Nhiều khách du lịch đến tham quan Bảo tàng Hải dương học rất chú ý đến khu trưng bày bản đồ cổ. Ông Nguyễn Duy Dũng (Hà Nội) chăm chú xem những hình ảnh bản đồ cổ được người Pháp xuất bản từ thế kỷ trước. “Tôi thật sự ấn tượng với khu trưng bày bản đồ cổ, những bản đồ vẽ từ thời Pháp những năm đầu thế kỷ XX. Đây là những tư liệu rất quý, khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Dũng nói.
“Hiện diện trên Biển Đông” trưng bày 18 bản đồ được lựa chọn trong số 414 bản đồ đã được phục chế, bố cục theo 3 chủ đề chính: Dấu ấn Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ; Hành trình thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; Biển đảo với kinh tế - xã hội. Tại đây, khách tham quan được tìm hiểu các bản đồ gốc xuất bản dựa vào nguồn số liệu của các chuyến khảo sát “Mission Hydrographique en Indochine” do Hải quân Pháp và tư liệu từ các chuyến khảo sát (1925 - 1939) của tàu De Lanessan thuộc Viện Hải dương học Đông Dương (nay là Viện Hải dương học) thực hiện trên Biển Đông. Bên cạnh đó, khu trưng bày còn có các bản đồ mô tả thềm lục địa và các đảo trên vùng biển Việt Nam, dòng chảy trên thềm lục địa Biển Đông từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm phục vụ hoạt động nghề cá và hàng hải trên vùng biển này như: Cảnh báo các vùng có độ sâu nguy hiểm cho đánh bắt thủy sản ở quần đảo Trường Sa (1925-1931); xác định vị trí xây dựng ngọn hải đăng, trạm vô tuyến TFS và trạm khí tượng thủy văn tại quần đảo Hoàng Sa (1938-1939); mô tả các rạn hô ở quần đảo Trường Sa (năm 1938)...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, trong hành trình thế kỷ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học biển, Viện Hải dương học đã lưu trữ 740 bản đồ hàng hải, bản đồ độ sâu, bản đồ Biển Đông, bản đồ Việt Nam, bản đồ địa chất Việt Nam… Trong số đó, bản đồ cổ nhất được lưu trữ tại viện là được xuất bản vào năm 1831 và hầu hết số bản đồ biển trước năm 1975 do Hải quân Pháp xuất bản và một số khác do Hải quân Mỹ xuất bản. Ngoài ra, có một số bản đồ quân sự về tuyến phòng thủ bờ biển phía bắc Việt Nam do Hải quân Nhân dân Việt Nam xuất bản từ trước năm 1955 đến năm 1980. Trải qua thời gian lưu trữ rất dài, hầu hết các bản đồ xuất bản từ thời Pháp đã xuống cấp, mực giấy vẽ bị thay đổi, có nguy cơ mục nát. Để bảo tồn tư liệu khoa học mang tính lịch sử, phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao và quảng bá chủ quyền biển đảo, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam giao Viện Hải dương học thực hiện nhiệm vụ “Phục chế và xây dựng cơ sở dữ liệu bộ bản đồ cổ thời Pháp về biển Việt Nam và Biển Đông”. Viện Hải dương học đã thực hiện công tác phục chế 414 bản đồ cổ về Biển Đông và hoàn thành khu trưng bày bản đồ cổ. Khu trưng bày “Hiện diện trên Biển Đông” mở cửa đón khách vào dịp kỷ niệm 101 năm ngày thành lập Viện Hải dương học (14-9-1922 - 14-9-2023). Đây là thông điệp khẳng định quá trình liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các tư liệu lịch sử và khoa học...
Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường, Viện Hải dương học cho hay, những ngày qua, bình quân hàng ngày bảo tàng đón khoảng 1.000 khách đến tham quan. Khách du lịch rất thích thú trước bộ sưu tập bản đồ lớn được thực hiện công phu từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là những tư liệu được phục chế bởi Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Bảo tàng sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nối tiếp việc quảng bá khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã có từ trước.
V.L
Những ngày qua, khu trưng bày bản đồ cổ với chủ đề “Hiện diện trên Biển Đông” của Bảo tàng Hải dương học thu hút khá đông khách tham quan. Đây là khu tư liệu mới được Viện Hải dương học đưa vào trưng bày từ ngày 14-9 nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày thành lập viện.