Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa, được thành lập tại Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg, ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích khoảng 150.000 ha, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Với điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi, đây là địa điểm lý tưởng để khai thác cảng nước sâu và phát triển kinh tế biển. Sau hơn 18 năm xây dựng, phát triển, Khu kinh tế Vân Phong đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng và phát triển của tỉnh. 

Khu kinh tế Vân Phong - định hướng trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ
Khu kinh tế Vân Phong - định hướng trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ

Để phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025, ngày 11/01/2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU với mục tiêu phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng trung chuyển quốc tế gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao; phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo phát triển Khu kinh tế Vân Phong và Quy chế hoạt động để tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; đồng thời, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Vân Phong.

Đặc biệt, ngày 27/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để triển khai lập quy hoạch các phân khu xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các công trình thiết yếu và thu hút đầu tư các dự án cụ thể vào Vân Phong, từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, theo quy hoạch, nơi đây được chia thành 19 phân khu với các khu phát triển về cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng. Đến nay, có 04/19 phân khu chức năng đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ảnh. Các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Khánh Hòa tại Hoa Kỳ (Nguồn: Báo Khánh Hòa)

Trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vân Phong có những lợi thế quan trọng để phát triển toàn diện với các hoạt động giao lưu trong nước, quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế biển về thương mại, du lịch, sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Giai đoạn năm 2021 đến tháng 3/2024, Vân Phong đã thu hút mới được 05 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 25.158,71 tỷ đồng; vốn thực hiện được 48.395,59 tỷ đồng. Đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 8.703 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 48.813 tỷ đồng chiếm khoảng 54% của tỉnh. Đến nay, Vân Phong đã thu hút được 148 dự án (120 dự án trong nước, 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), nhiều dự án quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Thủy; Dự án Khu du lịch Dốc Lết; Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm; Dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong; Dự án Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng;… Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư đồng bộ, các tuyến cao tốc đi qua Vân Phong được Trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; các công trình giao thông trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, kết nối các vùng động lực, phát triển logistic và kinh tế biển; hạ tầng các khu công nghiệp được quan tâm, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ... nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có Vân Phong; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các ngành nghề ưu tiên thu hút vào Vân Phong, như: Khu đô thị, du lịch; các dự án công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, chế biến dầu khí, điện tử, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng,... Đồng thời, quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp xanh, công nghiệp năng lượng xanh, sinh thái; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ; tuyên truyền trên các báo, tạp chí uy tín, đài truyền hình Trung ương và địa phương để quảng bá hình ảnh Vân Phong.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong được phân cấp và ủy quyền giải quyết 47 thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định; kiến nghị giảm, bãi bỏ những thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngoài ra, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Vạn Ninh và UBND thị xã Ninh Hòa trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quản lý đất đai để tạo quỹ đất sạch, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các dự án tại Vân Phong theo quy định.

Ảnh. Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các cơ quan có liên quan báo cáo  tình hình triển khai thực hiện các dự án trong Khu Kinh tế Vân Phong (Nguồn: Báo Khánh Hòa)

Trong quá trình thực hiện đồ án, tỉnh đặc biệt lưu ý việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Khu kinh tế Vân Phong. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phối hợp thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong Khu kinh tế. Hiện trên địa bàn Vân Phong có 27 trạm quan trắc môi trường (06 trạm không khí xung quanh, 12 trạm nước biển, 04 trạm nước mặt và 05 trạm nước dưới đất); kết quả quan trắc chất lượng môi trường luôn được cập nhật, theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh các chính sách phát triển cho phù hợp. Nhìn chung, chất lượng môi trường nước biển ven bờ và môi trường không khí tại các điểm quan trắc khá tốt, phần lớn các thông số đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Ảnh. Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp lần thứ 1, năm 2024 trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa do Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh      Khánh Hòa tổ chức (Nguồn: Báo Khánh Hòa)

Tuy nhiên quá trình triển khai phát triển Khu kinh tế Vân Phong vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Chưa thu hút được các nhà đầu tư vào các dự án cụ thể, nhất là những nhà đầu tư lớn, đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu, cảng tổng hợp, khu công nghiệp, năng lượng, đô thị, du lịch... Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch phân khu và thực hiện khảo sát chi tiết hiện trạng đã phát sinh một số vị trí chưa đồng bộ với hiện trạng thực tế, dẫn đến khó khăn và chậm tiến độ trong công tác lập quy hoạch phân khu xây dựng. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng còn bất cập, tình trạng lấn chiếm đất công, đất thuộc dự án, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra. Công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đổi với các dự án quy mô lớn và các dự án hạ tầng vẫn còn chậm, ảnh hưởng triển khai các dự án đầu tư;…

Để phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển Khu kinh tế Văn Phong đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện công tác quản lý nhà nước. Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng để có cơ sở thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng vào các ngành nghề như đô thị, du lịch, cảng biển, các dự án công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, chế biến dầu khí, điện tử.... Tiếp tục phát huy vai trò Tổ công tác chuyên trách, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tại Vân Phong. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông trong Khu kinh tế; quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, nhất là chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án;…

Với định hướng đúng đắn, hy vọng tương lai không xa, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ phát huy được tối đa những tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác để trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ như mục tiêu Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

                                                                                                                                     Lâm An

  

Để phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025, ngày 11/01/2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU với mục tiêu phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng trung chuyển quốc tế gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao; phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo phát triển Khu kinh tế Vân Phong và Quy chế hoạt động để tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn