Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008) - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta, chiến sĩ cách mạng kiên cường, người Cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền. Truyền thống cách mạng của quê hương cùng ý chí sục sôi và nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc người thanh niên Phan Văn Hòa tham gia phong trào Thanh niên phản đế năm 1938 và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, khi vừa tròn 17 tuổi.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008). Nguồn: Bảo tàng Vĩnh Long

Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đồng chí Võ Văn Kiệt hăng hái tham gia cách mạng bằng tất cả lòng nhiệt thành và niềm tin mãnh liệt. Từ năm 1941 - 1945, Đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và khởi nghĩa cướp chính quyền. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, với cương vị Uỷ viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ, Đồng chí lãnh đạo Nhân dân chống Pháp. Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), Đồng chí được phân công bí mật ở lại miền Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Năm 1959, Đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến năm 1970, lãnh đạo quân, dân Sài Gòn - Gia Định anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công vang dội; góp phần vào thắng lợi chung của Nhân dân cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (01/1973), tạo ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam. Gần 12 năm (1959-1970) giữ vị trí đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định, Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng nơi chiến trường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1972, Đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III.

Trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy cam go, khốc liệt, Đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động, kiên cường bám đất, bám dân ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh thắng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, trong những bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Giữ các cương vị quan trọng trong Đảng và Nhà nước, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống Nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế đất nước.

Năm 1976 đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị và làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trên các cương vị quan trọng đó, Đồng chí đã cùng lãnh đạo Thành phố đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố dần đi vào ổn định, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.  

Tại các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ V ,VI, VII, VIII, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung Trung ương, Bộ Chính trị và giữ các chức vụ quan trọng. Từ tháng 12/1997 - 4/2001, do tuổi cao, Đồng chí xin rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò Cố vấn, Đồng chí vẫn dành trọn tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho công cuộc xây dựng Đảng, với nhiều kiến nghị cụ thể trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, cũng như nhiều sinh hoạt quan trọng của Đảng, góp phần thiết thực vào công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

Từ cương vị lãnh đạo thành phố đến Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng nào, đặc biệt là những quyết định tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước và đời sống Nhân dân, Đồng chí đều tập hợp và lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học và tự mình nghiên cứu, tham khảo, tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống của mọi tầng lớp Nhân dân. Chính vì vậy, khi vận dụng vào thực tiễn, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân”; góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Với sự sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo và là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Thủy điện Trị An; công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các khu công nghệ cao Hòa Lạc;... Tất cả nói lên tâm huyết và nỗ lực phi thường của Đồng chí, đồng thời thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc.  

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần vào lúc 7 giờ 40 phút ngày 11/6/2008, hưởng thọ 86 tuổi. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng, gắn bó với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của Đảng và Nhân dân ta, từ phong trào Thanh niên Phản đế 1938, Nam Kỳ Khởi nghĩa 1940, qua 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, cho đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; từ một người thanh niên lòng yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng đến cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt luôn dành trọn tâm huyết, sức sáng tạo của mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Nhân cách ấy, bản lĩnh ấy được hun đúc, luyện rèn từ tinh thần chiến đấu ngoan cường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, niềm tin vững chắc vào tương lai, vận mệnh của dân tộc.

Hoàng Vy

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền. Truyền thống cách mạng của quê hương cùng ý chí sục sôi và nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc người thanh niên Phan Văn Hòa tham gia phong trào Thanh niên phản đế năm 1938 và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, khi vừa tròn 17 tuổi. Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008). Nguồn: Bảo tàng Vĩnh Long Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đồng chí Võ Văn Kiệt hăng hái tham gia cách mạng bằng tất cả lòng nhiệt thành và niềm tin mãnh liệt. Từ năm 1941 -

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn