Quân Pháp choáng váng với pháo binh ở núi cao
Ngày 28/2/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ triệu tập hội nghị quân chính từ cấp trung đoàn trở lên để đánh giá, kiểm điểm công tác chuẩn bị và nhận nhiệm vụ mới. Theo báo cáo của các đơn vị, đường cơ động pháo binh và các trận địa pháo ở trên núi cao đã làm xong, sẵn sàng đón những khẩu pháo vào vị trí. Trận địa chiến hào tiến công và bao vây cũng đã hoàn thành, các sở chỉ huy cũng như trận địa pháo đều được xây dựng kiên cố, đủ sức chịu đựng đạn pháo 105, 155 ly của địch tấn công.
Bộ đội đang chiến đấu ở chiến hào. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận hội nghị: Để đối phó với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có hai cách đánh: Một là, kiềm chế giữ lực lượng địch ở tập đoàn cứ điểm, đánh mạnh ở những nơi địch sơ hở. Hai là, tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm mới gây cho địch một cục diện khủng hoảng, mới đánh bại được cố gắng lớn nhất của địch... Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là vấn đề tất yếu mà quân đội ta phải trải qua. Chúng ta nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ cho kỳ được. Bước vào giai đoạn tiến công thứ nhất, phải khống chế sân bay, tiến tới cắt đứt tiếp tế đường không của địch. Phải tiêu diệt một số trung tâm đề kháng ngoại vi, trước hết là phân khu bắc. Phải thường xuyên phát triển hoạt động nhỏ, như đánh biệt kích, phá sân bay, tập kích trận địa pháo và sở chỉ huy của địch…
Quân ta tổ chức đánh phá từ “hậu phương” xa của địch, đêm ngày 4/3/1954, bộ đội bí mật đột nhập sân bay Gia Lâm, Hà Nội đốt cháy 12 máy bay và 1 kho xăng. Hai ngày sau, bộ đội địa phương Kiến An, Hải Phòng đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 22 chiếc máy bay. Đánh phá máy bay quân sự của địch ở vùng đồng bằng Bắc Bộ giống như “đánh thẳng” một phần của không quân Pháp, giảm quân cơ động lên Tây Bắc.
Đêm ngày 8/3/1954, những khẩu trọng pháo 105 ly và pháo cao xạ của ta được bộ đội kéo bằng tay bí mật vào chiếm lĩnh trận địa chỉ cách trung tâm đề kháng Him Lam của quân Pháp từ 3 - 4km. Thành công lớn của đợt chuyển pháo này là kẻ địch không hề hay biết, giờ khai hoả đã đến gần, nhưng quân địch vẫn còn chưa thật tin về sự có mặt của pháo binh quân ta trên chiến trường Tây Bắc.
Ngày 13/3/1954, trận pháo mở màn chiến dịch, những loạt đạn pháo của ta từ núi cao bắn thẳng vào sân bay Mường Thanh và một số trung tâm đề kháng của quân Pháp. Việc pháo binh của ta xuất hiện ở Điện Biên Phủ làm cho quân Pháp choáng váng, đến nổi Đại tá Pirốt, chỉ huy pháo binh đã tự sát tại hầm của mình bằng một trái lựu đạn. Họ không thể ngờ Việt Minh dùng bằng sức người để kéo những khẩu trọng pháo lên được đồi cao để áp chế pháo binh của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Lá cờ chiến thắng trên nóc hầm sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Siết chặt vòng vây
Sau nhiều lần quân ta tấn công và đánh chiếm các trung tâm đề kháng của quân Pháp ở phân khu Nam, phân khu Bắc. Còn phân khu trung tâm địch bố trí công sự chiến đấu rất vững chắc, hoả lực mạnh, bộ đội ta khó xung phong tiến công trên mặt đất ở địa hình trống trãi. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn hình thức tác chiến bằng trận địa chiến hào siết vòng vây và tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ.
Việc siết vòng vây sẽ hạn chế được uy lực không quân, pháo binh địch, giảm nhẹ thương vong của bộ đội ta. Từ đầu chiến dịch, hỏa lực nhẹ của bộ binh ta chiếm ưu thế về số lượng chưa thể phát huy hết hiệu lực do khoảng cách giữa ta và địch còn xa. Siết chặt vòng vây sẽ cho phép ta tiêu diệt và tiêu hao quân địch bằng mọi vũ khí của bộ binh, kể cả súng trường và lựu đạn, tạo nên một hỏa lực áp đảo.
Siết chặt vòng vây sẽ tạo điều kiện cho bộ đội ta phá hủy từng ụ đề kháng, dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm quân địch, bất thần tiêu diệt địch khiến chúng không kịp trở tay. Đây cũng là cách thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, ít tổn thất về xương máu.
Siết chặt vòng vây sẽ giúp ta tranh đoạt tiếp tế của địch từ máy bay thả xuống, giành lấy lương thực, nhất là đạn dược mà ta đang cần. Siết chặt vòng vây cũng chính là quá trình thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.
Bộ chỉ huy chiến dịch vạch ra sơ đồ chiến hào trên bản đồ ước tính dài trên 100km. Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, bộ đội đào hai loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn; đường hào tiếp cận sát ổ đề kháng địch của bộ binh. Đường hào trục sẽ chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm.
Đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta dự định tiêu diệt. Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7 mét, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5 mét, hào trục rộng 1,2 mét. Dọc đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công. Việc xây dựng trận địa phải tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó, triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận để phân tán sự chống phá của địch.
Đại tá Nguyễn Hữu Đại, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (1954) nói về chiến thuật chiến hào: “Buổi sáng, là giờ ngủ. Khoảng cách sau bữa cơm trưa với bữa cơm chiều là thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng trận địa, lên rừng đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng. Suốt đêm là thời gian đào hào trận địa, bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét, trên trận địa mồ hôi vẫn tuôn chảy. Gặp những chỗ đất rắn hai bên nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu... Gặp trời mưa mọi người phải ngụp trong bể bùn, dùng tay, dùng xẻng, mũ sắt, có lúc cả áo mưa để đựng bùn đổ đi. Sau đó, lại phải đóng cọc, chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở”.
Đường hàng không của quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta cắt đứt, vòng vây được kép chặt lại. Việc cung cấp vũ khí, lương thực… của không quân xuống Điện Biên Phủ bằng dù. Do vòng vây bị co lại, có lượng lớn dù hàng của Pháp từ máy bay thả xuống đã rơi vào tay quân ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh thi đua đánh tỉa quân địch: "Khu trung tâm của địch hiện đã vào tầm hoạt động của các cỡ hỏa lực của ta. Để làm cho địch càng ngày càng bị tiêu hao mệt mỏi, tinh thần sút kém, thương vong chồng chất, làm cho địch luôn luôn lo sợ và căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắn chết. Để tạo điều kiện cho quân ta giành được những thắng lợi lớn hơn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Tôi kêu gọi, toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh… Hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua bắn tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn tiêu diệt một tên địch”
Tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ chỉ huy quân Pháp bị bắt sống tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu |
5 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Chỉ huy trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Bắt sống được tướng De Castries (Đờ Cát) chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.
LỆ GIANG
Quân Pháp choáng váng với pháo binh ở núi cao