Và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thành tâm và hiệu quả nhất, thật sự xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để công việc của chúng ta thấm đẫm đạo lý cao cả và tính nhân văn thiêng liêng. Điều cần khắc sâu là, làm gương hay nêu gương và noi gương là một trong những phương diện quan trọng, để Đảng không chỉ tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của mình, mà còn thiết thực xây dựng Đảng về đạo đức (thành tố thứ tư về xây dựng Đảng được Đại hội XII của Đảng phát triển, bổ sung). Đó cũng là cách chúng ta thực hiện khẳng định và lời di huấn của Người: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người trong nhiều tư cách: Một con người, một lãnh tụ, một chiến sĩ đấu tranh vì sự giải phóng và tiến bộ của dân tộc và loài người, thực sự là tấm gương vĩ đại. Nhưng trên hết ở Người là trọn vẹn một cuộc đời nghiêm cách và chân thành thực hành nêu gương và noi gương.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và đào luyện. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Trong 13 năm qua, Đảng ta ban hành 3 chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị khóa X, về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảng chúng ta và mỗi đảng viên của Đảng noi gương Người. Đó chính là cách chúng ta làm người lãnh đạo đồng thời là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, để ngày càng xứng đáng dẫn dắt dân tộc và để làm người chiến sĩ tiền phong của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Và, đến lượt mình, noi gương Người về làm gương và nêu gương, với tất cả tư cách ấy, Đảng ta học Người về làm gương và nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, với 7 nội dung nêu gương. 4 năm sau đó, ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày 25-10-2018, ở tầm vóc cao nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói, chính là để Đảng làm gương và nêu gương ngày một xứng đáng hơn trước nhân dân và toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Hiếm thấy một đảng cộng sản và công nhân nào trên thế giới “xuất thân” và mang tư cách “con nòi” của “giai cấp lao động” như Đảng ta. Ở đây, điều mà ít ai dụng tâm tới ý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói, rằng là “con nòi” thì Đảng có noi gương “giai cấp lao động” không hay Đảng chỉ là một tổ chức, như Người cảnh báo, để ai đó chui vào “thăng quan phát tài”, làm những “ông quan bà tướng”, “lên mặt quan cách mạng”, thậm chí còn làm những “ông vua con”, coi khinh quần chúng”...?
Vậy, Đảng có cần noi gương nhân dân không? Không thể không! Không đứa “con nòi” nào mà không noi gương cha mẹ, khởi thủy phải lấy nơi “xuất thân” của mình mà soi. Đó là sự linh thiêng của đạo lý Việt Nam. Đảng ta như thế, “là đạo đức, là văn minh”. Trái thế, là vô đạo đức, vô đạo lý!
Vấn đề này, khi lý giải về dân chủ, Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn, súc tích là "dân làm chủ" và "dân là chủ". Trong nước dân chủ, thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, hỏi dân, học dân và làm cho dân. Hồ Chí Minh nói: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng”. Người nói tiếp: “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Vì vậy, Người dặn: “Đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”.
Có lẽ không ít cán bộ, đảng viên chưa xứng làm gương, nêu gương, thì trước hết phải chăng, cần học lấy điều tối thiểu này: Thành tín noi gương nhân dân mới có thể nêu gương sáng và toàn vẹn được.
Lại có thể nói, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là noi gương nhân dân! Đó là con đường ngắn nhất nhưng cầu thị nhất để tự mình làm gương và bàn chuyện và hành động nêu gương!
Đến lượt mình, đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nghĩa là Đảng cần biết nêu gương! Người nào muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương. Đó cũng là một trong những cách lãnh đạo tốt nhất của Đảng. Đó cũng là một trong những nhân tố làm nên đạo đức, văn minh của Đảng. Nói như cổ nhân: Muốn ướp mặn được người khác thì tự mình phải trở thành muối!
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chúng ta thực thi 3 quyết sách của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nên vấn đề nêu gương và noi gương càng có ý nghĩa to lớn.
Hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta noi gương Người, để thực sự xứng đáng làm gương và nêu gương, nên làm những gì? Trước mắt, phải được thể hiện trên cả 4 mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc và đối với tổ chức. Đối với mình, là đảng viên, lại là người lãnh đạo, “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”; tự mình phải là “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”, “Cần, kiệm, liêm, chính”. Rằng, ngọc không bán rao. Rằng, liêm sỉ thượng tôn! Rằng, danh dự tối thượng!
Ðối với người, phải thành tín, khiêm nhường, khoan dung, độ lượng và lễ phép. Nói như cổ nhân, dòng sông sâu thường lặng sóng, bông lúa mẩy hạt thường cúi đầu. Rằng, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Rằng, ta yêu kính người thì người kính yêu ta.
Đối với việc, phải tiên phong đảm trách, phải hành động làm đầu, lấy trách nhiệm làm căn bản, nghĩa là phải luôn giữ vững nguyên tắc: “Dĩ công vi thượng”, phải: “Chí công vô tư”, phải có cái gan dám hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Đối với tổ chức, hơn ai hết phải tuyệt đối trung thành, phải dũng cảm và tuân thủ, phải ngay thẳng và trong sạch.
Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cấp nào, ở các đảng bộ chúng ta, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự mình xứng đáng làm gương để nêu và noi gương tốt hơn, thiển nghĩ, hãy lấy gương Người và 3 quy định thành tâm tự soi, tận sửa mình.
Và, nghiêm cách soi mình trong mắt nhân dân!
Một lần nữa nhắc lại lời Bác Hồ trong Di chúc của Người: “... Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nêu gương và noi gương như thế, để xứng đáng với sự tin cậy và gửi gắm của Người đối với mỗi cán bộ, đảng viên; cũng chính là một vấn đề quan trọng của công việc xây dựng Đảng về đạo đức vậy!
NHỊ LÊ (nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)
Theo qdnd.vn