Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (Ảnh THÀNH AN) |
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của KH-CN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua?
- Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động KH-CN. Việc phát triển, ứng dụng KH-CN là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động KH-CN của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược; khoa học xã hội và nhân văn…. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, sáng chế, sáng kiến khoa học - kỹ thuật đã được áp dụng vào đời sống, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân; nhiều nhiệm vụ KH-CN là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các ngành, địa phương và đơn vị trong tỉnh xây dựng, triển khai tốt các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Bên cạnh đó, tiềm lực KH-CN tỉnh từng bước được nâng lên; quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có nhiều đổi mới; hợp tác vùng, trong nước và quốc tế được chủ động triển khai, đẩy mạnh...
- Để đẩy mạnh hoạt động KH-CN, đặc biệt là KH-CN phục vụ phát triển kinh tế biển, tỉnh sẽ tập trung triển khai những nội dung quan trọng nào, thưa ông?
- Triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của KH-CN và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh xác định tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân. Bên cạnh đó, phát triển KH-CN nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, kiểm soát tài nguyên biển; phát triển toàn diện kinh tế biển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế biển - đảo; tham mưu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xây dựng thí điểm triển khai các cơ chế đặc thù trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao, hợp tác nghiên cứu, ứng dựng trong lĩnh vực biển và đại dương trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tỉnh và thành lập, phát triển Quỹ hỗ trợ và phát triển nghề cá Khánh Hòa; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư trong lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao. Cùng với đó, tập trung xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Khu Kinh tế Vân Phong để xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, quy mô công nghiệp của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam ở vịnh Vân Phong. |
- Vậy, giải pháp nào để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh, thưa ông?
- Để KH-CN trở thành động lực cho phát triển kinh tế biển của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình KH-CN phục vụ phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đề ra 6 nhóm giải pháp chính để phát triển, gồm: Phát triển nghiên cứu về hải dương học phục vụ phát triển kinh tế biển cho 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (khu vực vịnh Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong và TP. Nha Trang); nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế ở tỉnh; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tách chiết và sản xuất các hợp chất thiên nhiên có giá trị cao trong sinh vật biển, rong biển phục vụ chế biến thực phẩm, dược liệu, y học.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô bị suy thoái, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước thông qua cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng liên quan.
Để chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam năm 2023, với chủ đề “KH-CN và đổi mới sáng tạo –- nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”, UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có chuỗi các hội thảo khoa học quan trọng được tổ chức trong ngày 18-5.
Cụ thể, hội thảo – giao lưu khoa học với chủ đề “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa”. Bên cạnh tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả về các giải pháp, các ý tưởng phát triển KH-CN để thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh, hội thảo còn tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, chuyên gia khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Các hội thảo khoa học kết nối cung cầu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa, với các chủ đề: “Công nghệ nuôi biển”, “Kinh tế số trong phát triển kinh tế biển”. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tham mưu một số nhiệm vụ, giải pháp để phát huy tiềm lực KH-CN biển đạt trình độ khu vực và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, có kỹ năng nghề biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển của đất nước; đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến KH-CN sạch, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo quản các đối tượng thủy sản đánh bắt xa bờ trên vùng biển của tỉnh; bảo tồn, khai thác hợp lý các hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên sinh vật biển; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng trong xây dựng và phát triển kinh tế biển xanh ở Khánh Hòa.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG - QUANG VIÊN (Thực hiện)
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) đã có nhiều đóng góp tích cực, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, trong đó có phát triển kinh tế biển. Nhân ngày KH-CN Việt Nam 18-5, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về vấn đề này.