Ngày 31/10, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ngày 31/10, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Tại phiên chất vấn, quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều câu hỏi liên quan đến việc tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, cơ cấu nông sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn; giải quyết đầu ra cho nông sản; vấn đề xử lý hồ đập thiếu an toàn; chương trình hành động nhằm gỡ thẻ vàng xuất khẩu thủy sản của EU đối với Việt Nam; ứng phó với nguy cơ dịch bệnh…


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Sẽ gỡ "nút thắt" tích tụ ruộng đất trong lần sửa đổi Luật Đất đai này

Trong ngày chất vấn thứ hai của Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, về các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trong việc tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch và vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho biết về phân bổ nguồn lực cho phát triển nông thôn mới, đang tập trung phát triển nhanh, nguồn lực Trung ương dành cho giai đoạn 2016 - 2020 cũng tăng gấp 4 lần so với trước. Trong giai đoạn tới sẽ tiến hành tổng kết tìm ra những vấn đề còn chưa hợp lý, bất cập, rút kinh nghiệm để phân bổ nguồn lực cho trúng hơn và đảm bảo phát triển cân đối.

Về "nút thắt" của đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ghi nhận ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị và chính thức được Quốc hội đưa vào nội dung của năm 2019, sẽ chỉnh sửa một số nội dung của Luật Đất đai. Khi đó sẽ bàn kỹ những nội dung xung quanh sửa Luật Đất đai và có điều kiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển.

Tập trung rất nhiều nhóm giải pháp cho phát triển nông nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu- Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh, về giải pháp đột nào tạo thu hút đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng ngành hàng chủ lực quốc gia, ngành hàng chủ lực địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho biết, vừa qua, cả hệ thống chính trị đã tập trung rất nhiều nhóm giải pháp cho phát triển nông nghiệp và xây dựng sản phẩm chủ lực. Theo đó, một là tập trung hoàn thiện thể chế, riêng về khu vực nông nghiệp, trong 3 năm đã hoàn thành 5 bộ luật. Hai là, tập trung một loạt cơ chế chính sách về tín dụng, về bảo hiểm, về liên kết, về ngành nghề và gần đây nhất là về nông nghiệp hữu cơ. Ba là, tập trung cả hệ thống chính trị vào công tác chỉ đạo, vào cuộc, tạo ra một niềm tin và sức mạnh lan tỏa. Kết quả đạt được là trong 3 năm, đã huy động được gấp 3 lần số doanh nghiệp vào đầu tư khu vực nông nghiệp; tăng gấp 3 lần số hợp tác xã, hiện nay có 13.200 hợp tác xã. Về vốn hóa xã hội, riêng năm 2018, hơn 10.000 tỷ của các thành phần kinh tế xã hội đầu tư vào nông nghiệp như nhà máy rau quả của tỉnh Tây Ninh đầu tư tới 1.800 tỷ hay nhà máy chế biến về thực phẩm thịt lợn đầu tư vào Hà Nam đầu tư tới 1.200 tỷ. Nhờ đó đã góp phần lan tỏa, đưa nông nghiệp từ tăng trưởng âm của năm 2016 đến 3,65% trong năm nay. Giá trị xuất khẩu năm nay đến hết tháng 10, khả năng dự báo sẽ hoàn thành được con số 40 tỷ xuất khẩu, trong đó có cả 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sảm phẩm cấp tỉnh và nhóm sảm phẩm OCORP. Bộ trưởng khẳng định, đó là những tín hiệu ban đầu tích cực cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.


Đại biểu Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi về giải pháp đột nào tạo thu hút đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp

Tuy nhiên đại biểu Tô Thị Bích Châu lại bày tỏ chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng và cho rằng những giải pháp trong chương trình 10 năm, 20 năm về nông nghiệp phát triển nông thôn chưa có đủ sức lan tỏa. Đại biểu nêu rõ, hiện nay, lợi tức từ nông nghiệp thấp hơn các ngành khác nên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa muốn đầu tư vào đó. Vẫn còn khó trong giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến cho thuê đất, tập hợp những cánh đồng lúa lớn. Vì vậy, với giải pháp nông dân vào hợp tác xã hay một số nhà máy mới được đâu tư là chưa đủ sức lan tỏa.

Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong giải quyết đầu ra cho nông sản

Quan tâm đến việc giải quyết đầu ra cho nông sản, đại biểu Trần Đình Gia – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp để tránh một cuộc giải cứu nông sản đối với cây ăn quả có múi khi mà báo chí phản ánh việc phát triển cây ăn quả có múi đến giai đoạn hiện nay có khoảng trên 90.000 ha và cung đã vượt cầu rất xa.

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Phan Anh Khoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, phản ánh ý kiến cử tri, việc nuôi tôm hùm xuất khẩu của địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương liên quan đến du lịch và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh, rủi ro thiên tai lớn, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến cho địa phương và nông dân không yên tâm. Đại biểu đề nghị thời gian tới, Bộ trưởng có chủ trương và giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn này.

Về việc làm sao giảm bớt giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vừa qua, chúng ta đã có một bước cố gắng lớn. Ví dụ, họ cây có múi, riêng rau quả hiện nay, diện tích rau chúng ta có khoảng triệu ha, diện tích quả chúng ta có khoảng độ 800.000 ha. Một năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn quả, giá trị năm nay chúng ta xuất khoảng 4,2 tỷ đô la. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do trong chừng mực nhất định có những lúc thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa.

Bộ trưởng cho biết, giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ, đẩy mạnh vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa cho 3 vạn hécta vải.

Còn về lâu dài, ngành cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Hiện nay các doanh nghiệp cũng muốn vào chế biến nhưng vì khó là diện tích của chúng ta khá phân tán. Hai là muốn cho chế biến thì phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai, nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó. Theo Bộ trưởng, đây là những vấn đề cần làm từng bước một. Bộ đang cùng tập trung chỉ đạo các viện cùng với các doanh nghiệp để cùng phối hợp với dân làm từng bước.


Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, đặt câu hỏi về giải pháp giải quyết tình trạng phải giải cứu nông sản khi vào mùa hiện nay

Đối với giải quyết khó khăn tôm hùm Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ phải giải quyết 4 câu chuyện của con tôm hùm này.Một là, vừa qua nuôi tự phát do đó dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hai là con giống trôi nổi, khai thác tự nhiên rất bị động. Ba là quy trình chăn nuôi, ăn thức ăn tự nhiên lên gây ô nhiễm và giá thành cao. Bốn là tiêu thụ tự phát.

Để giải quyết 4 vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, kỳ này triển khai Luật Thủy sản, Bộ đã cử Tổng cục Thủy sản vào phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn tỉnh quy hoạch lại để đảm bảo khu nào là du lịch, khu nào nuôi tôm hùm để đảm bảo vệ sinh môi trường. Về con giống và quy trình, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang chỉ đạo các cơ quan khoa học của Bộ, cụ thể là Viện Thủy sản 2 phối hợp với một viện khoa học của Ôxtrâylia để trong một thời gian ngắn tới đây giải quyết được câu chuyện con giống và quy trình nuôi thức ăn tổng hợp. Về tiêu thụ thì sau này hình thành hiệp hội, trước mắt tiêu thụ đối tượng này chưa phải là vấn đề lớn. Bộ trưởng cam kết Bộ sẽ cử cán bộ chuyên môn vào giúp các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, con giống và quy trình .

Xây dựng nghề cá phát triển trách nhiệm và bền vững

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, về việc tại sao đến nay Liên minh châu Âu chưa gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam? Những thách thức gì chúng ta còn phải tiếp tục đối mặt và phải làm gì để gỡ thẻ vàng từ Liên minh châu Âu? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam coi 9 nội dung kiến nghị của EU trùng với ý tưởng xây dựng nghề cá phát triển có trách nhiệm, bền vững của Đảng và Nhà nước. Vừa qua những nội dung này đã được lồng vào Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. Vì vậy, sẽ phải chấn chỉnh lại với nghề cá có 1 triệu lao động, 109 nghìn tàu thuyền còn khai thác mang tính tự phát nhiều, vùng gần bờ cạn kiệt tài nguyên.

Về chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động để tháo gỡ thẻ vàng này. Theo đó, tất cả 28 tỉnh duyên hải, các bộ, ban ngành đều có trách nhiệm, các doanh nghiệp, ngư dân đều có trách nhiệm tham gia. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm không để ngư dân đánh bắt sai phạm ở vùng ngoài vùng biển quy định của Việt Nam. Ngư dân các thuyền trưởng, thuyền viên, sau khi đánh bắt phải về tổ chức khai báo, trình báo với cảng cá và đơn vị có trách nhiệm quản lý đó đơn vị thủy sản cấp tỉnh. Cùng với đó là bảo đảm tuân thủ các kiến nghị EU đưa ra như nâng cấp cơ sở vật chất, khu neo đậu, bến cảng.


Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội

Sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện chương trình hành động thì tất cả những vi phạm về khai thác bên ngoài địa phận Việt Nam ở khu vực các quốc đảo ở Thái Bình Dương chúng ta không có vụ việc nào vi phạm, nhưng khu vực biển phía Nam vẫn còn mấy chục vụ vi phạm. Về khai báo, còn một số ngư dân vẫn không tuân thủ khai báo vì cho rằng thủ tục rườm rà, người dân chưa kịp thay đổi tập quán do đó vẫn còn sai phạm. Cơ sở vật chất khu neo đậu, bến cảng để đáp ứng cho những mục tiêu quản lý bền vững chưa đảm bảo được và còn một số những vấn đề khác.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tháng 5 vừa qua, EU có cử một đoàn cán bộ kỹ thuật sang để tổ chức giám sát và có nêu 5 nội dung còn tồn tại, trên cơ sở đó chúng ta tập trung khắc phục. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã lần lượt có buổi làm việc với đoàn 7 nghị sỹ do EU cử sang. Qua trao đổi cho thấy, các nghị sĩ của EU ghi nhận được sự nỗ lực chính trị của Việt Nam, coi kiến nghị của EU là trách nhiệm của chúng ta cùng xây dựng một mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời cho biết việc khắc phục tất cả những sai lỗi đó cần một quá trình, chứ không thể 1 triệu lao động chuyển một lúc tất cả các hành vi, một yêu cầu của cả một cơ sở vật chất chuyển đổi nhanh một lúc được; mong muốn chúng ta phải hành động tích cực, đồng bộ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải kiên quyết thực hiện những nội dung này phục vụ chính cho đất nước chúng ta, cho một nghề khai thác cá bền vững.

Bày tỏ mong muốn EU sớm rút thẻ vàng đối với Việt Nam song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chia sẻ điều này phải chờ kết quả và phải chờ nỗ lực cụ thể từ phía chúng ta.

Chủ động ứng phó giảm thiểu các nguy cơ

Ngoài ra, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, về việc sửa chữa ở các hồ đập hỏng hóc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tràn vỡ đập ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống người dân. Và câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, về việc chuẩn bị sẵn sàng và chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi?


Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chất vấn về việc xử lý các hồ đập hỏng hóc, không bảo đảm an toàn

Về vấn đề bảo đảm an toàn hồ đập, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là vấn đề quan trọng. 10 năm qua chúng ta đã dành khoảng 13.000 tỷ rà soát sửa chữa 821 hồ lớn, 700 chiếc đã được sửa chữa cơ bản đến nay có thể vận hành tốt. Còn lại hơn 5.000 chiếc loại nhỏ dưới 3 triệu m3 thì có khoảng 1730 chiếc là không đảm bảo an toàn. Với những hồ nhỏ không bảo đảm an toàn thì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng gói tín dụng của World Bank để sửa chữa có 450 chiếc và trong mùa mưa bão vừa qua, Thủ tướng đã quyết định một gói 500 tỷ cho xử lý được khoảng 84 chiếc hồ nữa. Còn lại khoảng 1.200 hồ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh ra soát xong, trình Thủ tướng Chính phủ để cho chủ trương từng bước khắc phục chỗ này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các khắc phục đảm bảo an toàn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất và đời sống của nhân dân.

Về tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, đây là loại dịch hết sức nguy hiểm, bởi nếu để xảy ra thì tỷ lệ đàn lợn bị nhiễm có nguy cơ chết 100%; không có vắc xin đối với loại dịch tả này vàvi rút này lưu, tồn trong tự nhiên một thời gian rất dài. Mấy năm gần đây dịch bệnh xuất hiện trở lại và gần đây xuất hiện ở Trung Quốc lan ra một số tỉnh giáp Việt Nam. Xác định nguy cơ xảy ra ở Việt Nam là rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện, xây dựng một kế hoạch; ngành nông nghiệp đã phối hợp với các tỉnh tập trung 3 nhóm giải pháp sau: một là ngăn chặn không để bên ngoài vào bằng các nhóm giải pháp, quản lý từ sân bay và đặc biệt là các tỉnh biên giới tăng cường công tác kiểm soát. Hai là, tuyên truyền để tất cả các chủ trang trại lớn và người chăn nuôi ý thức phòng trừ ngay và nếu để xảy ra vấn đề gì phải báo ngay cơ quan thú y. Ba là, yêu cầu tất cả các tỉnh trong tháng vừa rồi tổng vệ sinh trên toàn quốc làm giảm áp lực của ô nhiễm môi trường cũng như khả năng lây lan bệnh cùng với các biện pháp khác.

Bộ trưởng cam kết Bộ có những hành động quyết liệt, đồng bộ giữa cơ quan chuyên môn của các tỉnh, các địa phương cũng như ngăn chặn từ bên ngoài vào để cố gắng giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xảy ra.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Theo quochoi.vn

Ngày 31/10, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Tại phiên chất vấn, quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều câu hỏi liên quan đến việc tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, cơ cấu nông sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn; giải quyết đầu ra cho nông sản; vấn đề xử lý hồ đập thiếu an toàn; chương trình h&a

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn