Với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú và tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm hình thành hệ thống quan điểm, nội dung về đạo đức cách mạng và không ngừng bổ sung, phát triển một cách toàn diện. Bài giảng đầu tiên của Người tại lớp huấn luyện chính trị năm 1927 là "Tư cách một người cách mệnh".
Sau đó, Người có nhiều tác phẩm, bài viết sâu sắc về vấn đề này đến nay vẫn nguyên giá trị: Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ nghĩa cá nhân (1948), Cần Kiệm Liêm Chính (1949), Đạo đức công dân (1955); Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969),... Trong Di chúc, Người lại căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới; tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Đó là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Vì thế, "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.601).
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không. Trong nhiều bài viết, nhiều lần nói chuyện với nhân dân, cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến đạo đức cách mạng và phân tích sâu những nội dung rất đa dạng, phong phú, phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Trong bài Đạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Người nêu rõ: "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình.
Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ", (Sđd, tập 11, tr.603).
Tất cả những đức tính cao đẹp ấy là máu thịt trong con người Hồ Chí Minh vĩ đại và chính Người là hiện thân sáng ngời của những giá trị đạo đức ấy. Suốt đời, Người "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Khi trả lời các nhà báo năm 1946, Người đã nói như vậy.
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng
Trái ngược với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, là những thói hư tật xấu ẩn náu trong mỗi con người. Người đã cảnh báo điều này nhiều lần và năm 1969, kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng ta, lại có viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Trong đó, Người nhấn mạnh, do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền,…
Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, vì thế cần phải tiêu diệt nó đi. Đảng cần tăng cường giáo dục; thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh; hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được toàn Đảng thường xuyên tổ chức với nhiều hình thức thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương.
Đây không chỉ thể hiện lòng biết ơn công lao trời biển của Người mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với dân, với nước, và đối với chính mình để tránh xa sự suy thoái, hư hỏng.
Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do đấu tranh, rèn luyện hằng ngày mới có. Học tập, làm theo Bác phải là việc làm suốt đời, mọi lúc, mọi nơi. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo", gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.
Gắn học tập, làm theo Bác với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã góp phần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", nhưng Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.
Có một thực tế là, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt như gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, gần 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (gấp bốn lần so với nhiệm kỳ khóa XI, bằng gần 1/2 số cán bộ cấp cao bị xử lý trong nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Nhiều trường hợp bị kết án tù; cá biệt có đối tượng án chồng án. Thật đau lòng, nhưng không thể khác để bảo vệ uy tín, danh dự, sự trong sạch của Đảng.
Chống tham nhũng làm nghiêm như vậy nhưng vẫn diễn ra phức tạp là điều trăn trở của nhiều người. Điển hình là các vụ liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong đại dịch Covid-19. Đây là sự tha hóa về đạo đức rõ nhất, đau lòng nhất.
Trong cuộc sống ai cũng cần tiền; ai cũng muốn phấn đấu để có một vị trí xã hội nhất định, nhưng nếu mù quáng vì nó là tự đánh mất chính mình, có hại cho Đảng, cho nước. Hơn bao giờ hết ai cũng cần học, làm theo Bác hằng ngày, hằng giờ một cách thiết thực, thực chất nhất, như thế mới quét sạch được chủ nghĩa cá nhân.
Tròn 53 năm Bác Hồ kính yêu về cõi vĩnh hằng, để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta muôn vàn tình thân yêu. Hình ảnh của Người vẫn sáng ngời, vẹn nguyên trong trái tim mỗi người, tiếp thêm cho chúng ta niềm tin yêu cuộc sống để sát cánh bên nhau trên hành trình đổi mới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn mang một giá trị trường tồn, chỉ cho chúng ta biết việc gì cần làm, việc gì phải tránh để hoàn thiện mình.