Tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy trong trồng trọt, phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn… là những gì chúng tôi cảm nhận được khi gặp gỡ, trò chuyện với những già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Những người “giữ lửa” bản làng
Những người “giữ lửa” bản làng

Phát huy vai trò của người có uy tín

Vượt hơn 2km đường bộ và đường rừng, chúng tôi đến được rẫy của ông Cao Xà Ngân - đảng viên, người uy tín của thôn Đá Mài (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh). Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Cao Xà Ngân vẫn còn rất quắc thước, minh mẫn. Giữa cái nắng hè gay gắt, đôi bàn tay của ông thoăn thoắt chặt bỏ lá úa, chuối hư trên rẫy chuối rộng gần 1ha. Lau vội những giọt mồ hôi, ông kể, năm 1982, ông cùng 40 hộ đồng bào dân tộc Raglai du canh, du cư từ xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) đến xã Diên Tân và ở rải rác theo chân núi Hòn Dọt. Ông với các hộ dân phát rẫy trồng bắp, vào rừng hái lượm, săn bắt sinh sống qua ngày. Năm 1989, UBND xã Diên Tân vận động các hộ về định canh, định cư tại xóm 6 thôn Đá Mài. Từ đó, các hộ dân được quan tâm, tạo điều kiện cấp đất làm lúa nước, trồng cây ngắn ngày, như: Bắp, đậu, chuối… Nhận thức được "có làm thì mới có ăn" nên vừa canh tác trên diện tích đất được cấp, ông vừa khai hoang thêm và dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm mua 5.000m2 đất trồng mía. Có đất, ông vay các nguồn vốn đầu tư sản xuất. Sau một thời gian, đất trồng mía, trồng keo của ông tăng lên 3ha, rồi 10ha.

Ông Cao Xà Ngân và con trai chăm sóc vườn cây của gia đình
Ông Cao Xà Ngân và con trai chăm sóc vườn cây của gia đình.

Mong muốn người dân trong thôn có cái ăn, cái mặc như mình, ông Cao Xà Ngân không ngại khó, ngại khổ tới từng nhà hướng dẫn cách làm đất, trồng lúa nước, chuối, keo và nuôi thêm gia súc, gia cầm… cải thiện cuộc sống. Đồng thời, vận động các hộ dân tham gia những buổi tập huấn do địa phương tổ chức để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập. Ông còn phối hợp với chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động đồng bào DTTS không để các tệ nạn xã hội xâm nhập vào bản làng; không để kẻ xấu lợi dụng gây mất tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhờ vậy, nhiều năm liền, thôn Đá Mài không có các tệ nạn xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; gần 1/3 số hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Riêng ông, hơn 20 năm luôn được người dân bầu chọn là người có uy tín của thôn.

Ông Y Cho (giữa) và cán bộ xã tuyên truyền cho người dân về chính sách của nhà nước
Ông Y Cho (giữa) và cán bộ xã tuyên truyền cho người dân về chính sách của nhà nước.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Y Cho - thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Ông là người nhiều năm liền được người dân ở thôn bầu làm người có uy tín. Khi chúng tôi đến, ông đang cùng cán bộ xã rà lại danh sách đưa con em ra trạm y tế tiêm chủng. Theo nhiều người dân ở thôn, nhờ ông Y Cho tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn, thách cưới ở thôn đã giảm hẳn. Ngày trước, ở thôn nhiều cặp nam, nữ mới 14, 15 tuổi đã lấy nhau, thách cưới rất nhiều, khi về sống chung không hòa hợp, muốn bỏ nhau phải đền bù bằng mấy con trâu; nhà có người qua đời thì tổ chức giết heo, bò ăn uống linh đình mấy ngày; có người ốm lại mời thầy về cúng đuổi tà, không chịu đi gặp bác sĩ… Các hủ tục ấy đã ăn sâu, bén rễ trong mỗi người dân khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Từng làm cán bộ xã, hiểu được luật pháp, ông Y Cho đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, xóm, tới từng nhà vận động, phân tích cho người dân hiểu. “Mưa dầm thấm lâu, giờ người dân đã xóa bỏ các phong tục lạc hậu, nạn tảo hôn đã hầu như không còn, bệnh đau đã đến trạm y tế” - ông Y Ty, người dân trong thôn kể. Không những thế, ông Y Cho còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở thôn bản vận động trẻ em uống thuốc trị bệnh, chích ngừa và phòng, chống suy dinh dưỡng...; đối với phụ nữ mang thai, ông vận động đến trạm y tế khám thai…

Làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con tốt

Ông Cao Truyền (48 tuổi), trưởng thôn và là người có uy tín trong đồng bào DTTS thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, Ninh Hòa) chăm chỉ làm ăn, tạo nên những ruộng vườn bao la, xanh mướt. Nhờ đó, ông được người dân tin tưởng bầu chọn là người có uy tín.

Hỏi chuyện, ông Cao Truyền kể, từ nhỏ, ông theo gia đình làm nương, rẫy trải qua đói khổ khi sống du canh, du cư. Vì thế, ngay từ nhỏ, ông đã có ý thức phải nỗ lực làm việc mới thoát nghèo. Năm 1994, sau khi lập gia đình, ông và vợ khai hoang đất trồng mía, mì và lúa nước. Lúa thu hoạch được, vợ chồng ông để dành ăn; tiền bán mía, mì mua thêm đất mở rộng diện tích. Từ 0,5ha đất ban đầu, đến nay, vợ chồng ông đã có 9ha để trồng mía, lúa nước, mì, keo.

Ông Cao Truyền xịt thuốc cho cây mía
Ông Cao Truyền xịt thuốc cho cây mía.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn vận động người dân vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, giúp nâng cao thu nhập. Với vai trò là trưởng thôn và người có uy tín, 10 năm qua, ông luôn “giữ lửa” các hoạt động của bản làng. Ông tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh tranh chấp đất đai, sở hữu tài sản tặng cho và các mâu thuẫn khác phát sinh trong đời sống hàng ngày; tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu; tố giác các loại tội phạm trên địa bàn, góp phần giữ bình yên ở địa phương. Từ năm 2021 đến nay, ông đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động người dân hiến gần 5.000m2 đất để mở 2 tuyến đường dân sinh, vận động các mạnh thường quân trao quà Tết Trung thu cho hơn 200 trẻ em… Ông đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại thôn (từ 45 hộ nghèo trước năm 2020 đến nay chỉ còn 9 hộ)...

Theo chân ông Cao Xà Ngân từ rẫy về nhà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà được xây dựng khang trang. “Năm 2009, tôi là người DTTS đầu tiên trong thôn tự xây được nhà to, kiên cố, còn có lãnh đạo trên tỉnh về dự khánh thành”, ông Cao Xà Ngân tự hào khoe. Hơn 10ha đất rẫy, ông để lại một ít sản xuất lấy tiền dưỡng già, số còn lại chia đều cho các con. Noi gương ông, 6 người con đều chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống khá giả.

Ông Cao Dáng bên vườn bưởi của gia đình
Ông Cao Dáng bên vườn bưởi của gia đình.

Tương tự, ông Cao Dáng (thôn A-Xây, xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh) 10 năm liền được người dân ở thôn bầu chọn là người có uy tín. Có được sự tín nhiệm này là nhờ ông luôn chăm chỉ làm ăn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, 4/5 người con của ông đều học cao đẳng, đại học ra trường và có việc làm ổn định. Thông qua tuyên truyền của ông, hiện nay, tình trạng tảo hôn ở thôn giảm rất nhiều, việc cưới người cận huyết thống đã không còn, các trẻ đến tuổi đi học đều ra lớp đầy đủ…

Chia tay những người con uy tín của bản làng, chúng tôi cảm nhận được, đằng sau sự lao động không biết mệt mỏi, sự cố gắng vươn lên không ngừng của họ là tấm lòng yêu quê hương, với mong muốn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông PHẠM DUY KHÁNH - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Những người có uy tín trong tỉnh đã phát huy được vị trí, vai trò của mình trong vận động đồng bào DTTS tích cực phát triển sản xuất và xây dựng đời sống mới; tham gia hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền chống mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; vận động đồng bào đoàn kết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Có thể nói, họ là lực lượng nòng cốt trong vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Họ có điểm chung là gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình “nói đi đôi với làm” và luôn được người dân tin tưởng.

LY VÂN

Phát huy vai trò của người có uy tín Vượt hơn 2km đường bộ và đường rừng, chúng tôi đến được rẫy của ông Cao Xà Ngân - đảng viên, người uy tín của thôn Đá Mài (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh). Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Cao Xà Ngân vẫn còn rất quắc thước, minh mẫn. Giữa cái nắng hè gay gắt, đôi bàn tay của ông thoăn thoắt chặt bỏ lá úa, chuối hư trên rẫy chuối rộng gần 1ha. Lau vội những giọt mồ hôi, ông kể, năm 1982, ông cùng 40 hộ đồng bào dân tộc Raglai du canh, du cư từ xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) đến xã Diên Tân và ở rải rác theo chân núi Hòn Dọt. Ông với các hộ dân phát rẫy

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn