Sáng 11/9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 14.
Khai mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đề xuất không thành lập HĐND, UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Sáng 11/9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 14.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc trong 8 ngày, từ ngày 11-20/9/2017, với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án Luật quan trọng như: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật Hành chính công.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước; dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình; việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa; đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV và tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương cho ý kiến, chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này, không để chuyển sang phiên họp tháng 10, phiên họp rất hạn chế về thời gian vì ngày 23/10 đã khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV.

Sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nội dung làm việc đầu tiên với việc cho ý kiến vào dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục, quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Đồng thời, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước.

Tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính. Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị HCKTĐB có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.

Dự án Luật đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương và do đó không tổ chức HĐND và UBND. Thay vào đó, tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện không có điều khoản nào quy định tổ chức cấp chính quyền mà không có UBND, HĐND; nhưng có thể hiểu “đặc khu hành chính-kinh tế là một chính quyền nhưng được tổ chức khác do Luật định”. Do vậy, “Chúng tôi đề nghị không tổ chức UBND, HĐND ở đây mà tổ chức một đơn vị như Trưởng đặc khu để tập trung phân cấp, phân quyền, tập trung xử lý công việc hiệu lực hiệu quả tại đây. Còn giám sát theo ngành dọc chúng ta vẫn giữ của bộ, ngành, Chính phủ và UBND tỉnh, huyện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày
Tờ trình dự án Luật tại phiên họp. (Ảnh: ĐT)

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các mô hình khu kinh tế trong thời gian vừa qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với đơn vị HCKTĐB để bảo đảm sự thành công của mô hình này; đánh giá thực trạng của các đặc khu kinh tế hiện có của các nước trong khu vực và khả năng thu hút đầu tư của các đơn vị HCKTĐB sau khi được thành lập; tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này, vì các địa bàn dự kiến thành lập ba đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có vị trí chiến lược, nhạy cảm.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng, cần thiết thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đồng tình để Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá tác động đến quốc phòng an ninh, đến phân bổ dân cư; việc thực hiện giám sát thế nào... khi xây dựng Luật.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng đây là dự án Luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở nước ta, do vậy, đa số ý kiến đề nghị cần có đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về các cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo các đại biểu, điều khó nhất trong dự thảo Luật là quy định tổ chức mô hình chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như thế nào cho phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà vẫn bảo đảm tính vượt trội. Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các cơ quan khác của Nhà nước tại đây chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của HĐND tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đồng tình với phương án của Chính phủ trình theo hướng trao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, song đề nghị cần minh bạch và có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc xây dựng mô hình mới này phải giữ nguyên tắc lấy sự ổn định quốc phòng - an ninh, toàn vẹn lãnh thổ là cái cốt, còn về kinh tế có cái “nổi trội, thông thoáng” để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét những chính sách ưu đãi trong dự án Luật nêu ra không có gì mới, vẫn theo tư duy cũ là miễn, giảm, giãn.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật quan trọng, chủ trương đúng đắn nhưng phải rất cân nhắc, thận trọng; thảo luận thật kỹ, không chỉ ở 2 kỳ họp, mà có thể là 3 kỳ họp của Quốc hội.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao./.
Theo dangcongsan.vn
Đề xuất không thành lập HĐND, UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Sáng 11/9, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 14. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc trong 8 ngày, từ ngày 11-20/9/2017, với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án Luật quan trọng như: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
          Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn