Báo cáo thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển của Viện, PGS, TS Nguyễn Vũ Việt-Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam-cho biết, kể từ ngày đầu thành lập năm 1959, với lực lượng và cơ sở vật chất hạn chế, cán bộ của Viện đã tập trung nghiên cứu, thí nghiệm hàn khẩu đê chống lụt để chủ động đối phó với thủ đoạn ném bom phá hoại đê điều trong mùa lũ khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc; tổ chức nghiên cứu về thủy nông, chống xói mòn đất, xử lý nền đất yếu, chỉnh trị sông, nghiên cứu các loại vật liệu xây dựng phục vụ việc phục hồi, tu sửa, xây mới các công trình.
Trong giai đoạn nước nhà mới thống nhất, cùng với việc đẩy mạnh nhiều mặt hoạt động phục vụ phát triển kinh tế và xây dựng các công trình trọng điểm ở miền Bắc, nhiều cán bộ chủ chốt của Viện đã sớm tỏa đi các vùng miền còn nhiều khó khăn ở miền Trung, miền Nam, đặc biệt là vùng đất chua phèn, nhiễm mặn, ngập úng, hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long… xác định các nhiệm vụ thủy lợi cho vùng đất đầy tiềm năng, vùng cây công nghiệp, sản phẩm thủy sản và vựa lúa tương lai của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ. |
Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ của Viện tập trung xác định một số hướng nghiên cứu trọng tâm trên cơ sở kế thừa các thế mạnh và nền tảng về khoa học của Viện đã được xây dựng từ trước để từng bước giải quyết các vấn đề: Tính toán, dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, chú trọng các vùng trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên, đồng bằng sông Hồng; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi; thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện được hình thành có định hướng thành các cụm nhóm nhiệm vụ để giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn đang đặt ra, như: Sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long; cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; an ninh nguồn nước; an toàn hồ đập và hạ du… Nhờ đó, các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện đã đáp ứng các yêu cầu của thực tế, phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch, quản lý, điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thủy lợi tuy không trực tiếp mang lại lợi nhuận, nhưng có đóng quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, nhất là mang lại cuộc sống ổn định, thu nhập cho người làm nông nghiệp. Trong 60 năm hình thành và phát triển, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để trở thành một cơ quan nghiên cứu với nhiều chuyên gia hàng đầu cả nước về khoa học công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực Thủy lợi. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng của Viện có tính thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Năng lực nghiên cứu, chất lượng đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy lợi cũng luôn được Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam quan tâm tăng cường.
“Tôi đánh giá cao sức lao động sáng tạo, sự chủ động, khắc phục khó khăn của tập thể Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành thủy lợi nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đội ngũ hơn 1.000 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, đào tạo của Viện với năng lực, trình độ chuyên môn cao trở thành vốn quý của nền khoa học nước nhà đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng, thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Những thành tích và đóng góp quý báu của Viện đã được Đảng, Nhà nước, xã hội ghi nhận và đã được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những đóng góp của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn của nước ta ngày càng cực đoan, khác biệt, dị thường, khó lường, không theo quy luật; hậu quả của biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, … ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những thách thức trên đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ khó hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như ngành thủy lợi, trong đó có Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam. |
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Viện cần tiếp tục quán triệt, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nghiên cứu, tham mưu. Tập trung nghiên cứu, giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Tích cực phát triển quan hệ hợp tác nghiên cứu với các cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp; chủ động, tích cực giới thiệu và đưa kết quả nghiên cứu áp dụng rộng rãi; phấn đấu có nhiều đơn vị trực thuộc trở thành những đơn vị tự chủ về tài chính. Chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, kết hợp nghiên cứu hàn lâm với nghiên cứu triển khai; tiếp tục hoàn thiện các công nghệ đã được nghiên cứu, ứng dụng nhất là các công nghệ dễ áp dụng vào thực tiễn; hiện đại hóa cơ sở vật chất đi đôi với xây dựng, củng cố đội ngũ nghiên cứu viên; nâng cao năng lực công bố quốc tế; tiếp tục mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của các nước trên thế giới. Không ngừng quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, nghiên cứu…
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với bề dày truyền thống và đội ngũ cán bộ khoa học nhiệt huyết, có trình độ cao, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm với vị thế là trung tâm hàng đầu của cả nước về khoa học công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực thủy lợi.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao 4 Huân chương Lao động hạng Nhì, 3 Huân chương Lao động hạng Ba tặng 7 cá nhân của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 1 tập thể; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trao 14 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 4 tập thể và 10 cá nhân của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG
Theo qdnd.vn