- Bởi Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa
- 14/08/2023 09:32:16
- 416 lượt xem
- 0 lượt thích
- 0 bình luận
Chiều 14/8, tại phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Thay đổi quan niệm, cách sử dụng SGK
Phát biểu tại phiên giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết “chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân.
Ông cho biết tự tin nói như vậy còn vì ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.
Những ghi nhận của đoàn giám sát rằng: “…tạo chuyển biến tích cực đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận…” đã khiến toàn ngành được động viên rất nhiều.
Trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đoàn giám sát kiến nghị “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”…. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị đoàn giám sát và UBTVQH cân nhắc điều này.
Ông cho rằng dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?” – ông Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề.
Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK. Sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát
“Chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh, nhưng chương trình chỉ quy định khung kiến thức. Còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa”, ông Vinh nói và cho rằng nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay thì chúng ta chỉ là người thẩm định được nội dung có phù hợp hay không. Nhưng trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển nội dung đó có thực hiện được không nếu cho biên soạn SGK như hiện nay.
Vì vậy, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét về nội dung kiến thức giáo dục phổ thông. “Liệu chúng ta có thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức biên soạn nội dung không, hoặc chuẩn bị nội dung không? Đề nghị của đoàn giám sát đưa ra một phương án mang tính rất mở”.
Phải thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 88
Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thì bày tỏ đồng tình với kiến nghị của đoàn giám sát, vì Nghị quyết 88 của Quốc hội ghi rất rõ rằng Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông.
Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến
Nhấn mạnh việc cần làm ngay, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn đến phát hành và giảm giá SGK để phù hợp với thu nhập người dân. Bên cạnh đó làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông để thống nhất cao trong ngành và đồng thuận xã hội.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định chuyên đề giám sát này hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi nên phiên giám sát được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Quá trình triển khai, UBTVQH rất thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều vòng cho ý kiến trước khi đoàn giám sát làm việc trực tiếp với nhiều bộ ngành, địa phương.
Cuộc giám sát cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện, sâu sắc về tình hình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhiều nội dung có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá của đoàn giám sát rằng Chính phủ tổ chức quán triệt các nghị quyết nhất quán, trách nhiệm, nhất là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
“Có được kết quả trên chứng tỏ Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 là đúng. Cải cách không thể ngày một ngày hai, phải qua quá trình, vừa làm vừa tìm tòi, đổi mới, điều chỉnh, không nóng vội” – ông Vương Đình Huệ nói.
Bên cạnh dẫn báo cáo chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn chủ trương “1 chương trình nhiều bộ SGK” trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam. Rồi mục tiêu cải cách nhằm chuyển trọng tâm từ cung cấp truyền thụ kiến thức sang nâng cao năng lực và phẩm chất của người học được thể hiện thế nào trong nội dung SGK. Ông cũng cho biết có ý kiến băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông ban hành chưa có sự thử nghiệm nhưng đã áp dụng đại trà nên cần cầu thị xem xét điều chỉnh chứ không phải bất biến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đề cập chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh là đúng và phải thống nhất hiểu Nghị quyết 88 của Quốc hội. SGK là thể chế hoá cốt lõi của chương trình giáo dục, dù không thể thay thế được vai trò người thầy nhưng không thể nhận xét nó chỉ là học liệu đơn thuần.
Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải nghiêm túc thực hiện nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần điều chỉnh thì phải phải báo cáo, kiến nghị trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Sau khi thảo luận, UBTVQH biểu quyết thông qua nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết, với 100% thành viên có mặt tán thành./.
- Báo VOV điện tử
- Liên kết bài viết gốc
Tin khác cùng chủ đề
10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
- 01/01/2022 08:10:09
- 866 lượt xem
- 0 lượt thích
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2022) và nhân dịp năm mới 2022, ngày 30/12, tại Nhà Quốc hội, trên cơ sở bình chọn của 28 cơ quan báo chí quốc gia, Văn phòng Quốc hội quyết định lựa chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
- 01/05/2022 06:01:30
- 911 lượt xem
- 0 lượt thích
VOV.VN - Chiều nay (1/5), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Kishida Fumio đang thăm chính thức Việt Nam.
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN ...
- 01/06/2022 04:32:43
- 788 lượt xem
- 0 lượt thích
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các ...
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
- 02/04/2022 07:39:07
- 1,295 lượt xem
- 0 lượt thích
Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa có thông báo về kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VII. Theo đó, kỳ họp sẽ diễn ra ngày 7-4 tại hội trường UBND tỉnh.
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC ...
- 02/06/2022 03:17:08
- 875 lượt xem
- 0 lượt thích
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về ...
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội ...
- 02/12/2023 08:38:41
- 369 lượt xem
- 0 lượt thích
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa thông tin về kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.