến vận chuyển gần 500 tấn vũ khí thành công. Năm 1970, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân. Tên anh đã được đặt tên cho một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh.
Giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta diễn ra đồng loạt trên khắp miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu vũ khí cho chiến trường, 11 giờ 30 phút ngày 27/02/1968 (nhằm 29 tết Mậu Thân), Tàu C235 thuộc Đoàn 125 Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam (sau này thuộc Đoàn M25) được lệnh rời quân cảng Hải Phòng mang hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo - Ninh Vân.
Tàu C235 có 20 cán bộ, chiến sĩ: Thuyền trưởng - Nguyễn Phan Vinh; Nguyễn Tương - Chính trị viên; Trần Văn Nhi - Thuyền phó 1; Vũ Tá Tu -Thuyền phó 2; TrươngVăn Mùi - Máy trưởng, Doãn Quang Ruyện, Phạm Trường Nam - nhân viên báo vụ; Ngô Văn Thứ, Trần Lộc, Vũ Long An, Nguyễn Minh Hải, Lê Duy Mai - thợ máy; Nguyễn Văn Dưỡng - nhân viên cơ yếu; Trần Thọ Thuyết - nhân viên Ra đa; Đào Quang Ty, Nguyễn Văn Phong; Mai Văn Khung; Hà Minh Thật - Thủy thủ, Hoàng Quang Hòa - Y tá; Lâm Quang Tuyến - Hàng hải.
Tàu đi 2 ngày 2 đêm trên vùng biển Quốc tế, tối ngày 29/2/1968 (mồng 1 Tết Mậu Thân), tàu đến cách vùng biển Đầm Vân – Ninh Vân khoảng 10 hải lý, thì máy bay trinh sát địch phát hiện, địch lập tức huy động 3 tàu chiến gồm Ngọc Hồi, HQ 12, HQ 617 và 4 tàu khác của Duyên đoàn 25 phục vụ sẵn ở vùng biển gần Hòn Hèo, với âm mưu bắt sống cán bộ, chiến sĩ Tàu C235.
Trong tình thế bị bao vây, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều kiển Tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Hòn Hèo lúc 0 giờ 30 phút ngày 01/3/1968 (Mùng 2 Tết Mậu Thân). Anh quyết định thực hiện phương án cho thả hàng xuống nước để quân dân ở bến mò vớt sau. Các bao hàng đóng gói đặc biệt không thấm nước đã được các anh thả xuống biển, ngay trước mũi của 7 tàu địch đang khép chặt vòng vây. Sau khi thả hàng xong, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy ven bờ để nghi binh, không cho bọn chúng phát hiện vị trí thả hàng. Khi thấy Tàu C235 bắt đầu tăng tốc, 7 chiếc tàu chiến của địch đồng loạt bật đèn pha và điện cho nhau: chiếc tàu nào không đèn là tàu “Việt cộng”, chúng tăng tốc đuổi theo. Tàu C235 lâm vào tình thế vô cùng nguy hiểm; trước mặt là núi, sau lưng là hàng loạt tàu địch chặn lối.
Bọn địch trên các tàu đã được lệnh nổ súng, chúng dùng súng nhỏ từ 12 ly 7 trở xuống với ý định bắt sống, còn súng lớn chúng bắn hết lên bờ để ngăn chặn đường rút vào núi của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Địch huy động trực thăng đến thả pháo sáng và bắn rốc két. Giữa tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn hết sức bình tĩnh, anh vừa điều khiển tàu chạy sát bờ, vừa cùng anh em chiến đấu. Các thủy thủ Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong liên tiếp dùng DKZ và 14 ly 5 bắn về phía tàu địch, một chiếc bốc cháy khiến chúng không dám đến gần.
Cuộc chiến đấu một lúc một ác liệt. Hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu ta, 5 cán bộ chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị mảnh đạn xượt qua đầu, máu tuôn xối xả, anh tự băng bó và đứng trong buồng lái động viên anh em tiếp tục chiến đấu. Anh có ý định tăng tốc phá vòng vây bởi ngoài khơi dễ cơ động, nếu cần thì áp sát tàu địch và cho nổ tàu tiêu diệt bọn chúng. Nhưng rất không may, lúc đó máy tàu hỏng nặng, ý định của anh phá vòng vây không thành.
Anh chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ, khoảng 2 giờ 20 phút sáng ngày 01/3, Tàu C235 cách bờ khoảng 100m, anh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ bị thương rời tàu bơi vào bờ, số còn lại được phân công cài kíp nổ hủy tàu. Sau khi kiểm tra lần cuối các vị trí đánh thuốc nổ, Nguyễn Phan Vinh và Ngô Văn Thứ là những người rời tàu cuối cùng.
Sau đó không lâu, một cột lửa bùng lên, rồi tiếng nổ dữ dội ầm vang mặt biển, chấn động tới Nha Trang. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến Tàu C235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên núi Bà Nam thuộc xã Ninh Vân. Sau những giây phút bàng hoàng, địch gọi thêm máy bay đến bắn phá ven biển, nhằm dọn đường cho bộ binh Nam Triều Tiên bao vây bắt sống các thủy thủ Tàu C235 đã thoát lên núi; đồng thời chúng từ các tàu đổ bộ tràn lên bờ nhưng bị Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Anh Ngô Văn Thứ đánh trả quyết liệt nên chúng rút lên tàu cố thủ.
Lúc gần sáng, bọn địch cho quân tràn vào bờ nhưng chúng luôn bị Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Thợ máy Ngô Văn Thứ kiên cường chống trả. Các anh đã đẩy lui nhiều đợt xung phong của địch, cuối cùng súng không còn đạn, vết thương càng lúc càng nặng và các anh đã hy sinh.
Số thủy thủ rút lên bờ trước đó chỉ còn lại Thuyền phó Đoàn Văn Nhi và các thủy thủ Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong, Mai Văn Khung, Lâm Quan Tuyến, Vũ Long An. Tất cả đều thương tích đầy mình. Anh em cố gắng dìu nhau vượt qua vòng vây của địch. Trên không máy bay địch quần lượn ra rả kêu gọi đầu hàng. 10 ngày không lương thực, không nước uống, nằm dưới nắng nên các anh kiệt sức. Anh Mai Văn Khung đi tìm nước uống không may bị địch bắt (năm 1973 được trao trả). Ngày thứ 12, các anh bắt được liên lạc với du kích địa phương, các anh quay lại đón anh Đoàn Văn Nhi đang bị thương nặng nằm trong rừng nhưng không thấy, chỉ thấy mảnh áo bị xé rách và máu đã khô. 5 thủy thủ còn sống của Tàu C235 ở lại Hòn Hèo 3 tháng sau đó được đưa lên căn cứ Đá Bàn rồi vượt Trường Sơn trở về miền Bắc an toàn tiếp tục công tác. Đó là các thủy thủ Lê Duy Mai, Vũ Long An, Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong, Lâm Quang Tuyến.
Về sự kiện này, Tạp chí Lướt sóng của Hải quân quân đội Sài Gòn viết: “Mười hai chiếm hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ đụng độ ác liệt với một Tiểu đoàn Việt cộng (thực chất chỉ có 20 thủy thủ) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ BắcViệt thâm nhập và tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết”.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, người dân, chính quyền địa phương và Quân chủng Hải quân đã xây dựng miếu thờ và Bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Tàu C235 tại sườn núi Bà Nam thuộc dãy núi Hòn Hèo, nơi có mảnh thân Tàu C235 văng lên khi tàu “cảm tử”.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Tàu C235 đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân - thị xã Ninh Hòa. Ngày 20/10/2016, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ khánh thành Di tích này, việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia và khánh thành Di tích lịch sử lưu niệm Tàu C235 mang ý nghĩa hết sức sâu sắc. Nơi đây là địa chỉ giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ về những chiến công oanh liệt, những hy sinh thầm lặng, những phẩm chất cách mạng sáng ngời của cán bộ, chiến sĩ Tàu C235, qua đó giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2016), ngày 21/10/2016, tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, những người con ưu tú đã góp phần làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tấm gương hy sinh anh dũng của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và cán bộ, thủy thủ Tàu C235 đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về lý tưởng cách mạng, tinh thần quyết đoán, quả cảm, đức hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ Khánh Hòa hôm nay và mai sau nguyện rèn đức, luyện tài ra sức học tập, lao động, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc xứng đáng với công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì độc lập tự do của đất nước.


HT
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có một con đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với những sự tích thần kỳ. Ngoài con đường ấy còn có một con đường khác, đó là con đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên biển với một nét độc đáo, sáng tạo với biết bao kỳ tích cảm động về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của những người chiến sỹ “Đoàn tàu không số” và tình cảm gắn bó keo sơn với quân dân các bến đỗ ở miền Nam. Đó là con đường huyền thoại -Đường Hồ Chí Minh trên biển và tên tuổi Trung úy – Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh gắn liền với tên con đường huyền thoại ấy. Trung úy, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng của huyện Điệ

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn