Theo các cơ quan chuyên môn, tình hình mưa bão năm nay được dự báo không quá khắc nghiệt như những năm gần đây. Dẫu vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai phải đảm bảo tính hiệu quả, cụ thể và thực chất. 

Chủ động để phòng, chống thiên tai hiệu quả
Chủ động để phòng, chống thiên tai hiệu quả

Hoàn tất các phương án ứng phó

Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi. Nhận định từ nay đến cuối năm, mưa bão sẽ không quá khắc nghiệt như các năm gần đây. Tuy nhiên, tình hình thiên tai lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Theo đó, dự báo từ nay đến cuối năm có 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có 1 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh. Bão được dự đoán không quá mạnh, nhưng có sự thay đổi bất thường về cường độ và quỹ đạo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa các tháng hầu hết ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 20%. Tuy nhiên, trong các đợt mưa không ngoại trừ xuất hiện những cơn mưa lớn bất thường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất ở vùng ven suối, đồi núi...

Kiểm tra trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai tại hồ chứa nước Suối Dầu. 
Kiểm tra trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai tại hồ chứa nước Suối Dầu. 

Để chủ động phòng, chống, đến nay, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã hoàn tất phương án ứng phó thiên tai. Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Quyền Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, trong công tác ứng phó thiên tai, thị xã chủ yếu tập trung nhân lực, vật lực vào việc tổ chức, sắp xếp, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền tránh trú bão tại khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải với sức chứa khoảng 300 tàu. Các phương án di dời người dân nuôi trồng thủy sản trên khoảng 130 bè nuôi cũng đã được tính toán chi tiết. Ngoài ra, địa phương có các hồ chứa nước lớn như: Đá Bàn, EaKrongRou, Tiên Du và hệ thống sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản của Nhà nước, nhân dân trong tình huống mưa lớn kéo dài, nước trên sông, hồ tăng nhanh. Ngoài lực lượng tại chỗ, địa phương cũng ký kết các phương án phối hợp với lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn nhằm trợ giúp kịp thời khi xảy ra thiên tai. Thị xã cũng kiến nghị tỉnh xem xét, cân đối nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án, công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.


Tại TP. Nha Trang, công tác chủ động ứng phó chủ yếu tập trung vào các khu vực xung yếu về lũ quét, sạt lở đất ở các xã, phường: Phước Đồng, Vĩnh Trường, Phước Hòa…; nguy cơ ngập nước tại các vùng trũng thấp và công tác đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại Cảng cá Hòn Rớ...

Theo các địa phương, thực tiễn ứng phó thiên tai cần thêm các thiết bị như: Dây thừng, thiết bị bắn dây mồi và thêm nhiều nhà bạt, máy phát điện so với số lượng được phát. Ngoài ra, tỉnh cũng cần bố trí kinh phí để thực hiện các đợt diễn tập phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai trong từng tình huống cụ thể.

Phải cụ thể và hậu kiểm

Tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương rà soát công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai năm 2023, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với các địa phương về một số phương án cụ thể trong quá trình ứng phó trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Ông nhấn mạnh, việc di dời khoảng 63.000 hộ dân ở các điểm có nguy cơ mất an toàn do thiên tai trên toàn tỉnh đến nơi tránh trú, ngoài phương pháp, lực lượng, phương tiện, các địa phương phải tổ chức kiểm tra, hậu kiểm kỹ càng tại các điểm di dời, nhất là đảm bảo điều kiện về điện, nước, vệ sinh, y tế, thực phẩm, an ninh trật tự… Đối với các điểm xung yếu về sạt lở đất, lũ quét, ngầm, cầu tràn, cần tính toán cụ thể ca kíp, trang thiết bị, lương thực, phương tiện… cho lực lượng túc trực ở các chốt chặn. Ngoài đảm bảo an toàn cho tàu bè ở 4 khu neo đậu tránh trú bão trên toàn tỉnh và 30 khu neo đậu tạm thời có thể làm nơi tránh trú cho các xuồng, ghe nhỏ, các phương án ứng phó thiên tai cũng cần tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho gần 1.900 lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị, địa phương cũng cần cập nhật những điểm xung yếu về sạt lở đất, lũ quét... cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, lực lượng tại chỗ tham gia phòng, chống thiên tai mỗi xã có trung bình 60 người, cùng với các lực lượng xung kích, trên toàn tỉnh có khoảng 14.500 người, chủ yếu là quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên… cùng với các phương tiện, công cụ hỗ trợ công tác sơ tán dân đã được tính toán, chuẩn bị và khi cần có thể huy động ngay. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị cũng cần thường xuyên kiểm tra, vận hành thử máy móc, trang thiết bị đảm bảo hoạt động tốt để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Từ năm 2020 đến 2022, UBND tỉnh đã cấp phát cho các địa phương 2.500 phao áo cứu sinh, 2.500 phao tròn cứu sinh, 21 nhà bạt, 30 bè nhẹ cứu sinh, 2 máy phát điện, 1 xuồng,  2 máy bơm chữa cháy, 1 thiết bị khoan cắt... để phòng, chống thiên tai.

HỒNG ĐĂNG

Hoàn tất các phương án ứng phó Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi. Nhận định từ nay đến cuối năm, mưa bão sẽ không quá khắc nghiệt như các năm gần đây. Tuy nhiên, tình hình thiên tai lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Theo đó, dự báo từ nay đến cuối năm có 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có 1 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh. Bão được dự đoán không quá mạnh, nhưng có sự thay đổi bất thường về cường độ và quỹ đạo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa các tháng hầu hết ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 20%. Tuy nhiên, trong các

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn