Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là Quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. 80 năm kể từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, trưởng thành, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944--22/12/2024)
80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944--22/12/2024)

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại Cao Bằng. Sau ngày thành lập, đội xuất quân và giành thắng lợi giòn giã trong hai trận đánh, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Chỉ với lực lượng nhỏ, vũ khí trang bị còn thô sơ nhưng ngay từ lần đầu ra quân đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đội quân chủ lực đó đã lập nên chiến công vang dội, mở đầu truyền thống “đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước, thành Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quân đội ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.


Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước một đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự của dân tộc, dựa chắc vào nhân dân, tìm lối đánh thích hợp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vừa đánh vừa bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự, từ đánh nhỏ lên đánh lớn, đánh chính quy. Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva (Giơnevơ), lập lại hòa bình ở Đông Dương, rút quân về nước, miền Bắc được giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc: Lần đầu tiên trên thế giới, ở một nước thuộc địa, một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của đế quốc thực dân.


Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, việc “tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy và hiện đại” được đẩy mạnh. Cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trụ cột vững chắc bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Trong cuộc đụng đầu lịch sử chống đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn biết đánh thắng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, từng bước vô hiệu hóa sức mạnh của địch, làm cho chúng không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị hiện đại, bị căng kéo khắp các chiến trường, càng kéo dài chiến tranh càng bị sa lầy vào “đường hầm không lối thoát”.
Qua thực tiễn, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng sắc bén, hoàn thiện, làm thất bại các chiến lược chiến tranh đầy tham vọng của địch. Cùng với quân và dân miền Nam, quân và dân miền Bắc cũng liên tục đánh bại các đợt tiến công leo thang và những nỗ lực chiến tranh cao nhất của hải quân và không quân Mỹ. Bộ đội chủ lực sát cánh cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân chiến đấu, tiêu diệt nhiều loại máy bay, tàu chiến hiện đại của địch. Đặc biệt là thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội (tháng 12/1972) đã góp phần quyết định buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do của mỗi nước, giành những chiến thắng vang dội. Hình ảnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trong những năm chiến đấu gian khổ, hy sinh trên đất nước bạn mãi mãi là hình ảnh không phải mờ, tiêu biểu cho tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, cao đẹp.


Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chúng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.


Bước vào thời kỳ mới, phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quân đội đã thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, Quân đội đã thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Trong đó, tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước; tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị trên các địa bàn, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia giúp dân phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Quân đội luôn chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, xử lý tốt các tình huống về quốc phòng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, hoạch định đường lối chiến lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


Cán bộ, chiến sĩ thế hệ hôm nay đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, niềm vinh dự, tự hào, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh, gọn, mạnh, hiện đại trong tình hình mới, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Theo TTXVN

 

    (1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 435

    (Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại Cao Bằng. Sau ngày thành lập, đội xuất quân và giành thắng lợi giòn giã trong hai trận đánh, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Chỉ với lực lượng nhỏ, vũ khí trang bị còn thô sơ nhưng ngay từ lần đầu ra quân đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đội quân chủ lực đó đã lập nên chiến công vang dội, mở đầu truyền thống “đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu

Tin khác cùng chủ đề

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2023
Đây mùa mong ước
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh  Khánh Hòa:  Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng tại Quảng trường 2 tháng 4
Khai mạc Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024
Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2024)  Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Gửi bình luận của bạn