Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về tình trạng chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết án hành chính; thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra giải trình cụ thể về những nội dung này.
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO: VẪN CÒN 3 TỒN TẠI CHÍNH TRONG GIẢI QUYẾT ÁN HÀNH CHÍNH
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO: VẪN CÒN 3 TỒN TẠI CHÍNH TRONG GIẢI QUYẾT ÁN HÀNH CHÍNH

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về tình trạng chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết án hành chính; thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra giải trình cụ thể về những nội dung này.

Đưa ra câu hỏi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt - tỉnh Hưng Yên, cho biết, tại kỳ họp thứ 4 đại biểu đã chất vấn Chánh án với nội dung là thời gian qua ở một số địa phương có hiện tượng khi giải quyết các vụ án hành chính thì người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không hợp tác hoặc không có mặt theo giấy triệu tập và thường cử người không đủ thẩm quyền đi thay. Tình trạng này dẫn tới chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết án hành chính, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là với những người khởi kiện. Đại biểu nhận định, cho đến nay vấn đề này chưa có nhiều chuyển biến. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một số thẩm phán còn nể nang và ngại va chạm. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết có đồng tình với nhận định này hay không? Nếu có thì Chánh án có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?


Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, từ kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng như từ thực tiễn hoạt động của ngành Tòa án cho thấy việc giải quyết án hành chính có 3 tồn tại chính: tỷ lệ giải quyết án thấp so với yêu cầu của Quốc hội; số lượng án hành chính tồn đọng nhiều; thời gian kéo dài.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Về phía chủ quan, đại biểu cũng nêu ra có hay không việc thẩm phán e ngại khi giải quyết vụ án hành chính, nguyên nhân này có nhưng không phải là chủ yếu và đã giảm dần, vì hiện nay theo quy định của luật không còn tình trạng Tòa cấp huyện giải quyết các vụ án hành chính cấp huyện cũng như cấp xã và tất cả đã được đưa lên tỉnh giải quyết nên nguyên nhân này có và đã được hạn chế rất đáng kể. Tuy vậy, về phía Tòa án đã đặt ra một loạt các giải pháp để khắc phục những nguyên nhân chủ quan do lỗi từ phía Tòa án, ngành đã tăng cường thẩm phán cho đội ngũ giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, đề cao trách nhiệm của các thẩm phán trong việc giải quyết vụ án hành chính và có một chỉ thị để rà soát tất cả các vụ án hành chính đang tồn đọng để tập trung giải quyết để nâng cao tỷ lệ giải quyết này lên theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Chánh án muốn giải quyết tốt thì cần có sự tham gia tích cực theo quy định của luật, các Ủy ban Hành chính thì vụ án mới giải quyết được.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết thêm, ngành đã áp dụng những giải pháp căn cơ khác là tăng cường đối thoại trong việc giải quyết vụ án hành chính bởi giải quyết vụ án hành chính về mặt thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan chính quyền thông qua các quyết định hành chính của mình. Đối thoại tốt tức là tạo ra sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, hai bên lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn thì Tòa án không phải xử và với giải pháp này, từ thực tiễn thí điểm ở Hải Phòng và đang triển khai thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố khác cho thấy đã tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật cũng như những thiếu vắng trong quy định của pháp luật, tức là khi đối thoại thì không nhất thiết phải Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tham gia đối thoại, chỉ cần người nắm được việc và có thẩm quyền nhất định tham gia đối thoại thì có thể tạo được sự đồng thuận, không cần quy định cứng như quy định của luật là nhất thiết phải có sự có mặt của Chủ tịch hoặc ủy quyền đến Phó Chủ tịch. Với việc thí điểm như thế này, Tòa án nhân dân tối cao thấy đây là một cơ chế căn cơ và mong muốn các địa phương ủng hộ chủ trương này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đưa ra quan điểm chất vấn

Tham gia chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – tỉnh Quảng Bình, nêu rõ, trong quy trình xét xử của Tòa án thì sơ thẩm và phúc thẩm sẽ xử nhanh, kịp thời, đến kháng án ở Tòa án cấp cao thì cũng có trầm nhưng còn hy vọng, nhưng kháng cáo, kháng nghị đến giám đốc thẩm, Tòa án tối cao thì chậm và có những vụ án thì người dân không còn hy vọng. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên như thế nào?

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đơn về giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều trong năm 2018, Tòa án tối cao nhận được trên 2.000 đơn giám đốc thẩm. Theo quy định của luật, điều này được quy định trong Hiến pháp là chúng ta thi hành chế độ xét xử 2 cấp, sơ thẩm, phúc thẩm và luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để tránh tình trạng trở thành cấp xét xử thứ ba. Mặc dù vậy, tình trạng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cũng rất nhiều và năm 2018, Tòa án Nhân dân tối cao nhận được 2.000 đơn, kết quả giải quyết đơn mặc dù tăng rất lớn nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao hàng tháng đều dành một tuần để xét xử các đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm và kết quả là Tòa án tối cao đã giải quyết được 53%, tức là hơn 1.200 các đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số 2.200. Đây là một tỷ lệ rất cao, nhiều nước khống chế Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao giải quyết đơn trong 1 năm không quá 150 vụ xét xử. Nếu chúng ta làm quá nhiều thì vô tình đã biến giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử thứ ba.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết thêm, đối với những vụ án có sai sót, lập quy định rất chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người dân, Chánh án cũng như Viện trưởng đều có kháng nghị và Tòa án tối cao đã xét xử một cách chu đáo. Kết quả cho thấy, nhiều năm qua, việc xét xử của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao rất công tâm, chính xác và không có khiếu kiện gì về sau.

Về việc kéo dài thời gian, Chánh án cho biết, đã lên đến giám đốc thẩm thì đã trải qua một quá trình sơ thẩm, phúc thẩm rất dài, nhiều cấp nên thường mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là cơ hội cuối cùng của người dân nên việc xem xét cũng phải rất thận trọng. Chánh án cũng nêu rõ, về giải pháp, thời gian tới, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, đặc biệt là cường độ làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết và một trong những giải pháp rất căn cơ là nâng cao chất lượng xét xử của cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hạn chế những sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Hồ Hương

Theo quochoi.vn

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về tình trạng chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết án hành chính; thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra giải trình cụ thể về những nội dung này. Đưa ra câu hỏi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt - tỉnh Hưng Yên, cho biết, tại kỳ họp thứ 4 đại biểu đã chất vấn Chánh án với nội dung là thời gian qua ở một số địa phương có hiện tượng khi giải quyết các vụ án hành chính thì người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không hợp tác hoặc không có mặt theo giấy triệu tập và thường cử người kh&

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn