Ngày 30/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương như tình trạng giá xe nhập khẩu về Việt Nam hiện nay; xây dựng nhà máy thủy điện, quy trình xả lũ, việc xử lý các 12 dự án kém hiệu quả... đã được gửi đến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ QUY HOẠCH QUẢN LÝ VẬN HÀNH THỦY ĐIỆN NHỎ VÀ VỪA
CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ QUY HOẠCH QUẢN LÝ VẬN HÀNH THỦY ĐIỆN NHỎ VÀ VỪA

Ngày 30/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương như tình trạng giá xe nhập khẩu về Việt Nam hiện nay; xây dựng nhà máy thủy điện, quy trình xả lũ, việc xử lý các 12 dự án kém hiệu quả... đã được gửi đến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Không có vấn đề lớn trong về thị trường nội địa và nhập khẩu ô tô của Việt Nam


Đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đặt câu hỏi liên quan đến việc thuế nhập khẩu ô tô giảm nhưng giá xe trong nước vẫn ở mức cao

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đặt vấn đề, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay có 32.000 xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, trên 90% xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN. Dù thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN thực chất không giảm, thậm chí một số mẫu xe khách hàng phải chịu giá cao hơn trước đây. Cho rằng, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, Nhà nước sẽ thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế và chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi lớn, đại biểu đặt câu hỏi, Bộ Công Thương lý giải như thế nào về tình trạng bất thường nói trên, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; đây được coi là động lực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình tham gia hội nhập với thế giới, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đang đàm phán, ký kết, tham gia hoặc triển khai thực hiện đều có những nội dung quan trọng về cắt giảm hàng rào thuế quan, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân các nước tham gia hiệp định này được thụ hưởng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) của Việt Nam ký với ASEAN quy định ngày 1/11/2018, hàng rào thuế quan đối với sản phẩm ô tô là bằng 0. Đồng thời, sắp tới hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tiếp tục thực hiện, ký kết và triển khai thực hiện như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đều có những nội dung về tiếp tục cắt giảm hàng rào thuế quan. Đây là những cam kết của các nước thành viên trong cắt giảm cung hàng rào thuế quan để tiếp cận thị trường nội địa cho các doanh nghiệp và các nước khác.

Bộ trưởng khẳng định, trong việc cắt giảm thuế này, chúng ta cũng đã tính toán rất kỹ trong quá trình đàm phán để đảm bảo được lợi ích của quốc gia, đặc biệt trong việc đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như những lợi ích và nhu cầu của các doanh nghiệp, của các ngành sản xuất. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở cửa cho thị trường ô tô nội địa, cho việc các sản phẩm của AFTA của các nước ASEAN vào Việt Nam và sắp tới là các nước châu Âu..., chúng ta cũng có những điều kiện để tiếp tục tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chúng ta có lợi thế cũng như có điều kiện phát triển

Bên cạnh đó, trong phát triển các ngành sản xuất nội địa đã có những chính sách đồng bộ; riêng trong sản xuất của ngành ô tô, đã có các cơ chế ưu đãi... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ô tô nội địa và nhà đầu tư nước ngoài phát triển thương hiệu ô tô với mong muốn Việt Nam sẽ là một thị trường phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng như đảm bảo nhập khẩu ô tô của nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Về vấn đề thuế quan, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, Việt Nam có những điều kiện để tăng cường hơn nữa những nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất và những nguồn thu khác cho ngân sách nhà nước. Đấy là điểm đạt được sự cân bằng cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN.


Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng nhấn mạnh, qua thống kê, từ đầu năm đến nay, việc nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam chưa có mức độ tăng đột biến trên tổng thể chung của kim ngạch nhập khẩu ô tô hàng năm đối với thị trường nội địa. Về cơ bản, quy mô thị trường ô tô nội địa khoảng gần 500.000 ô tô và nhập khẩu hàng năm khoảng trên dưới gần 200.000 ô tô nhập khẩu, còn lại là sản phẩm trong nước. Vì vậy, không có những vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về thị trường nội địa và việc nhập khẩu ô tô của Việt Nam.

Tuy nhiên câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương chưa đáp ứng yêu cầu của đại biểu. Đại biểu Cao Đình Thưởng - Phú Thọ trao đổi lại và cho rằng Bộ trưởng chưa thật sự hiểu hết câu hỏi đặt ra. Đại biểu nêu rõ, trong thời gian gần 1 năm qua về vấn đề nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN, theo quy định thuế nhập giảm từ 30% xuống còn 0%. Cử tri chỉ nghĩ đơn giản là họ sẽ được thụ hưởng giá mua xe thấp hơn khoảng 30%. Nhưng trên thực tế, trong thời gian qua người mua xe vẫn phải mua với giá đắt hơn, rẻ hơn thì không đáng kể. Vấn đề đặt ra là liệu nhà nước có thất thu thuế trong năm 2018 về nội dung này không? Người dân có bị thiệt hại và thiệt hại đó thì ai chịu trách nhiệm? Và doanh nghiệp nhập khẩu có thu lợi thì vấn đề thu lợi đó có thu thuế hay không?

Đưa ra khỏi những quy hoạch nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa không đạt yêu cầu

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phản ánh, trên lưu vực sông Cả của địa bàn Nghệ An đi qua 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông đã có đến 20 nhà máy thủy điện, trong đó có 8 nhà máy xây dựng xong đã hoạt động, 6 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy đang quy hoạch. Cá biệt, 1km có 3 nhà máy thủy điện và có những thủy điện đập trữ nước bên đất của bản.

Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những vấn đề mà cử tri Nghệ An đặt ra. Thứ nhất, cho dừng 6 nhà máy đang quy hoạch xây dựng, nếu không hậu quả sẽ rất lớn. Thứ hai, còn 180 bản của Nghệ An có nhà máy thủy điện hoạt động nhưng dân không có điện để thắp sáng thì đến năm nào thì có thể cho dân được thắp sáng điện? Cuối cùng, vừa qua, xả nước lũ thiệt hại cho dân, yêu cầu phải đền bù cho dân?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 62 yêu cầu Chính phủ phải rà soát và xây dựng lại quy hoạch của các thủy lợi nhỏ và vừa trên toàn quốc, trên tinh thần làm sao để đảm bảo hiệu quả cũng như kết hợp với đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến phòng, chống lũ và đảm bảo đời sống của nhân dân ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã có Thông tư 43 hướng dẫn cho các địa phương trong việc rà soát cụ thể lại các quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa ở địa phương. Trên toàn quốc đã đưa ra khỏi những quy hoạch này là 474 dự án thủy điện nhỏ và vừa do không đáp ứng được các tiêu chí để phát triển thủy lợi nhỏ và vừa, gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh; xóa bỏ 231 địa điểm đã quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa.

Đối với Nghệ An cũng đã có tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2014 tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát và đưa ra khỏi danh sách các thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn của tỉnh. Tổng số hiện nay trên địa bàn của tỉnh Nghệ An còn 42 dự án. Trong đó có 6 dự án trên sông Cả, đó là Nậm Pu, Nậm Hạt, Môn Sơn, v.v... cũng đã được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ vừa ở Nghệ An. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghệ An cũng đã thực hiện tương đối đúng và theo yêu cầu chung của Quốc hội cũng như các hướng dẫn của pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực này.


Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, chất vấn về vấn đề quy hoạch, quản lý hoạt động của các thủy điện nhỏ và vừa

Kiên quyết không để vận hành thủy điện nhỏ và vừa ảnh hưởng đến đời sống người dân

Liên quan đến xả lũ của thủy điện Bản Vẽ, trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định việc xả lũ là thực hiện đúng quy trình và không có sai phạm trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng cho biết, mùa mưa lũ năm 2018 là một mùa lịch sử với liên tục 4 cơn lũ xảy ra liên tiếp, lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ là tương đối cao, rất cao đạt đến tới 1.321 m3/s.

Trong 3 trận lũ đầu thủy điện Bản Vẽ cũng đã thực hiện tốt hoạt động xả lũ theo quy trình của 2025 nhưng khả năng cắt lũ thì không thể kéo dài được nữa và đến trận lũ thứ 4 là trận lũ nguy hiểm, với mức 3 tỷ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ Bản Vẽ. Vì vậy, việc thủy điện Bản Vẽ không còn khả năng cắt giảm lũ cho hạ du trong trận lũ cuối cùng là điều không thể tránh được.

Trong quá trình khi xảy ra những trận lũ thiệt hại rất lớn cho thủy điện Bản Vẽ, cả về những cây cầu dân sinh cũng như là các thiệt hại lên đời sống của nhân dân, các công trình thủy nông cũng như là đường xá đều bị tác động ảnh hưởng. Do tác động này thì Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng như các cơ quan chức năng, kể cả tập đoàn điện lực đều tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp để hỗ trợ cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tổ chức quản lý, thực hiện theo đúng những quy định pháp luật về quản lý các thủy điện nhỏ và vừa đáp ứng được cả về khai thác các mục tiêu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo bảo vệ môi trường, kiên quyết không cho ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng cũng như đời sống của người dân.

