Thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Hội trường sáng 23/5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định ngành nghề phát triển riêng cho từng đặc khu cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và ưu thế sẵn có, cơ cấu dân cư của từng đặc khu và xu hướng phát triển của thế giới để quy định cho phù hợp
Quy định ngành nghề ưu tiên phát triển cần phù hợp với điều kiện từng đặc khu
Quy định ngành nghề ưu tiên phát triển cần phù hợp với điều kiện từng đặc khu

Thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Hội trường sáng 23/5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định ngành nghề phát triển riêng cho từng đặc khu cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và ưu thế sẵn có, cơ cấu dân cư của từng đặc khu và xu hướng phát triển của thế giới để quy định cho phù hợp

Về ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, bên cạnh quy định tại điều 16 và quy định danh mục chi tiết tại phụ lục I, II, III, dự thảo Luật đã bổ sung ngành, nghề: dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong.

Thảo luận tại hội trường, có ý kiến đại biểu đề nghị không quy định cụ thể các ngành, nghề ưu tiên phát triển mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu; một số ý kiến đề nghị cần tránh sự dàn trải, trùng lặp về ngành, nghề ưu tiên phát triển giữa các đặc khu. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu.

Rà soát quy định danh mục ngành nghề ưu tiên cho phù hợp

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng – Đoàn đại biểu Tp.Hà Nội, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên gắn với quy hoạch về địa giới hành chính ở mỗi đặc khu để đảm bảo hội tụ đầy đủ sức mạnh, điều kiện cần thiết cho mỗi đặc khu khi muốn cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư. Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị bổ sung 3 lĩnh vực vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy hoạch cho cả ba đặc khu, đó là lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực giáo dục- đào tạo và lĩnh vực y tế.


Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên phát triển tại cả 3 đặc khu

Đại biểu lý giải huy động nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực có yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi họ tham gia đầu tư vào đặc khu. Trong điều kiện hiện nay, càng cần thiết khuyến khích hiện diện nhanh chóng của ngân hàng trong và ngoài nước. Do đó, đại biểu đề nghị, đề xuất đưa lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch xây dựng khu tài chính, ngân hàng cho cả 3 đặc khu. Cùng với đó tại ba đặc khu hiện nay đều thiếu cả thầy lẫn thợ, đặc biệt nguồn lực chất lượng cao thì gần như không có, trong khi nhu cầu lại rất cần và đây cũng là yếu tố rất quan trọng khi nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư. Để tránh hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đưa nhân lực có trình độ thấp từ nước ngoài đến thì vấn đề khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu đối với tất cả các đặc khu. Đối với lĩnh vực y tế thì do đây là lĩnh vực đầu tư rất tốn kém, chi phí cao và rất khó thu hút nguồn nhân lực và độ rủi ro rất lớn, nếu không có cơ chế ưu đãi sẽ không thể huy động được nguồn vốn và nguồn lực thực hiện.

Với quan điểm quy định ngành nghề phát triển riêng cho từng đặc khu cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và ưu thế sẵn có, cơ cấu dân cư của từng đặc khu và xu hướng phát triển của thế giới để quy định cho phù hợp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nêu ví dụ, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nằm tại các tỉnh miền Trung và miền Nam là những nơi nóng quanh năm, dịch vụ du lịch hoạt động quanh năm nhưng với Vân Đồn ưu thế về thời gian hoạt động du lịch không bằng, nên cần phát triển thêm ngành nghề ưu tiên khác như dịch vụ tài chính quốc tế, logistics, công nghệ sáng tạo phù hợp phát huy lợi thế nằm trên đường chung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, từ đó phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh tế vùng và giao thương nước láng giềng có chung đường biên giới phía Bắc hoặc với trung tâm kinh tế tài chính khá thuộc khu vực Đông Bắc Á.


Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị rà soát quy định danh mục ngành nghề ưu tiên cho phù hợp với điều kiện của từng đặc khu

Trong khi đó, Phú Quốc ưu thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, có vị trí chiến lược nằm trên tuyến hàng không hàng hải quốc tế sôi động của khu vực và thế giới, Phú Quốc có thể cân nhắc thêm dịch vụ cảng biển. Đồng thời, cần nghiên cứu để có thể quy định và triển khai ngành nghề ưu tiên liên quan đến chống biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở cả ba đặc khu.

Công nghệ sáng tạo và chống biến đổi khí hậu phù hợp phát triển tại Vân Đồn

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cũng cho rằng, rất cần thiết những cơ chế chính sách để ưu tiên phát triển phát triển ngành nghề y tế, giáo dục và đào tạo cho cả 3 đặc khu. Điều này vừa có ý nghĩa về kinh tế vừa có ý nghĩa về xã hội.


Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị bổ sung lĩnh vực công nghệ sáng tạo và chống biến đổi khí hậu ưu tiên phát triển tại đặc khu Vân Đồn

Kiến nghị cụ thể, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên phát triển là y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ sáng tạo và chống biến đổi khí hậu tại đặc khu Vân Đồn do đây là ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng lợi thế so sánh và điều kiện thực hiện của Vân Đồn. Đặc biệt, công nghiệp sáng tạo và chống biến đổi khí hậu là xu hướng phát triển mới của thế giới. Nhiều quốc gia đang quan tâm đến vấn đề chống biến đổi khí hậu và dành nguồn lực cho việc hỗ trợ cho các nước đang phát triển để thực hiện mục tiêu này. Do vậy, nếu quy định ngành nghề ưu tiên phát triển về lĩnh vực này cũng là cơ hội để tiếp cận nguồn lực và đồng thời cũng là thí điểm thể chế và thực hiện các nhiệm vụ biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Phú Quốc

Cho ý kiến về các ngành nghề ưu tiên đầu tư phát triển tại đảo Phú Quốc, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho biết Phú Quốc còn được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với gần 3.000 ha, đây là khu vực đất đa phần là sở hữu của người dân.

Nếu ngành nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đưa vào ngành nghề ưu tiên người dân sẽ mạnh dạn đầu tư và trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi này. Chính sách này không phải nhằm thu hút nhà đầu tư mà tạo điều kiện để dân đảo trực tiếp tiếp cận chính sách vì vậy cần bổ sung ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển.

Đồng thời, về lâu dài Phú Quốc là nơi giao lưu trao đổi tài chính với quy mô lớn, đây là cơ hội lớn để đầu tư phát triển dịch vụ này, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung ngành nghề dịch vụ tài chính ngân hàng vào luật tạo điều kiện cho Phú Quốc cơ hội xây dựng trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng tầm quốc tế đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư và là cơ hội để phát triển kinh tế đất nước.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Phú Quốc

Khánh Hòa đã chuẩn bị đầy đủ cho đặc khu Bắc Vân Phong

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho biết cho tới giờ này thì Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ và tất cả các nội dung liên quan đã trình và đang chờ ý kiến thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp này của Quốc hội.

Về những ngành nghề ưu đãi của Khánh Hòa, đại biểu cho hay, tỉnh đã có văn bản đề nghị nhiều lần và lần này trước Quốc hội tiếp tục đề nghị nên cho Bắc Vân Phong có ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao vì đây cũng là một trong những nội dung rất cần thiết.


Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị ưu đãi ngành nghề về công nghệ cao cho Bắc Vân Phong

Phát biểu cuối phiên thảo luận tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ban soạn thảo bổ sung một số ngành nghề cho các khu như logistics, dịch vụ tài chính của Vân Đồn, hay bổ sung sản xuất sản phẩm chuyển giao công nghệ hải dương, hàng hải, sinh học đối với Bắc Vân Phong. Đối với các ý kiến là đề nghị bổ sung một số lĩnh vực cần ưu tiên như dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch casino y tế giáo dục ở cả 3 đặc khu, Bộ trưởng cho rằng phải tập trung lựa chọn ngành nghề không dàn trải để ưu tiên ưu đãi, không hạn chế và không cấm ngành nghề đó, chỉ là khác nhau mức độ ưu đãi. Nếu coi đó là ngành ưu đãi thì ưu tiên phát triển thành mũi nhọn, còn các ngành không ưu tiên thì vẫn được thực hiện triển khai ở đặc khu./.

Bảo Yến

Theo quochoi.vn

Thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Hội trường sáng 23/5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định ngành nghề phát triển riêng cho từng đặc khu cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và ưu thế sẵn có, cơ cấu dân cư của từng đặc khu và xu hướng phát triển của thế giới để quy định cho phù hợp Về ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, bên cạnh quy định tại điều 16 và quy định danh mục chi tiết tại phụ lục I, II, III, dự thảo Luật đã bổ sung ngành, nghề: dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong. Th

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn