“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, có hai con đường được ghi danh vào lịch sử vĩ đại của dân tộc, đó là đường Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích lớn lao của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về ý chí kiên cường, quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam”.

 

 

 

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, quyết tâm thống nhất đất nước
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, quyết tâm thống nhất đất nước

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.

Đầu năm 1960, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Trung úy – Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Kể từ buổi đầu tìm đường, mở lối, đến ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ 14 năm ròng rã (1961 -1975), với nhiều chiến công vang dội, nhiệm vụ chi viện chiến lược trên biển đã hoàn thành xuất sắc, không chỉ là vận tải hàng quân sự, mà còn đảm đương sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là vận chuyển những “hàng hóa đặc biệt” có tính sống còn đối với cuộc kháng chiến - là các loại vũ khí trang bị lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường miền Nam. Trên con đường huyền thoại, dù trải qua muôn vàn khó khăn: Đó là sự thiếu thốn về trang thiết bị, kinh nghiệm và hiểu biết của ta về vận tải biển chưa nhiều; là sự đối mặt với những âm mưu, hành động đánh phá ác liệt của quân thù, nhưng hàng trăm chuyến tàu đã vào Nam ra Bắc thành công, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ vận tải đã kiên cường, bền bỉ, dũng cảm, sáng tạo, cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi có tuyến đường đi qua, viết nên bản anh hùng ca về ý chí và sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trở thành nhân tố quan trọng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến lịch sử với đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.

Những năm đầu chống Mỹ, thông qua con đường vận tải trên biển, đã đưa được hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam, nhờ đó, Nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Vạn Tường, Dương Liễu, Bầu Bàng (1965)… làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, kẻ thù phải khiếp sợ, kinh hoàng. Thắng lợi của con đường vận tải trên biển là kết quả của lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc của cán bộ, chiến sĩ ta, đại diện cho ý chí và nghị lực người Việt Nam khi đất nước bị chia cắt. Trên con đường gian lao, vất vả đó, cán bộ, chiến sĩ “…đã gạt bỏ mọi riêng tư, hết lòng, hết sức vì sự tồn tại và phát triển của con đường mà họ hiểu rõ: có thể bị địch bắt hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhưng vẫn quyết tâm sống chết vì con đường…”[1], và đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, nhiều chiếc tàu “không số” đã phải nằm lại nơi biển khơi, kể cả trên bờ vì sự tồn tại, sự bất tử của con đường huyền thoại này. Các anh hùng, liệt sĩ: Nguyễn Phan Vinh, Dương Văn Lộc, Nguyễn Văn Hiệu, Bông Văn Dĩa… và nhiều đồng chí khác sẽ mãi sống cùng trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những hành trình gian khổ, với những mất mát, hy sinh, nhưng không làm nản lòng những cán bộ, chiến sĩ trên con đường vận tải trên biển, trái lại, càng làm tăng thêm ý chí quyết tâm mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì những chuyến hàng vì miền Nam thân yêu. Đó là những biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Ra đời trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện cho cả quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc Việt Nam, quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc, với một quyết tâm sắt đá, không gì lay chuyển, dám đánh, biết đánh và biết thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó là hình ảnh những cán bộ miền Nam vượt hàng nghìn hải lý, qua giống tố của biển khơi, hiểm họa của kẻ thù để ra Bắc xin được cấp vũ khí mang về đánh giặc. Đó là tình quân dân giữa cán bộ, chiến sĩ trên đường vận tải và sự che chở, đùm bọc của nhân dân các địa phương ven biển thật sâu sắc và cảm động. Đặc biệt, ở các điểm bến đón hàng thì cán bộ, chiến sĩ, nhân dân không quản hiểm nguy, vận chuyển, cất dấu hàng hóa trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ tàu, bảo vệ hàng và sự an toàn của bến bãi. Đó là cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân miền Bắc bằng những việc làm thiết thực, ngày đêm hướng về miền Nam, dốc hết sức người, sức của của công cuộc giải phóng miền Nam.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Tỉnh Khánh Hòa có sự kiện gắn liền với con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là trận hải chiến kiên cường của 20 cán bộ, thủy thủ Tàu C235 của ta với 7 Tàu chiến của địch. Từ tối ngày 29/2/1968 đến 0 giờ 30 phút ngày 01/3/1968, tại vùng biển Ninh Vân -  Ninh Hòa. Tàu C235, do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng chỉ huy, chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Tàu vào đến cửa biển thôn Đầm Vân, bị địch phát hiện, chúng huy động 7 tàu chiến và máy bay yểm trợ bao vây tấn công tàu của ta. Trên bờ, tiểu đoàn Nam Triều Tiên rải quân bao vây phong tỏa. Toàn đội thủy thủ tàu ta đánh trả rất dũng cảm, đánh đắm một tàu địch, phi tang được hàng, cho nổ tàu, 14 cán bộ, chiến sĩ đội tàu, trong đó có Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hy sinh hết sức dũng cảm và đầy trách nhiệm. Toàn đội còn lại 5 đồng chí thoát vòng vây, chịu đói khát, tìm liên hệ với địa phương trở về miền Bắc bằng đường bộ. Tàu C235 cùng Trung úy - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 đồng đội đã mãi mãi nằm lại vùng biển Ninh Vân. Tên anh đã viết nên bản anh hùng cả bất tử về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ con tàu và con đường huyền thoại.

Năm tháng sẽ đi qua, nhưng ký ức về con đường biển sẽ không phai mờ trong mỗi người dân Việt Nam - những câu chuyện về con đường huyền thoại. Con đường ấy, cùng với đường Trường Sơn trên bộ, đã tô thắm thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng. Thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm với Tổ quốc, về ý thức gìn giữ vùng biển thiêng liêng, cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã đổ xương máu để giành lại được. Trước mắt, đó là nỗ lực, quyết tâm, bằng những việc làm thiết thực, cùng đất nước, tỉnh nhà chiến thắng đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống nhân dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Khánh Tuyên

 

[1] Đường Hồ Chí Minh trên biển, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, trang 77.

 

 

 

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được th

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
          Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn