Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát cho năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế...
Một số chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết đề ra như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%....
Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với đa số đại biểu tán thành. Ảnh: TTXVN |
* Trước đó, có một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%. Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%....
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021. Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021.
Ngoài ra, về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế phù hợp nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, việc mở các đường bay quốc tế cần thận trọng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19; các nội dung liên quan cũng đã được thể hiện tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4. Đồng thời, để tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế, xin không tiếp thu nội dung này.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng các giải pháp về giáo dục còn ít, cần bổ sung, thể hiện rõ hơn quan điểm về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Giải trình thêm về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 6 của dự thảo Nghị quyết đã nêu nội dung “Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới”. Đây là hai nghị quyết chuyên đề, đã thể hiện khá đầy đủ, chi tiết các nội dung; trên cơ sở này, Chính phủ sẽ chỉ đạo để triển khai cụ thể trong thực tế.
Toàn văn Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tại đây.
NGUYỄN THẢO
Theo Báo Quân đội Nhân dân điện tử
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2021-643532