Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế do HĐNQ LHQ thành lập từ năm 2008. Trước đó, các báo cáo về nhân quyền của các quốc gia chỉ được thông tin về việc thực hiện từng công ước quốc tế về QCN mà mình tham gia. Cơ chế này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, báo cáo không đòi hỏi tất cả thành viên của LHQ thực hiện mà chỉ các quốc gia nào chấp nhận thì thực hiện; báo cáo chỉ được một nhóm chuyên gia xem xét; không có đối thoại công khai, rộng rãi giữa nhóm chuyên gia với đại diện các quốc gia… Nói cách khác, cơ chế báo cáo theo các công ước thiếu tính dân chủ và công khai, minh bạch, công bằng. Cơ chế UPR khắc phục những hạn chế trên. Đây là cơ chế công khai rà soát (định kỳ) về tình hình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ. Theo cơ chế UPR, báo cáo quốc gia được trình bày trước HĐNQ LHQ.
Theo thông lệ, báo cáo được gửi trước đến các thành viên của HĐNQ LHQ. Tại phiên họp của hội đồng, đại diện Việt Nam tập trung làm rõ việc thực hiện 175 khuyến nghị (trong tổng số 182) từ chu kỳ II (1914, chiếm 96,2%); tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường bảo vệ và thúc đẩy QCN… đồng thời thông tin cập nhật về tình hình bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam trước hội đồng. Báo cáo UPR chu kỳ III, nhấn mạnh những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp; các thành tựu bảo đảm các quyền dân sự chính trị; kinh tế-xã hội và văn hóa. Trên lĩnh vực quyền kinh tế, báo cáo năm nay tập trung làm rõ thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội… Trên lĩnh vực quyền dân sự chính trị, báo cáo làm rõ Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền tiếp cận thông tin, nhất là với thông tin trên internet, mạng điện tử; đời sống tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước Việt Nam bảo hộ và giúp đỡ.
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với hơn 50 triệu người dùng internet…
Tuy nhiên vì những hạn hẹp về thời lượng được sử dụng trên hội trường, vì báo cáo phải nộp sớm 3-4 tháng cho nên UPR lần thứ ba chưa thể cập nhật được những thành tựu về QCN ngày càng được nâng cao ở Việt Nam.
Những thành tựu về QCN của Việt Nam bắt nguồn từ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trên lĩnh vực QCN. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định những cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.
Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, trước hết được thể hiện trong bầu cử, ứng cử. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (năm 2014): Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%; về cơ cấu có: 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 133 đại biểu là phụ nữ, 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ... Hoạt động của Quốc hội trong những năm qua thể hiện rõ tính dân chủ, thẳng thắn, đổi mới theo hướng thực hiện tốt hơn cơ chế “kiểm soát” quyền lực; nhiều vấn đề “nóng” mà dư luận nhân dân quan tâm được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tháng 11-2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay cho nghị định trên lĩnh vực này). Luật này mở rộng và quy định rõ: Quyền của cá nhân bao gồm cả những người đang bị giam giữ, thi hành án được thực hiện các nghi thức, thực hành tín ngưỡng; quyền của người nước ngoài về tín ngưỡng, tôn giáo ở tại Việt Nam...
Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Năm 2018, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019). Luật này nhằm bảo đảm môi trường an ninh trên internet, mạng xã hội cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có thể khẳng định rằng, quyền tiếp cận thông tin không chỉ được bảo đảm đầy đủ cho người dân Việt Nam mà cả đối với người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay đều có sóng của những hãng thông tấn, báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… Qua internet, người dân Việt Nam ngày nay có thể tiếp cận tin, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, như: AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo... Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Hiện tại, Việt Nam có 35 triệu người sở hữu tài khoản Facebook; trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, mạng Facebook ở Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực và là quốc gia có lượng người dùng internet lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á.
Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, ứng phó với thông tin giả, thông tin xấu độc đang là vấn đề “nóng”. Bên cạnh những mặt tích cực, hai trang mạng xuyên biên giới là Google và Facebook còn chứa nhiều thông tin xấu độc về tư tưởng, chính trị, thông tin lừa đảo, vi phạm đạo đức, lối sống.
Nhìn từ lăng kính nhân quyền, việc bảo đảm môi trường thông tin trung thực, đa dạng, lành mạnh cũng cần thiết như bảo đảm thực phẩm sạch, thực phẩm “oganic” (hữu cơ) làm món ăn tinh thần cho người dân.
Trong hai năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube. Theo Bộ TT&TT, tỷ lệ gỡ bỏ các clip xấu độc được khoảng 90-95% (xấp xỉ 8.000 clip). Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Nói đến thành tựu bảo đảm QCN không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Còn nhớ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới tham gia ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”, năm 1989. Hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các địa phương thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức, sau 7 năm triển khai đã quyên góp được 90 tỷ đồng, hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 2.700 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về quyền của nữ giới, từ năm 2010 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 40 đạo luật; trong đó, quyền của nữ giới được lồng ghép đầy đủ trong hệ thống pháp luật quốc gia. Trong lĩnh vực lao động-việc làm, hiện nay lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao và đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%.
Về tín nhiệm của Việt Nam với LHQ nói chung, với HĐNQ LHQ nói riêng, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam từng được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009). Sau nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam còn được Đại hội đồng LHQ tín nhiệm bầu vào HĐNQ (nhiệm kỳ 2014-2016). Hiện nay Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (nhiệm kỳ 2015-2019) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2017-2021). Tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ ngày 7-6-2019, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với tỷ lệ 192/193 phiếu. Với kết quả này, Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Với việc tôn trọng và bảo đảm QCN trong thực tế, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, Việt Nam ngày nay đã lọt vào tốp 10 “Quốc gia đáng sống” trên thế giới (tăng 8 bậc so với năm ngoái). Nhận xét về Việt Nam, đại diện Ngân hàng HSBC cho rằng: Việt Nam ngày nay là một lựa chọn tuyệt vời cho những người nước ngoài giàu kinh nghiệm, “bởi nền văn hóa đầy màu sắc, bởi bị thuyết phục của người dân bản địa thân thiện và sự cân bằng cuộc sống. Ở Việt Nam, nhiều người nhận được mức lương cao trong khi chi phí sinh hoạt tương đối thấp, cho phép họ thoải mái hơn trong chi tiêu để tận hưởng những sản phẩm, dịch vụ... mà Việt Nam cung cấp".
TS CAO ĐỨC THÁI
Theo qdnd.vn