Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Cũng theo Nghị quyết này, Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do các địa phương quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương; có biện pháp tích cực để giảm bội chi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ nhằm bảo đảm không vượt quá giới hạn về nợ công.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 vì sau hơn 03 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Có ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, trong trách nhiệm tiếp công dân, xử lý khiếu nại của công dân thì đại biểu Quốc hội không có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại tố cáo mà công dân chuyển đến, chỉ có trách nhiệm chuyển đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên trên thực tế công dân gửi đơn đến nhiều đại biểu Quốc hội nên có việc dù vụ việc đã được giải quyết rồi nhưng đại biểu không biết và tiếp tục chuyển đơn tiếp. Từ đó gây khó khăn cho cơ quan giải quyết.
“Do đó cần quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khi nhận được đơn của công dân nên chuyển về Ban Dân nguyện để theo dõi việc giải quyết, còn đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm khi nhận được đơn nên gửi về đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Như vậy sẽ đỡ chồng chéo trong việc theo dõi giải quyết đơn”- đại biểu Mai Bộ kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, theo quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải ít nhất đạt 35% trong tổng số đại biểu Quốc hội, đây là lực lượng nòng cốt của Quốc hội nhưng dù thời gian qua có nhiều cố gắng, chuẩn bị nguồn từ sớm nhưng Quốc hội khóa 14 mới đạt tỷ lệ 34,5%. Do đó cần làm rõ nguyên nhân tại sao không đạt? trong khi nghị quyết 18 đã nêu tăng đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy cần mạnh dạn ghi rõ trong luật tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên 40% để đảm bảo cơ cấu trong công tác bố trí cán bộ.
Về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị quy định theo hướng ngân sách trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, còn địa phương sẽ bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội./.
Theo dangcongsan.vn