Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, sáng 13/12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hộiTòng Thị Phóng, Quốc hội đã cho ý kiến Về việc xây dựng Nghị định về hoạt động triển lãm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chủ trương ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chủ trương ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, sáng 13/12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hộiTòng Thị Phóng, Quốc hội đã cho ý kiến Về việc xây dựng Nghị định về hoạt động triển lãm.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức triển lãm. Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật, năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 tăng lên là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố). Năm 2016 thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm.

Nhìn chung mặt tích cực của hoạt động triển lãm trong những năm qua là đã góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; là hoạt động hiệu quả giúp tổ chức, cá nhân trong việc công bố, phổ biến tác phẩm, sản phẩm văn hóa; góp phần gìn giữ, quảng bá những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và những giá trị nhân văn, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cũng như những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Thực tiễn hoạt động triển lãm nêu trên cho thấy những quy định về quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây chủ yếu mới chỉ dừng ở phạm vi triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm với rất nhiều loại hình, nội dung triển lãm khác, vì thế nếu không bổ sung, ban hành văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý hoạt động triển lãm sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay hầu hết các địa phương đều kiến nghị sớm xây dựng và ban hành quy định về hoạt động triển lãm để đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động triển lãm.

Tờ trình cũng cho biết, ngày 28 tháng 11 năm 2016, Chính phủ đã có Tờ trình số 565/TTr- CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến về việc xây dựng và ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm. Ngày 17 tháng 4 năm 2017, Chính phủ đã có công văn số 3778/VPCP-KGVX ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm. Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 20 điều.


Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay thực tế còn có một số hoạt động triển lãm chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như: triển lãm có nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, thể dục, thể thao, gia đình, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, khoa học, công nghệ, thiết kế sáng tạo; triển lãm tổng hợp nhiều nội dung, tổng hợp nhiều hình thức trưng bày hoặc tổng hợp nhiều loại tài liệu trưng bày, không nhằm mục đích thương mại… Thêm vào đó, nhiều triển lãm có nội dung phức tạp, nhạy cảm cần thiết phải có các quy định pháp luật để điều chỉnh.

Từ đó, Ủy ban cho rằng cần thiết phải xây dựng luật để thống nhất các quy định về hoạt động triển lãm ở những văn bản khác nhau, đồng thời bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa xây dựng luật, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động triển lãm cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Ủy ban thẩm tra đánh giá, hồ sơ Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, quy trình xây dựng văn bản và việc xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Về phối hợp giữa các cơ quan liên quan, Ủy ban cho rằng, có không ít triển lãm có sự đan xen giữa yếu tố thương mại và yếu tố phi thương mại. Việc xác định đúng tính chất triển lãm để áp dụng theo quy định pháp luật là không đơn giản. Không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xin nhiều giấy phép triển lãm của các cơ quan khác nhau để tổ chức triển lãm, làm gia tăng thủ tục hành chính, gây tốn kém về thời gian và chi phí. Để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động triển lãm, Ủy ban cho rằng Nghị định cần phải có một điều quy định việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cấp giấy phép trong trường hợp triển lãm có cả yếu tố thương mại và phi thương mại.

Về hội đồng thẩm định nội dung triển lãm, Điều 10 dự thảo mới chỉ quy định về thẩm quyền và tổ chức của Hội đồng thẩm định. Ủy ban đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và quy trình thẩm định nội dung triển lãm.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cơ bản tán thành với việc cần phải có một Nghị định để quy định về vấn đề triển lãm. Phạm vi của nó không chỉ có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trong phạm vi điều chỉnh của nghị định này còn liên quan đến cả vấn đề lịch sử, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao và những lĩnh vực khác mà hiện nay chưa có pháp luật quy định. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ như thế nào trong Nghị định.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vấn đề này chưa có luật quy định về phạm vi, mà các nội dung đề xuất về vấn đề triển lãm lại chưa thực sự rõ. Chính vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng đây là nội dung phải xem xét thẩm tra một cách rất kỹ lưỡng, bởi vì theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay có quy định Chính phủ chỉ được hướng dẫn cụ thể những điều trong luật chưa quy định. Khi có liên quan tới các đạo luật khác thì Ủy ban thẩm tra phải trình kỹ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Tán thành với Chủ trương ban hành Nghị định, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong Nghị định này quy định ở Điều 1 phạm vi điều chỉnh là tất cả các triển lãm về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, thể dục, thể thao, gia đình, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, khoa học, công nghệ, thiết kế sáng tạo, triển lãm. Tổng hợp nhiều nội dung, nhiều thứ, trừ mỹ thuật, nhiếp ảnh, thương mại, xuất bản và bảo vật, trừ những lĩnh vực có văn bản rồi còn tất cả những gì chưa có văn bản nói đến triển lãm là trong này hết. Nhưng xem xét hồ sơ thì phạm vi này mới được tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp sau ngày 3/3/2017. Trước ngày 3/3/2017 Bộ làm rất cẩn thận và rất chi tiết nhưng lúc đó bộ chỉ trình Chính phủ vấn đề triển lãm các lĩnh vực do bộ quản lý, tức là văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, du lịch, thể dục, thể thao và gia đình chưa bao gồm nội dung triển lãm về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại để đảm bảo phạm vi điều chỉnh một cách cụ thể và chính xác.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhất trí chủ trương cần ban hành nghị định về triển lãm. Đề nghị giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị và có ý kiến chính thức trong hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về phạm vi điều chỉnh của nghị định, đối tượng điều chỉnh của nghị định, thủ tục điều kiện để thực hiện nghị định, kể cả việc cấp phép. Đồng thời, Nghị định cũng cần quy định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước nói chung về lĩnh vực tư tưởng văn hóa liên quan đến triển lãm, nhưng đồng thời quan hệ phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý triển lãm ở các lĩnh vực.

Theo quochoi.vn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, sáng 13/12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hộiTòng Thị Phóng, Quốc hội đã cho ý kiến Về việc xây dựng Nghị định về hoạt động triển lãm. Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức triển lãm. Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật, năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 tăng lên là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố). Năm 2016 thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm.

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn