Từ chủ trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành tháng 11-2022, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh, người dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành có những hành động cụ thể để chung tay phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang một cách bền vững.

Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang
Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang

Từ chủ trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành tháng 11-2022, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh, người dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành có những hành động cụ thể để chung tay phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang một cách bền vững.

Hệ sinh thái biển đang phục hồi

Những ngày cuối tháng 3, phóng viên được cùng đại diện Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, giảng viên, sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản tham gia hoạt động thả tôm, cua giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và làm sạch bãi biển tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Từ Bến tàu du lịch Nha Trang, chúng tôi đã thấy biển báo khuyến cáo du khách không sử dụng và mang các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, nước uống đóng chai nhựa loại dưới 1,5 lít qua bến tàu. Đây là cách làm hiệu quả đã được BQL vịnh Nha Trang áp dụng thời gian qua để giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang.

Các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu san hô ở vịnh Nha Trang. Ảnh: ĐẶNG VĂN LONG
Các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu san hô ở vịnh Nha Trang. Ảnh: ĐẶNG VĂN LONG

Lướt trên mặt biển trong xanh, thuyền đưa chúng tôi di chuyển đến khu vực rừng ngập mặn Đầm Bấy. Tại đây, những cây đước con được cắm xuống bùn đất cách đây hơn 1 năm đã phát triển hình thành nên những mảng xanh. Trước năm 2022, Đầm Bấy có khoảng 3ha rừng ngập mặn; nhờ các chương trình trồng rừng, đến nay đã phát triển lên được 8ha. Tại Hòn Mun, qua làn nước trong xanh, từ trên thuyền, chúng tôi cũng có thể dễ dàng nhìn ngắm những đàn cá và hệ sinh thái biển tuyệt đẹp. Khu vực bãi tắm được phân vùng, thả phao nổi, giới hạn vùng tắm để hoạt động du lịch, tắm biển không ảnh hưởng đến rạn san hô. Trên vịnh Nha Trang, hiện nay có những vùng biển giăng phao cấm để thực hiện thí nghiệm đề án cấy san hô trên giá thể nhân tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nghiêm Thúy (giảng viên ngành Quản lý thủy sản, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản) đánh giá: “So với thời điểm trước đây, vịnh Nha Trang đã có sự quản lý chặt hơn, không còn rác thải nhựa tràn lan. Đợt này, chúng tôi thả 72.500 con tôm và cua trong rừng ngập mặn ở Đầm Bấy, tổ chức thu gom rác thải nhựa tại ghềnh đá ven đảo Hòn Mun đưa về đất liền xử lý. Hoạt động này góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vịnh Nha Trang; đồng thời giáo dục, nâng cao ý thức cho sinh viên về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển”.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Hải dương học và BQL vịnh Nha Trang trong quý I/2024 cho thấy, san hô sống có độ phủ trung bình trên toàn khu vực vịnh biển Nha Trang là 12,81%. Về thành phần loài đã xác nhận được 12 giống san hô cứng và 3 - 4 giống san hô mềm trên tuyến mặt cắt khảo sát. Xét đến xu thế biến động, độ phủ san hô sống tại hai trạm quan trắc thường xuyên rạn san hô Hòn Mun (tây bắc và tây nam Hòn Mun) đang trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, tại khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất có diện tích san hô khoảng 4,8ha, độ phủ san hô tạo rạn trung bình toàn vùng 32,4%. San hô ở đây đang phát triển rất tốt. 

Theo Tiến sĩ Manuel Gonzalez Rivero - Trưởng nhóm Giám sát và Phục hồi san hô, Viện Khoa học biển Australia, qua các chuyến khảo sát của ông và các nhà khoa học Việt Nam tại vịnh Nha Trang vào đầu tháng 4 đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực là san hô non ở vịnh Nha Trang đang phát triển, quá trình phục hồi san hô tự nhiên đang diễn ra.

Một lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái vịnh Nha Trang ở Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang).
Một lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái vịnh Nha Trang ở Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang).

Chung tay hành động

Theo ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang, để thuận lợi cho quá trình phục hồi san hô, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thành phố, từ ngày 27-6-2022 đến nay, BQL vịnh Nha Trang đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun và bố trí điểm lặn tạm thời ở khu vực đông bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế; di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. Quý I/2024, BQL vịnh đã phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòn Mun lập biên bản làm việc về hành vi khai thác thủy sản trái phép đối với 2 tàu cá khai thác trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. UBND các xã, phường đã rà soát, thống kê hiện trạng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát, cương quyết không để phát sinh lồng bè nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực được phép nuôi. Năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp, người dân đã thả tái tạo nguồn lợi thủy sản 12.000 con giống tại Hòn Mun, bến du thuyền; trồng mới 2,5ha rừng ngập mặn (chủ yếu là cây đước) tại khu vực Đầm Bấy, cửa sông Tắc, bãi bồi ven sông Cái.

Các đoàn viên, thanh niên TP. Nha Trang trồng đước tại Đầm Bấy.
Các đoàn viên, thanh niên TP. Nha Trang trồng đước tại Đầm Bấy.

Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến góp ý đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ “Kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang” trình UBND tỉnh phê duyệt. Viện Hải dương học và các chuyên gia đề xuất quy hoạch khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang; xây dựng mô hình quản lý, cơ chế hợp tác công tư phù hợp nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị của vịnh Nha Trang. BQL vịnh Nha Trang đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố rà soát và xây dựng đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở đề tài “Tạo vườn ươm cung cấp nguồn giống san hô tạo rạn để phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang” năm 2025…

Các bạn trẻ nhặt rác bảo vệ môi trường tại Hòn Mun.
Các bạn trẻ nhặt rác bảo vệ môi trường tại Hòn Mun.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện 16 nhiệm vụ trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Ngày 2-2, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch của BQL vịnh Nha Trang về việc phối hợp tuyên truyền, tuần tra bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất năm 2024. Ngoài ra, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký hợp đồng dịch vụ giữa UNDP tại Việt Nam với Viện Hải dương học thực hiện nhiệm vụ “Thu thập bổ sung dữ liệu, điều tra, khảo sát để đánh giá, nghiên cứu phân vùng chức năng tại vịnh Nha Trang”. UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo BQL vịnh Nha Trang theo dõi, phối hợp với UNDP thực hiện nhiệm vụ này. 

Phát biểu tại khóa tập huấn của Viện Khoa học biển Australia (AIMS) tại Viện Hải dương học đầu tháng 4, ông TRẦN HÒA NAM - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản khu vực biển tỉnh quản lý; phát triển bền vững các ngành kinh tế biển của địa phương. Để phát triển kinh tế biển bền vững, bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, tỉnh xác định công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cung cấp cơ sở khoa học về hải dương, xác định các tiềm năng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển phải được ưu tiên hàng đầu. 

 THÁI THỊNH

Từ chủ trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành tháng 11-2022, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh, người dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành có những hành động cụ thể để chung tay phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang một cách bền vững. Hệ sinh thái biển đang phục hồi Những ngày cuối tháng 3, phóng viên được cùng đại diện Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, giảng viên, sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản tham gia hoạt động thả tôm, cua giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và làm sạch bãi biển tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Từ Bến tàu du lịch Nha Trang, chúng t

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn