Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 28/8/1941) - nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của dân tộc; nhà lý luận xuất sắc của Đảng; chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lý luận kiệt xuất của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lý luận kiệt xuất của Đảng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở huyện Từ Sơn, nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, mang trong mình truyền thống yêu nước, hiếu học, sớm được tiếp cận và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Văn Cừ đến với cách mạng và tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khi chỉ mới 15 tuổi. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Đồng chí luôn tích cực trong các phong trào vận động quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.  

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông. Tháng 02/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm và cử làm Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, lãnh đạo phong trào cách mạng vùng mỏ phát triển mạnh mẽ.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 28/8/1941)

Tháng 02/1931, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, trước áp lực các cuộc đấu tranh của Nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, Nguyễn Văn Cừ được trả tự do, tiếp tục chặng đường hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết.

Năm 1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi vừa tròn 26 tuổi.

Tháng 01/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Đến tháng 11/1940, Đồng chí bị thực dân Pháp khép tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình Đồng chí. Ngày 28/8/1941, Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.

Cuộc đời ngắn ngủi chỉ 29 năm, trong đó có hơn 13 năm hoạt động cách mạng, gần 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến mặt trận chính trị, tư tưởng.

Với khả năng lý luận sâu sắc, uyên bác, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, linh hoạt, phù hợp với thực tế khách quan của cách mạng Việt Nam.

Kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và vận dụng khoa học, sáng tạo vào điều kiện lịch sử nước nhà, Đồng chí đã đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương nhằm mục đích vừa đoàn kết giai cấp công nhân, nông dân; vừa thu hút trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác. Để làm rõ những quan điểm trên, năm 1938, Đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”. Tác phẩm đã luận giải một cách rõ ràng, thuyết phục những vấn đề lý luận cơ bản nhằm đưa ra quyết sách chiến lược, phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam.

Trong tác phẩm này, Đồng chí đã đưa ra và giải thích những khái niệm, phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với  giai cấp vô sản”… Từ việc trả lời những câu hỏi đó, Đồng chí kết luận: “Xứ Đông Dương hàng thế kỷ ở dưới chế độ phong kiến, rồi kế đến chế độ thuộc địa áp bức. Chánh sách thuộc địa câu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên chi dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại… Vậy nhân dân Đông Dương muốn có hưởng các quyền tự do ấy, lẽ tất nhiên phải trải qua tranh đấu”[1]. Đồng chí cũng chỉ ra hình thức đấu tranh: “Căn cứ theo những tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp đấu tranh có tính chất hòa bình - là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhứt Đông Dương để thực hiện những yêu cầu ấy”[2].

Năm 1939, chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ hai khiến tình hình Đông Dương tồn tại nhiều nguy cơ biến động cùng với đó là việc những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá Đảng; trên cương vị Tổng Bí thư, Đồng chí đã chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít; đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Tháng 7/1939, Đồng chí cho ra mắt tác phẩm “Tự chỉ trích” sau gần 01 năm ấp ủ, chỉnh sửa và hoàn thiện. Tác phẩm nhấn mạnh vào tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”[3], dù có sai lầm, có thất bại cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”, “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm...”. Dám nhìn thẳng vào sự thật mới là cốt cách của người cộng sản chân chính. Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”. Đặc biệt, trong lời kết của “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã để lại một kinh nghiệm hết sức quý báu cho Đảng: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh” cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”[4]. Lịch sử ra đời, hoạt động và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng đã chứng minh, chỉ khi nào Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì khi đó Đảng mới có thể nhận thức được đúng quy luật khách quan và có quyết sách đúng đắn để tạo chuyển biến, đưa cách mạng tiến lên. Quy luật đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhìn nhận và đánh giá chính xác, khách quan mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, tác phẩm “Tự chỉ trích” đã thể hiện năng lực tư duy lý luận nhạy bén, am hiểu thực tiễn, tâm huyết và trách nhiệm lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.  Vận dụng những giá trị sâu sắc mà tác phẩm của Tổng Bí thư để lại góp phần đưa công cuộc xây dựng và phát triển đất nước gặt hái được nhiều thành công, thắng lợi, tiếp tục xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng cách mạng chân chính, vững mạnh, đồng thời nâng cao niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng.

110 năm đã trôi qua nhưng những cống hiến to lớn của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn vẹn nguyên giá trị. Tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng.

Hoàng Vy



[1] Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.669.

[2] Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 670.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.644

[4] Nguyễn Văn Cừ: Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.242

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở huyện Từ Sơn, nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, mang trong mình truyền thống yêu nước, hiếu học, sớm được tiếp cận và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Văn Cừ đến với cách mạng và tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khi chỉ mới 15 tuổi. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Đồng chí luôn tích cực trong các phong trào vận động quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.   Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn