Kỳ 1: Con đường mơ ước

Đường lớn sẽ mở - Kỳ 2: Khát vọng phát triển đại ngàn
Đường lớn sẽ mở - Kỳ 2: Khát vọng phát triển đại ngàn

Kỳ 1: Con đường mơ ước

 

Khi đường kết nối liên vùng được hình thành sẽ tạo ra thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Để hiện thực hóa được những lợi thế ấy, hai địa phương từng bước xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể.

Những tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong tương lai

Dự án Đường giao thông kết nối Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ góp phần hiện thực hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó phát triển huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Một góc thác Tà Gụ, tiềm năng phát triển du lịch của huyện Khánh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, tuyến đường hình thành sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Dự án sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo” theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đề ra.

Để hiện thực hóa điều đó, UBND huyện Khánh Sơn đã xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2030. Đề án tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương. Cụ thể, đó là các sản phẩm du lịch sinh thái, như: Tham quan khám phá núi rừng, danh lam thắng cảnh đẹp (thác Tà Gụ, săn mây, rừng thông...) và du lịch văn hóa - lịch sử, như: Tham quan một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa bản địa, tìm hiểu các điểm du lịch tâm linh và di tích lịch sử. Địa phương cũng hướng đến các sản phẩm du lịch cộng đồng, như: Trải nghiệm sống cùng người dân địa phương, trải nghiệm văn hóa bản địa cộng đồng dân tộc Raglai. Hoặc du khách có thể tham gia các hoạt động du lịch thể thao trên núi và trong rừng khu vực Tà Giang; cắm trại trải nghiệm cuộc sống dân dã... Mục tiêu đến năm 2025, Khánh Sơn sẽ đón khoảng 22.000 lượt khách/năm (trong đó có 9.700 lượt khách lưu trú, 440 lượt khách quốc tế); đến năm 2030 đón khoảng 44.200 lượt khách/năm (trong đó khoảng 18.200 lượt khách lưu trú, 885 lượt khách quốc tế). Dự báo năm 2025, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 22,2 tỷ đồng; năm 2030 tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 88,2 tỷ đồng.

Theo ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, khi tuyến đường đi vào vận hành, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Đặc biệt, sẽ mở ra cơ hội khai thác được các mô hình du lịch sinh thái núi rừng trên địa bàn. Đến nay, địa phương đã quy hoạch tiểu đô thị sinh thái Sông Cầu theo tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Nhà đầu tư tiểu đô thị này đang chuẩn bị các hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều mô hình du lịch đón đầu

Bà Trương Thị Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) chia sẻ, khi có thông tin tỉnh xin chủ trương đầu tư đường kết nối liên vùng Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng, nhiều nhà đầu tư du lịch đã tìm đến khảo sát thực hiện các mô hình du lịch sinh thái, du lịch đồi núi. Hiện nay, ngoài Khu du lịch Yang Bay, dọc tuyến đường Sông Cầu - Yang Bay, đoạn cuối tuyến đã có nhiều nhà đầu tư xin đầu tư các nông trại. Địa phương sẽ lên kế hoạch xin cấp trên để quy hoạch những vùng lân cận tuyến đường liên vùng đi qua có lợi thế về du lịch để khai thác tối đa lợi thế này. Chắc chắn khi tuyến đường được đầu tư, kinh tế - xã hội địa phương sẽ rất khởi sắc, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Dọc tuyến đường Sông Cầu - Yang Bay đang hình thành những mô hình du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Minh Hùng - chủ của Tiên Long Farm (xã Khánh Phú) chia sẻ, khi đến với Tiên Long Farm trải nghiệm các dịch vụ câu cá, làm nông, ngắm cảnh và vui chơi cùng những loài động vật đặc sắc..., nhiều khách cũng muốn tìm đến những nông trại khác tại Khánh Sơn để trải nghiệm các hoạt động tham quan núi rừng, trải nghiệm nhà vườn, săn mây, du lịch cộng đồng... Tuy nhiên, do điều kiện giao thông không thuận lợi nên việc duy trì các tour liên kết này khá khó khăn. Chúng tôi có một cộng đồng farm rất lớn không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Vậy nên khi tuyến đường kết nối liên vùng được hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tour du lịch liên kết này.

Du khách thưởng thức văn hóa tại TaGu Glamping Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

Cũng giống như Tiên Long Farm, TaGu Glamping Phước Bình (TTG Phước Bình) tọa lạc tại Làng du lịch cộng đồng Chapi (thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) là một sản phẩm của Công ty TNHH TaGu Green Mart - mô hình thành viên của Hợp tác xã Khởi Nghiệp Xanh. Ông Huỳnh Mazsa, chủ doanh nghiệp này cho biết, ngay khi nghe thông tin tuyến đường kết nối sẽ triển khai trong thời gian tới, TTG Phước Bình đã nắm bắt cơ hội xây dựng mô hình lưu trú nhà sàn, cắm trại và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Raglai. Bên cạnh đó, TGG Phước Bình còn tổ chức các tour du lịch văn hóa, sinh thái kết nối 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận nhằm quảng bá các giá trị văn hóa bản địa của người Raglai thông qua những nhạc cụ, như: Đàn đá Khánh Sơn, đàn Chapi... và các đặc sản địa phương, như: Sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Phước Bình, chuối mồ côi, chuối hột rừng... TTG Phước Bình chỉ cách đường tỉnh ĐT.707 có 1km và khi kết nối vào đường liên vùng cũng chỉ cách chưa tới 7km nên rất thuận lợi cho du khách di chuyển.

Không chỉ 2 mô hình này mà hiện nay trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã hình thành nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để đón đầu kinh doanh khi tuyến đường đưa vào hoạt động.

Động lực cho phát triển

Tuy 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng hiện nay, những tiềm năng này chưa được khai thác xứng tầm để phát triển.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, dù 2 huyện này có nhiều tiềm năng song cũng nhiều thách thức, quan trọng là phải biến những khó khăn, thách thức thành thời cơ. Để làm được điều này đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, quyết tâm mới, khát vọng mới. Gợi mở về hướng phát triển khi hình thành tuyến đường kết nối 2 huyện, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho rằng, trong tương lai khi tuyến đường đưa vào khai thác, 2 địa phương này sẽ được đánh thức tiềm năng để trở thành các tiểu đô thị sinh thái có yếu tố núi rừng. Đây phải là nơi cung cấp trái cây cho toàn tỉnh cũng như giao thương ngoại tỉnh. Đồng thời, 2 huyện cũng phải là điểm đến du lịch tâm linh, văn hóa, cảnh quan núi rừng, khí hậu vì có những nơi rất mát giống như Đà Lạt thu nhỏ. Ngoài ra, cả hai địa phương có diện tích lớn, có dư địa phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

“Bây giờ phát triển nông nghiệp cần hình thành các trang trại lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Trong tương lai, 2 huyện nên có những vườn cây sản xuất theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu, kết hợp với đầu tư công nghệ chế biến để tránh tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”. Bên cạnh đó, cần phát triển những trại giống lớn để dần trở thành những trung tâm giống lớn. Trong định hướng phát triển, 2 huyện cũng cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động trẻ có trình độ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.  

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, tiềm năng của Khánh Sơn và Khánh Vĩnh rất lớn, nhưng chưa được khai thác, mà cái khó lớn nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Vì vậy, hiện nay, Nhà nước quan tâm làm đường kết nối liên vùng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho 2 địa phương. Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt được tiềm năng, lợi thế thì 2 huyện phải phát triển được các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh của từng địa phương như du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, các mô hình homestay và phải kết nối được với các mạng lưới ở khu vực xung quanh, như: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (tỉnh Lâm Đồng)…

 

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ NGUYỄN CHU HỒI - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Đường kết nối giữa Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng hình thành sẽ phát huy được các nguồn lực trong tỉnh và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Thông qua tuyến đường này sẽ phát huy được lợi thế liên kết vùng với 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, tạo ra được lợi ích kép khi không chỉ là đòn bẩy cho du lịch phát triển mà còn hình thành vành đai giao thương, liên kết giữa các địa phương để góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định.

MẠNH HÙNG

 

 

Kỳ 1: Con đường mơ ước   Khi đường kết nối liên vùng được hình thành sẽ tạo ra thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Để hiện thực hóa được những lợi thế ấy, hai địa phương từng bước xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể. Những tiểu đô thị sinh thái núi rừng trong tương lai Dự án Đường giao thông kết nối Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ góp phần hiện thực hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đ&

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn