Ngày 05/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm: Đề xuất tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong thực thi chính sách pháp luật
Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm: Đề xuất tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong thực thi chính sách pháp luật
Ngày 05/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.


Quốc hội thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm Ảnh: Đình Nam

Tán thành nhiều nội dung kết quả giám sát về an toàn thực phẩm

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.

Thảo luận tại Hội trường, Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát của Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. Theo đó, trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện đã tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp về an toàn thực phẩm đã được tăng cường. Công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực, hình thành một số vùng sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể; một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm có tiến bộ.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, hệ thống văn bản ban hành chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tế, chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể về phân công chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của Chính phủ, các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp chưa theo kịp với tình hình thực tế, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm khá phổ biến; sử dụng các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thực hiện chưa nghiêm; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, còn yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ, chế biến lạc hậu, giá trị gia tăng thấp; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm nên chưa tạo động lực cho người dân tham gia để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm; liên kết 4 nhà: “nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp” chưa phát huy hiệu quả. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức.

Đề xuất mô hình cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm


Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Báo cáo chỉ rõ nguyên nhân những yếu kém, hạn chế trong quản lý an toàn thực phẩm là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực; phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo; hoạt động điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương còn chưa quyết liệt; trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc tham mưu, đề xuất và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các cấp, có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm, yếu kém trong quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; một số địa phương còn để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, gây chết người trên địa bàn.


Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - tỉnh An Giang đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm

Kiến nghị nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- tỉnh An Giang cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực và uy tín để hướng tới xu hướng quản lý tiên tiến của thế giới là tiếp cận trên góc độ là thực hiện đánh giá, phân tích, quản lý các nguy cơ trong chuỗi an toàn thực phẩm, cách tiếp cận này giúp nhìn nhận rõ hơn việc quản lý an toàn thực phẩm theo hướng toàn diện, xây dựng được năng lực và cải thiện được sự phối hợp giữa các bên từ nhà sản xuất chế biến đến nhà quản lý nhằm tăng cường hiệu quả đề phòng vấn đề an toàn thực phẩm.
Đại biểu cho rằng, thực tiễn mô hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta được thực hiện bởi ba bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương, chủ yếu căn cứ vào chức năng sẵn có của các bộ này còn nhiều bất cập, chưa có phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm. Vì vậy, đại biểu kiến nghị đã đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách thống nhất chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta. Cơ quan này sẽ toàn tâm, toàn lực đầu tư phát triển nhân lực, thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, việc này cũng phù hợp với mốt số mô hình ở các nước phát triển trên thế giới.

Có cùng đề xuất, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân- tỉnh Điện Biên làm rõ, hiện nay có 3 bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và tương ứng ở địa phương là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Giữa các cơ quan này còn có sự chồng chéo, đan xen trong phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước; công tác phối hợp còn nhiều hạn chế. Thực tế Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm có khoảng 27 thành viên, đa số hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao, chưa có sự thống nhất, có sản phẩm phải chịu sự quản lý của 2, 3 bộ, ngành. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ theo hướng gộp 3 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của ba bộ hiện nay để tránh chồng chéo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hiện nay.

Đề xuất về việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm cũng được đại biểu Quốc hội Dương Đình Thông- tỉnh Bắc Giang và đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức- tỉnh Cao Bằng nêu lên trước Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- tỉnh Thanh Hóa lại đề xuất cần xem xét, lưu ý kỹ lưỡng về việc đề xuất thành lập thêm tổ chức bộ máy. Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi, có cần thiết hay không khi mà gặp vấn đề bức xúc trong quá trình giám sát cũng thành lập tổ chức bộ máy. Hơn nữa, Chính phủ cũng không đề nghị thành lập cơ quan chuyên môn ở các địa phương. Ở Trung ương đã có có Ban Chỉ đạo trung ương về an toàn thực phẩm và Bộ Y tế được giao là cơ quan chủ trì thống nhất đầu mối quản lý. Vậy nên, có nhất thiết có thêm tổ chức bộ máy trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương về vấn đề tổ chức bộ máy hay không.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP.Hồ Chí Minh tranh luận tại phiên họp

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Bùi Sĩ Lợi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm- TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù mới được Chính phủ cho phép thí điểm nhưng tổ chức ban quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh không phải là tổ chức mới, không phải đẻ ra tổ chức mới, mà đây là tổ chức lại để hợp lý hơn, tập trung đầu mối có tính chuyên nghiệp hơn. Từ đó địa phương có điều kiện để đầu tư đủ sức cả về nhân lực, cả về điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đây không phải là vấn đề đẻ thêm một tổ chức mới. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất Quốc hội cần có chỉ đạo để Chính phủ mở rộng thí điểm này ra ít nhất là một số địa phương để có điều kiện đánh giá trên cơ sở đó cho ý kiến một cách thực chất nhất để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp và không rõ trách nhiệm về quản lý vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- tỉnh An Giang cũng bày tỏ hoàn toàn đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về việc cần có một đơn vị hoạt động độc lập, trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi, xử lý các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại biểu làm rõ, tổ chức này có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm, có đủ năng lực pháp lý, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Thành phần tổ chức này bao gồm các chuyên viên đến từ 3 bộ được phân công, phụ trách hoàn toàn thực phẩm mà thực chất là điều chuyển về một đơn vị. Chính vì vậy, không thể nào làm tăng biên chế, ngược lại còn có thể giảm biên chế do có thể loại bỏ một số vị trí trùng hợp chức năng ở 3 bộ đang cùng tiến hành.

Đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm

Trước thực trạng các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; có tình trạng né tránh kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước; còn có hiện tượng tiếp tay cho các vi phạm như kinh doanh hàng buôn lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, hóa chất, phụ gia thực phẩm không thuộc Danh mục cho phép sử dụng…; đạo đức kinh doanh chưa được coi trọng. Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân- tỉnh Bình Dương kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của dân tộc, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của nhiều người sản xuất kinh doanh. Trên hết là tinh thần nhập cuộc và thái độ tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn của chính cộng đồng người tiêu dùng, trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí, sự tỉnh táo và chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn đủ mạnh để có thể chuyển hóa tinh thần phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác cần phải lên tiếng đấu tranh, tố giác và đáng bị lên án.


Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - tỉnh Đồng Tháp đề nghị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông về thay đổi hành vi trong sản xuất kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, sử dụng hóa chất không được phép sử dụng, sử dụng quá mức cho phép các loại hóa chất khác trong sản xuất chế biến, chất kích thích tăng trưởng. Ngoài việc đưa tin minh bạch về các sản phẩm không đảm bảo chất lượng để người dân biết né tránh, cần quan tâm tuyên truyền thông tin về các sản phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các mô hình sản xuất an toàn nhằm làm cầu nối để người tiêu dùng được lựa chọn.

Đẩy mạnh hoạt động công tác thanh tra kiểm soát chặt chẽ việc kiểm soát kinh doanh hóa chất, bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp đảm bảo sử dụng đúng chất lượng, đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ đạo các địa phương đơn vị tích cực hình thành và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Vận động phát triển mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác, các điểm mua bán, siêu thị, chợ, nơi dân cư tập trung, nhằm đảm bảo kênh phân phối tạo thói quen cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, để người dân, người sản xuất, sản phẩm sạch an tâm có nơi tiêu thụ.

Phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các hiệp hội nghề nghiệp tích cực tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên là người sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm tiêu dùng để nâng cao ý thức, nhận thức về an toàn thực phẩm. Lương tâm trách nhiệm đối với xã hội không vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi cả sức khỏe cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhằm phòng ngừa ngăn chặn những tổ chức, cá nhân vi phạm, đưa nội dung an toàn thực phẩm thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với các xã trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Theo quochoi.vn
Ngày 05/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Quốc hội thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm Ảnh: Đình Nam Tán thành nhiều nội dung kết quả giám sát về an toàn thực phẩm Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. Thảo luận tại Hội trường, Quốc hội biểu dương những

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
          Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn