Sáng ngày 2/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

Sáng ngày 2/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.


Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, căn cứ Tờ trình số 04/TTr-CTN ngày 20/9/2018 và số 05/TTr-CTN ngày 23/10/2018 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan” (sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP), ngày 05/10/2018 và ngày 25/10/2018, Ủy ban Đối ngoại tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng và phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra Hiệp định theo các Tờ trình trên. Ngày 17/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Căn cứ điều 32 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về phạm vi thẩm tra Điều ước quốc tế, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến thảo luận tại các phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Hiệp định CPTPP đã kế thừa các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được 12 nước ký kết ngày 04/2/2016 nhưng do Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định nên các nước dừng việc phê chuẩn và 11 nước còn lại tiếp tục đàm phán Hiệp định. Trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017, 11 nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định với tên gọi mới là Hiệp định CPTPP và ngày 8/3/2018, Hiệp định CPTPP được 11 nước ký kết tại Thủ đô Santiago, Chi lê.

Mặc dù Hiệp định CPTPP kế thừa những điều khoản của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để phù hợp với phạm vi 11 nước. Đồng thời, Hiệp định CPTPP có một số điều khoản mới xử lý các vấn đề về phê chuẩn, rút khỏi và tham gia Hiệp định. Ngoài ra, trong khuôn khổ đàm phán ký kết Hiệp định CPTPP, các nước thành viên cũng ký kết thỏa thuận song phương với nhau. Theo đó, Việt Nam đã nhận 02 thư về vấn đề kinh tế thị trường, ký 64 thư trao đổi song phương, 02 Bản ghi nhớ với các nước thành viên Hiệp định CPTPP thống nhất một số nội dung được phép áp dụng linh hoạt hoặc có thời gian chuyển đổi nhất định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm, đã xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn và cho rằng mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra

Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP đúng với quy định tại khoản 14 Điều 70, khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác của Luật Điều ước quốc tế. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cơ bản đảm bảo theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế. Đa số ý kiến cho rằng các quy định của Hiệp định CPTPP, các Thư song phương và Bản ghi nhớ không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, nhưng có một số nội dung chưa được quy định tại một số đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của nước ta.

Một số ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu dự họp cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế-xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng bản dự kiến kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP tại phụ lục VII thiếu cụ thể, chưa phân công, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành theo quy định tại Khoản 4, điều 76 Luật Điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó, tại Phụ lục VI Báo cáo của Chính phủ đề xuất danh mục 15 cam kết/nhóm cam kết áp dụng trực tiếp vào thời điểm Việt Nam thông báo Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nội dung thể hiện trong danh mục các cam kết áp dụng trực tiếp chưa đủ rõ, chưa đủ chi tiết và cần có sự đối chiếu, so sánh với các điều khoản tương ứng trong pháp luật hiện hành của Việt Nam. Vì vậy, danh mục các cam kết/nhóm cam kết áp dụng trực tiếp cần phải được chi tiết hóa trong phụ lục kèm theo hồ sơ trình Quốc hội. Đồng thời, cần có đánh giá tác động khi Việt Nam áp dụng trực tiếp các cam kết này và lộ trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản liên quan.

Về cam kết của Việt Nam trong các văn kiện liên quan của Hiệp định CPTPP bao gồm 02 thư về vấn đề kinh tế thị trường, 64 thư trao đổi song phương và 2 Bản ghi nhớ. Đây là những cam kết song phương mà Việt Nam đã thống nhất với các nước thành viên Hiệp định CPTPP về một số nội dung được phép linh hoạt áp dụng hoặc có thời gian chuyển đổi nhất định để thực hiện cam kết. Hồ sơ trình cần làm rõ căn cứ để đưa ra các ngoại lệ trong các cam kết song phương, đánh giá tác động của việc áp dụng các cam kết này. Trong trường hợp các cam kết song phương không thể áp dụng trực tiếp, cơ quan trình cần thuyết minh rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước có liên quan.

Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Hiệp định CPTPP, Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, hiệp định CPTPP không quy định bắt buộc các nước thành viên phải hoàn tất việc hoàn thiện pháp luật quốc gia trước khi phê chuẩn. Tuy vậy, các quốc gia đều phải tiến hành rà soát trước khi phê chuẩn nhằm đảm bảo không xung đột pháp luật nước mình với các nội dung cam kết, tránh rủi ro về pháp lý và những tranh chấp có thể xảy ra. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát một cách chặt chẽ, kết quả rà soát như trình bày ở phần 3. Nhiều ý kiến cho rằng hồ sơ trình chưa thể hiện kế hoạch, thời gian cụ thể sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với một số cam kết có liên quan Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, các cam kết này phải áp dụng ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Do vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan của các đạo luật này. Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung để phù hợp với cam kết của Hiệp định, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Đối với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động cần phải sửa đổi, bổ sung trong khoảng thời gian 3 - 7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực nhưng các nội dung sửa đổi, bổ sung phức tạp, nhạy cảm cần nhiều thời gian để tiến hành theo quy trình, Chính phủ cần khẩn trương triển khai để đảm bảo trình Quốc hội thông qua trước khi hết thời gian bảo lưu.

Qua thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Do vậy, Ủy ban Đối ngoại kính trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành tiếp tục Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân nhằm giảm tác động rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định, đảm bảo khi hết thời hạn tạm hoãn, các nghĩa vụ cam kết được thực thi một cách đầy đủ, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện. Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất của Chính phủ về khả năng ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm cho phù hợp các cam kết theo Hiệp định CPTPP và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tháng 05/2019. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số Nghị định, Quyết định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; chỉ đạo rà soát các văn bản pháp quy do địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các nội dung cam kết.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ xác định thời gian nộp lưu chiểu sau khi hoàn thành bộ Hồ sơ; thông báo hiệu lực đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội do xung đột các quy định pháp luật; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi thông báo Hiệp định có hiệu lực; chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng quá trình triển khai Hiệp định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Ủy ban Đối ngoại kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thu Phương- Nhóm ảnh

Theo quochoi.vn

Sáng ngày 2/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Toàn cảnh phiên họp Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, căn cứ Tờ trình số 04/TTr-CTN ngày 20/9/2018 và số 05/TTr-CTN ngày 23/10/2018 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan” (sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP), ngày 05/10/2018 và ngày 25/10/2018, Ủy ban Đối ngoại tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng và phiên họp toàn

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn