Ngày 30-4-1975 là thời khắc lịch sử không quên với dân tộc Việt Nam. 49 năm đã qua, ký ức hào hùng về những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Mỗi khi nhắc lại thời khắc lịch sử ấy, các cựu chiến binh đều trào dâng niềm tự hào, xúc động…
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu) |
"Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù"
Mùa xuân năm 1975, quân ta thắng lớn trên chiến trường miền Nam! Từ Quảng Bình, những người lính Sư đoàn 341 theo đường mòn Hồ Chí Minh vượt Tây Trường Sơn để vào miền Đông Nam Bộ để bổ sung cho lực lượng Quân đoàn 4. Những người lính Sư đoàn 341 đã có những ngày chiến đấu ác liệt ở Xuân Lộc (Đồng Nai) trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 nhận nhiệm vụ tấn công vào Yếu khu quân sự Trảng Bom - một mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự của địch trên hướng Đông Bắc (theo hướng tiến quân của ta). Ở thời điểm đó, địch tập trung lực lượng rất mạnh ở Trảng Bom. Trước khi vào trận đánh, quân ta đã được phổ biến nhiệm vụ, mỗi người đeo một mảnh vải đỏ vào tay áo để nhận diện. Đại tá Nguyễn Cảnh Vinh (khi ấy là lính thông tin Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, hiện nay ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) nhớ lại: “Đêm 26-4-1975, lực lượng của Sư đoàn 341 tiềm nhập tiếp cận Yếu khu quân sự Trảng Bom. 3 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 270 đi đánh địch nhưng đến sát giờ nổ súng tất cả phương tiện liên lạc gồm: Thông tin vô tuyến và đường dây hữu tuyến, truyền tin đều không thông. Không khí căng thẳng đến tột độ! May sao đến giờ nổ súng, cả ba tiểu đoàn đồng loạt bật máy báo tin về. Sau này mới biết, vì để đảm bảo bí mật nên cả 3 tiểu đoàn trưởng đều không cho bật máy truyền tin, phải đến khi nổ súng mới cho lính thông tin mở máy để liên lạc với trung đoàn. Trong khi đó, lực lượng rải dây hữu tuyến và cán bộ truyền đạt trên đường đi đụng độ với lực lượng thám báo của địch nên đã hy sinh và bị thương dẫn đến liên lạc không thông suốt”.
Đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. (Ảnh tư liệu) |
Cùng tham gia chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4, Đại tá Nguyễn Tiến Dũng (khi ấy là chiến sĩ của Tiểu đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, hiện nay sống ở phường Vĩnh Hải) cho biết: “Khi đánh vào yếu khu Trảng Bom, quân ta cho pháo bắn cấp tập vào các mục tiêu then chốt. Các hướng đồng loạt tiến công quân địch trong Yếu khu quân sự Trảng Bom. Địch cũng sử dụng pháo bắn trả rất ác liệt. Khi trời sáng tiến vào Trảng Bom, chúng tôi còn thấy nhiều xác quân địch nằm lại ngay trên trận địa pháo của họ…”. Đến 10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 hoàn toàn làm chủ Trảng Bom và cả đoạn đường dài 15km trên Quốc lộ 1 từ ấp Hưng Nghĩa về Trảng Bom.
Nhân dân Sài Gòn vui mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu) |
Theo Đại tá Nguyễn Cảnh Vinh, chiếm được Yếu khu quân sự Trảng Bom, Sư đoàn 341 đã lập chiến công lớn trong trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đoàn 4. “Sau này đọc tài liệu, tôi mới biết, trận này Sư đoàn 341 đã làm thiệt hại nặng nề 2 trung đoàn của quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, thu và phá hủy gần 100 xe cơ giới các loại”, Đại tá Nguyễn Cảnh Vinh chia sẻ. Sau thắng lợi ở Trảng Bom, lực lượng của Sư đoàn 341 tiếp tục theo Quốc lộ 1 hướng về Sài Gòn… với niềm tin ngày chiến thắng đã đến rất gần!
Trong khi Quân đoàn 4 tiến đánh địch theo hướng Đông Bắc, Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn trên hướng Đông Nam. Mở màn chiến dịch, Quân đoàn 2 đã sử dụng Sư đoàn 325 tiến đánh Chi khu Long Thành, Nhơn Trạch… Sau một ngày đêm chiến đấu, đến chiều 27-4-1975, Sư đoàn 325 đã làm chủ hoàn toàn Chi khu Long Thành; phá vỡ một khâu quan trọng trên tuyến phòng thủ vòng ngoài hướng Đông Nam Sài Gòn. Ngay đêm đó, quân ta tiếp tục hành quân đánh Chi khu Nhơn Trạch. Đại tá Nguyễn Văn Bang (khi ấy là chiến sĩ của Trung đoàn 46, Sư đoàn 325, hiện nay ở Phước Long, Nha Trang) hồi tưởng: “Khi lệnh chỉ huy hô xung phong vang lên, anh em lao vào trận địa. Ở đây, địch dùng lon sữa bò kéo dây để làm chuông báo hiệu. Khi quân ta chạm phải dây, tiếng chuông báo hiệu vang lên, địch bắn ra rất rát. Tôi ở tiểu đội hỏa lực DKZ có nhiệm vụ diệt các ổ đề kháng của địch. Nhưng cứ mỗi lần mình bắn đạn lóe sáng là lộ vị trí nên địch dùng súng phóng lựu M79 bắn trả rất rát. Cũng may ở đó là nghĩa địa nên anh em nấp ở các rìa mộ xây để tránh đạn, di chuyển vị trí rồi tiếp tục đánh vào các mục tiêu…”. Suốt đêm 27 cho đến sáng 28-4, lực lượng của Sư đoàn 325 nhiều lần xông lên vẫn không chiếm được Nhơn Trạch nên đành phải rút ra. Sau đó, đơn vị tiếp tục tấn công Chi khu Nhơn Trạch. Ông Lê Văn Tân (cùng ở Trung đoàn 46, Sư đoàn 325, hiện nay ở Phước Long) nhớ lại: “Đêm 28-4, Sư đoàn 325 với sự yểm trợ của xe tăng tiếp tục tấn công chiếm được Nhơn Trạch. Sau đó, chúng tôi đánh kho hậu cần thành Tuy Hạ. Tàn quân tháo chạy về hướng Sài Gòn, lột bỏ cả quân trang, quân dụng đầy trên đường dẫn xuống bến phà Cát Lái. Sáng 30-4-1975, Sư đoàn 325 vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái”.
Thời khắc lịch sử
Sáng 30-4-1975, cả 5 cánh quân của ta hướng về nội đô Sài Gòn để đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất của địch. Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, xe tăng Lữ đoàn 203 ào ạt tiến vào nội đô. Được tự vệ thành và nhân dân dẫn đường, đoàn xe tăng, cơ giới của ta theo đường Hồng Thập Tự và đường Thống Nhất rầm rập tiến vào dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi hoàn toàn.
Người dân Sài Gòn chào đón đoàn quân giải phóng. (Ảnh tư liệu) |
Đến giờ, những người lính năm xưa vẫn nhớ mãi thời khắc lịch sử của Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Lúc đấy, không khí chiến sự rất nóng hổi. Đang ở trạm quân y của Sư đoàn 325, nhưng chúng tôi liên tục nghe đài của ta và cả đài địch để dõi theo tình hình. Trưa 30-4, Đài Phát thanh Sài Gòn đang phát sóng bỗng nhiên im bặt. Sau đó một lúc tôi nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện… Mọi người đều vỡ òa cảm xúc. Nhiều thương binh reo hò sung sướng đến tột cùng. Bao nhiêu năm mơ ước cuối cùng ngày thống nhất đất nước cũng đã đến”, ông Bang xúc động nhớ lại.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh (bên phải) và ông Nguyễn Tiến Dũng xem lại những bức ảnh chụp cùng đồng đội những ngày đầu trên đất Sài Gòn, khi đất nước vừa thống nhất. |
Trong khi đó, những người lính của Sư đoàn 341 như ông Vinh, ông Dũng biết tin quân ta chiếm được dinh Độc Lập ngay trên đường tiến quân. "Tất cả hò reo vui mừng. Lệnh được ban ra, ai ở đâu thì giữ yên vị trí… tránh không cho tàn quân của địch tái chiếm”, ông Vinh nhớ lại. Ngày 1-5-1975, Sư đoàn 341 tiếp tục tiến về Sài Gòn để chốt giữ ở khu vực quận 3. “Tôi nhặt được trên đường một chiếc xe Mobylette. Sau khi hỏi người dân cách điều khiển, tôi nổ máy rồi chở một đồng đội theo đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Người dân Sài Gòn ra vẫy hoa chào đón…”, ông Dũng hồi tưởng. Những ngày sau đó, những người lính miền Bắc tranh thủ đi tham quan Sài Gòn, chụp ảnh lưu niệm gửi về cho gia đình ở miền Bắc.
49 năm đã qua, những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn nhớ về hình ảnh người dân với cờ hoa chào mừng đoàn quân giải phóng. Ký ức về những ngày đầu trên đất Sài Gòn như mới hôm qua. Mỗi người có kỷ niệm riêng, nhưng tất cả đều chung ký ức: Những đêm đầu tiên trên đất Sài Gòn gần như không ngủ vì quá vui mừng. Trong những giờ thao thức đó, họ nhớ những đồng đội đã hy sinh trên đường tiến quân, có những người vừa ngã xuống ở ngay cửa ngõ Sài Gòn để cho ngày đất nước toàn thắng. Câu chuyện của những người lính năm xưa chỉ là những lát cắt nhỏ nhưng cũng phần nào để thế hệ hôm nay hiểu được giá trị của hòa bình, thống nhất.
Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ chiều 26-4-1975 đến 30-4-1975. Trong chiến dịch này, ta có 5 mũi tiến công hướng về Sài Gòn gồm: Quân đoàn 1 (hướng Bắc), Quân đoàn 2 (hướng Đông Nam), Quân đoàn 3 (hướng Tây Bắc), Quân đoàn 4 (hướng Đông Bắc) và Đoàn 232 (hướng Tây Nam). Quân ta chiếm được tất cả các mục tiêu trọng yếu như: Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, kể từ đây, đất nước Việt Nam thống nhất vẹn toàn.
XUÂN THÀNH
Ngày 30-4-1975 là thời khắc lịch sử không quên với dân tộc Việt Nam. 49 năm đã qua, ký ức hào hùng về những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Mỗi khi nhắc lại thời khắc lịch sử ấy, các cựu chiến binh đều trào dâng niềm tự hào, xúc động…