Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại hội thảo. |
Báo động tình trạng suy giảm chim yến
Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của quần thể chim yến. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt chim yến đang làm suy giảm đàn chim yến. Theo thống kê của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ năm 2019 đến nay, tình trạng săn bắt chim yến khiến đàn chim yến toàn tỉnh suy giảm mạnh. Trung bình mỗi năm, công ty phát hiện hơn 50 vụ bắt bẫy chim yến, giải cứu hơn 3.000 con chim yến. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Quản lý bảo vệ của công ty đã 20 lần xử lý các hành vi này. Tình trạng săn bắt chim yến tận diệt không chỉ làm suy giảm chim yến trong nhà mà còn gây nguy hại cho quần thể chim yến đảo thiên nhiên.
Lực lượng bảo vệ Công ty Yến sào Khánh Hòa giải cứu chim yến bị bẫy. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: “Yêu cầu đặc biệt quan trọng của hội thảo lần này là bên cạnh việc thu thập thông tin về bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo, chúng ta cùng xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành nghề chim yến đảo. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá, thảo luận các nguyên nhân làm suy giảm quần thể chim yến đảo trong thời gian qua; đề xuất cách bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý hiếm, đưa ra giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững quần thể chim yến đảo ở nước ta”.
Nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành nghề yến sào
Từ thực trạng suy giảm đàn chim yến, cần phải có những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng này. Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, yến sào đảo yến thiên nhiên có giá trị kinh tế cao, là nguồn tài nguyên quý hiếm nên việc giữ gìn và phát triển nguồn gen chim yến đảo là rất cần thiết và cấp bách. Nguồn gen này còn là tài sản quốc gia, nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen này cần ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Khai thác yến sào. Ảnh Công ty Yến sào Khánh Hòa cung cấp. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, phát triển bền vững quần thể chim yến đảo là cơ sở để phát triển bền vững nguồn lợi tổ yến có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Khai thác bền vững cần tính toán để nguồn lợi quý từ thiên nhiên này không bị suy giảm trong tương lai. Vì vậy, ông đề xuất một số giải pháp ưu tiên như bảo vệ nguồn lợi yến đảo, tăng cường các giải pháp kỹ thuật bảo vệ và mở rộng môi trường làm tổ trong hang yến, giảm áp lực sóng, bảo vệ khu vực làm tổ của chim trong hang; đồng thời khai thác tổ yến thích hợp, quy hoạch duy trì các vùng kiếm ăn cho chim yến đảo và chủ động tạo thức ăn bổ sung cho chim…
Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa kiến nghị: “Công ty mong muốn UBND tỉnh thành lập Hội bảo vệ chim yến, đưa ra các quy định nghiêm ngặt xử phạt các hành vi săn bắt, vận chuyển, mua bán, chế biến chim yến; chỉ đạo các địa phương tiến hành xây dựng hương ước bảo vệ chim yến để người dân sống trong vùng có chim yến tham gia bảo vệ chim yến. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chim yến đảo, gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng, an ninh; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến”.
Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển bền vững cho quần thể đàn chim yến, các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất phương án quy hoạch vùng thức ăn cho chim yến đảm bảo giảm sự cạnh tranh về nguồn thức ăn giữa chim yến đảo và chim yến nuôi trong nhà; giảm số lần thu hoạch, nghiên cứu thời gian thu hoạch tổ yến thích hợp...
Kết luận hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng đánh giá, hội thảo mang ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề định hướng, xây dựng chiến lược phát triển bền vững nghề nuôi chim yến đảo trong tương lai, góp phần vào sự bảo tồn và phát triển quần thể chim yến đảo quý hiếm. Điều này mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt có hiệu quả trực tiếp cho các địa phương và người dân ven biển, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán chim yến trái pháp luật trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần thực hiện khai thác tổ yến khoa học, hiệu quả để bảo vệ quần thể đàn chim yến phát triển ổn định, bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển ngành nghề nuôi chim yến...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trình bày 9 tham luận về: Thực trạng phát triển và quản lý nuôi chim yến; bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa; một số định hướng phát triển bền vững nghề khai thác tổ yến tại Việt Nam hiện nay; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển quần thể chim yến đảo; hiện trạng, thách thức và giải pháp cho phát triển bền vững quần thể chim yến đảo ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; khai thác hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên yến sào, góp phần phát triển kinh tế cộng đồng và bảo vệ an ninh biên phòng; nâng cao chất lượng sản phẩm yến sào sau thu hoạch phục vụ công tác xuất khẩu.
ĐÌNH LÂM
Ngày 6-7, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”. Tham dự hội thảo có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…