Liên quan đến cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dự kiến thống nhất đến năm 2020 toàn bộ các thôn bản, vùng khó khăn của các tỉnh, địa phương trên toàn quốc sẽ được cấp lưới điện quốc gia thông qua chương trình từ ngân sách quốc gia cũng như từ các nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế mà chúng ta đã tiến hành.

Quyết liệt tháo gỡ giải quyết, xử lý những tồn đọng đối với 12 dự án kém hiệu quả

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, liên quan đến 12 dự án của ngành công thương chậm tiến độ, kém hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc giải quyết 12 dự án cơ bản đảm bảo tiến độ chung theo đề án của Chính phủ. Tuy nhiên đối với từng dự án thì có mức độ khác nhau.


Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn về tình hình của 12 dự án kém hiệu quả

Trong số 6 nhà máy và các dự án đã có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, có 2 dự án là nhà máy hiện nay đã bắt đầu khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động có lãi là nhà máy thép Việt Trung cũng như nhà máy DAP của Hải Phòng, đã có lợi nhuận và cắt được lỗ, đã có lãi trong các hoạt động, dự kiến đưa ra khỏi danh mục 12 dự án. Có 4 dự án và nhà máy còn lại thì đã từng bước khắc phục khó khăn như là đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu ở Dung Quất thì cũng đã cắt giảm bớt mức lỗ. Còn 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, đặc biệt có nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng đã vận hành trở lại cả 3 dây chuyền.

Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đang hoàn tất về cơ bản những công việc chuẩn bị đầu tư và nhà máy sinh học Bình Sơn đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trở lại cho thị trường là xăng ethanol, đã có lãi bù được biến phí. Dự án sinh học Bình Phước đang chuẩn bị để tham gia thị trường. Riêng dự án nhiên liệu sinh học của Phú Thọ vì vốn nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân nên không tham gia được vào trong tái cơ cấu. Vì quá trình đầu tư có sai về địa điểm, sai về các phương án kinh doanh nên dự án này thực ra kinh doanh không có hiệu quả và sẽ phải xem xét thực hiện những biện pháp kiên quyết nhất là tổ chức cho phá sản.

Còn lại dự án của Gang thép Thái Nguyên là một dự án tương đối phức tạp vì có những tranh chấp pháp lý quốc tế với nhà thầu, tổng thầu EPC của Trung Quốc. Vì vậy, hiện nay một mặt tiếp tục giải quyết những tồn đọng vướng mắc với tổng thầu EPC, mặt khác đẩy nhanh việc tiến hành thoái vốn ra khỏi tổng công ty thép là chủ sở hữu của dự án Tisco gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và còn nhiều vấn đề phức tạp, cũng đang tiếp tục tiến triển theo lộ trình.

Bộ trưởng cũng lưu ý, sức khỏe chung của tất cả các dự án này như thế nào thì nó sẽ còn có rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào những diễn biến của thị trường, cũng như phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu và sản phẩm… Với mục tiêu là giảm thiểu tối đa thiệt hại của Nhà nước, bảo toàn vốn của nhà nước, tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2019 - 2020.

Cùng với đó là phải xem xét và xử lý trách nhiệm trước pháp luật của những tổ chức và cá nhân có liên quan. Tính đến nay 12 dự án này đều đã tiến hành thanh tra, bao gồm Thanh tra của Chính phủ, thanh tra của bộ cũng như thanh tra của địa phương, 6 dự án của chúng ta đã tiến hành kiểm soát; có đánh giá về những thiệt hại cũng như dấu hiệu và sự vi phạm pháp luật. 4 dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét những dấu hiệu khác có vi phạm thì sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục điều tra tiếp. Đã khởi tố hình sự dự án xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và rất nhiều các cá nhân, tổ chức đã bị xử lý trước pháp luật với những hình thức xử phạt nghiêm minh và theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện tiếp thì các cơ quan chức năng, các bộ, ngành có liên quan đặc biệt là Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ.

Cuối phiên họp, các đại biểu tiếp tục gửi các câu hỏi chất vấn về trách nhiệm quản lý thị trường của quyền địa phương, lực lượng chuyên trách giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trương, hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bô-xít của Tây Nguyên. Các câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng trả lời vào ngày hôm sau.

Bảo Yến

Theo quochoi.vn

Ngày 30/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương như tình trạng giá xe nhập khẩu về Việt Nam hiện nay; xây dựng nhà máy thủy điện, quy trình xả lũ, việc xử lý các 12 dự án kém hiệu quả... đã được gửi đến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Không có vấn đề lớn trong về thị trường nội địa và nhập khẩu ô tô của Việt Nam Đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đặt câu hỏi liên quan đến việc thuế nhập khẩu ô tô giảm nhưng giá xe trong nước vẫn ở mức cao Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đặt vấn đề, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay có 32

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn