Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 1942) - Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1935 - 1936, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, chiến sĩ nhiệt thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Một tấm lòng kiên trung với Đảng
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Một tấm lòng kiên trung với Đảng

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942)

 

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt. Sinh ra và lớn lên nơi xứ Nghệ anh hùng, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân cơ cực, anh nung nấu trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.  

Sau khi học xong Sơ học yếu lược, vì hoàn cảnh khó khăn, Lê Huy Doãn lên thành phố Vinh làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy. Căm phẫn trước cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột, anh vận động công nhân nổi dậy đấu tranh, đòi quyền lợi, phản đối chính sách hà khắc của giới chủ và bị đuổi việc.

Không khuất phục, tháng 01 năm 1924, Lê Huy Doãn cùng một số người bạn bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Lúc này, anh đổi tên thành Lê Hồng Phong. Năm 1924, anh tiếp tục sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành người học trò ưu tú của Người. Con đường cách mạng đầy nhiệt huyết kéo dài hơn 20 năm của Lê Hồng Phong bắt đầu từ đó.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1925, Đồng chí Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và là một trong những cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Không chỉ vậy, Đồng chí còn là tấm gương nổi bật trong học tập và rèn luyện. Đồng chí Lê Hồng Phong được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat (nay là thành phố Xanh Pêtécpua), Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, Đồng chí hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô-viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Thời gian này, Đồng chí được học tập lý luận cách mạng tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tốt nghiệp khóa ba năm (1928 - 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh. Dưới ánh sáng của Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin, Đồng chí năng nổ tham gia cách mạng, lãnh đạo cách mạng vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo.  

Thất bại của Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đẩy Cách mạng ta vào tình thế muôn vàn khó khăn. Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, năm 1932, Đồng chí Lê Hồng Phong về nước, bắt tay khôi phục tổ chức đảng trong cả nước và các cơ sở cách mạng, khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng. Cũng thời gian này, Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương do Đồng chí Lê Hồng Phong tham gia khởi thảo được Quốc tế Cộng sản thông qua. Văn kiện có tính chất như một cương lĩnh chỉ dẫn cho toàn Đảng cả về lý luận và tổ chức thực hiện.

Tháng 3/1934, Đồng chí chủ trì Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (Ban Chỉ huy ở ngoài) có vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Việc này tác động to lớn đến phong trào cách mạng trong nước, duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được.

Việc đề ra Chương trình hành động và lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng là hai sự kiện quan trọng hàng đầu trong việc khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí và niềm tin của Nhân dân. Trong giai đoạn khó khăn của cách mạng, Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn hai yêu cầu cơ bản trong công tác của người lãnh đạo, vừa quan tâm vấn đề chiến lược, tổng quát, vừa chỉ đạo công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả.

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra. Dù không trực tiếp tham gia, Đồng chí Lê Hồng Phong vẫn vinh dự được bầu vào vị trí Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Điều đó khẳng định uy tín, công lao và những đóng góp to lớn của Đồng chí trong việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản, ngay sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc); chỉ đạo Hội nghị tập trung nghiên cứu quán triệt các nghị quyết mới của Quốc tế Cộng sản, vận dụng vào hoàn cảnh thực tế để điều chỉnh chiến lược, sách lược phù hợp; chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương với các hình thức đấu tranh, hoạt động phong phú nhằm mục đích “dự bị điều kiện cho cuộc vận động giải phóng dân tộc phát triển”, chuẩn bị mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936-1939. Cuối năm 1937, Đồng chí Lê Hồng Phong về nước, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào.    

Từ ngày 29 đến ngày 30/3/1938, Hội nghị Trung ương Đảng được tổ chức tại tỉnh Gia Định. Sau khi phân tích tình hình, Hội nghị quyết định chuyển Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương nhằm tranh thủ mọi lực lượng, tập hợp rộng rãi quần chúng tham gia cách mạng. Ngòi bút sắc bén cùng tư tưởng, lý luận của Đồng chí Lê Hồng Phong đã đưa quan điểm, chủ trương của Đảng đến gần hơn với cán bộ, Đảng viên và quần chúng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 22/6/1939, Đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Ngày 23/12/1939, Đồng chí bị đưa về quản thúc tại Nghệ An. Ngày 20/01/1940, chúng bắt Lê Hồng Phong lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn và đày ra Côn Đảo cuối năm 1940. Tại đây, biết Đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, chúng tìm cách tra tấn, hành hạ. Song, nỗi đau thể xác không thể đập tan ý chí sắt đá của người cộng sản kiên trung. Trước sự độc ác của kẻ thù, Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, quyết không hợp tác, ngược lại, tích cực vận động, chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc. Dù phải ăn những “bát cơm chan máu”, Đồng chí Lê Hồng Phong vẫn kiên cường, quyết sống để chiến đấu. Tuy nhiên, sức khỏe suy kiệt dần, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942. Trước lúc đi xa, Đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.      

Bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, trải qua bao gian khó, khắc nghiệt, Đồng chí Lê Hồng Phong vẫn kiên trung với Đảng, “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, suốt đời hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, tin tưởng vào tương lai tất thắng. Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của Đồng chí luôn sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam.

Hoàng Vy

 

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942)   Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt. Sinh ra và lớn lên nơi xứ Nghệ anh hùng, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân cơ cực, anh nung nấu trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.   Sau khi học xong Sơ học yếu lược, vì hoàn cảnh khó khăn, Lê Huy Doãn lên thành phố Vinh làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy. Căm phẫn trước cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột, anh vận động công nhân nổi dậy đấu tranh, đòi quyền lợi, phản đối chính sách hà khắc của

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn