Các chính sách đặc thù tạo cơ chế đột phá để Khánh Hòa phát triển
Các chính sách đặc thù tạo cơ chế đột phá để Khánh Hòa phát triển
L.T.S: Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 10-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã phát biểu ý kiến, bày tỏ sự tán thành, thống nhất cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tạo cơ chế đột phá cho Khánh Hòa phát triển.
 
Khánh Hòa Online trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu của ông Hà Quốc Trị. 
 
 
Ông Hà Quốc Trị
Ông Hà Quốc Trị phát biểu tại kỳ họp.
 
 
Đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây không chỉ là nguyện vọng mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước; phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của tổ quốc như đã nêu trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
 
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ có mạng lưới giao thông khá thuận lợi, cả đường biển, đường bộ, đường sắt, đường không, trên các trục giao thông quan trọng của cả nước; có các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Cam Ranh, là cửa ngõ giao thương cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; có khí hậu ôn hòa và lợi thế tự nhiên về biển, đảo, sông, núi; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, cách đường hảng hải quốc tế khoảng 200 hải lý; là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ, trong đó Khu vực Bắc Vân Phong thuộc khu kinh tế Vân Phong từng được định hướng trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Với vị trí chính trị, kinh tế quan trọng như vậy, Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW với định hướng xây dựng Khánh Hòa đến năm 2030, đưa Khánh Hòa trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao”. Theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị thì việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế đột phá để huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giúp Khánh Hòa sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phấn đấu đạt được các mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
 
Qua nghiên cứu các chính sách được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, tôi có một số ý kiến như sau:
 
Thứ nhất, các chính sách đặc thù đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; khắc phục những điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá cho phát triển. Từng chính sách đã được đánh giá, thiết kế để đảm bảo về tính hợp lý, khả thi và hài hòa về mức độ ưu đãi, đặc thù so với các tỉnh, thành  phố khác có Nghị quyết của Bộ Chính trị.
 
Bên cạnh đó, năng lực tổ chức thực hiện gắn với phát huy thế mạnh riêng của địa phương và với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh để triển khai các chính sách đặc thù đã được tính toán, đánh giá tương đối kĩ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi triển khai trên thực tế.
 
Thứ hai, ngoài 7 chính sách đã được áp dụng với 5 tỉnh, thành phố khác, 4 chính sách mới được thiết kế theo hướng tạo cơ chế thu hút nguồn lực ngoài ngân sách và tập trung vào 3 đặc thù riêng có của tỉnh Khánh Hòa là: Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong; phát triển huyện Cam Lâm và gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo đảm theo đúng định hướng nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hoà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, nhất là đối với huyện đảo Trường Sa”.
 
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, trong đó có chủ trương thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có thông báo thu hồi đất; đồng thời với trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư là phù hợp, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09. Trong quá trình thực hiện, cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân và uy tín của các cấp chính quyền.
 
Việc “tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư” là nội dung được Bộ Chính trị chỉ đạo cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện thí điểm, nêu trong Nghị quyết số 09. Ngoài ra, chỉ thực hiện dự án nhóm B (lĩnh vực giao thông và thủy lợi) và trong thời gian 5 năm thí điểm. Việc thực hiện chính sách này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đưa dự án sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, giúp giảm các yếu tố làm tăng chi phí bồi thường của Nhà nước, không gây mất bình đẳng giữa những người dân nhận bồi thường trước và sau khi triển khai dự án.
 
Khu vực Bắc Vân Phong thuộc khu kinh tế Vân Phong là một trong 3 địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, các chính sách phát triển khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức bật đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu Kinh tế Vân Phong. Trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng trình tự thủ tục, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương và phù hợp năng lực quản lý của địa phương; bảo đảm tính minh bạch.
 
Thứ ba, về chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa
 
Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam (theo nghiên cứu đánh giá của Viện Nuôi trồng Thuỷ sản - Trường Đại học Nha Trang). Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ trong khu vực biển 3 hải lý; quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Vì vậy, để khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng về nuôi biển trên vùng biển tại Khánh Hòa, chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân của cả nước đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, gia tăng giá trị, thân thiện môi trường ở các vùng biển mở, làm hình mẫu cho việc phát triển nuôi biển trên cả nước. Đồng thời, chính sách này cũng góp phần thực hiện chủ trương “gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia” nêu trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
 
Điều này là cần thiết và phù hợp với mục tiêu chính sách là khuyến khích doanh nghiệp đưa nhiều lao động ra nuôi trồng thủy sản ngoài khơi vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng, vừa nhằm mục tiêu bám biển. Việc quy định chính sách này trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa mang tính thí điểm, nếu chính sách áp dụng trên thực tế thành công thì sẽ là một kinh nghiệm tốt cần được nhân rộng trên cả nước.
 
B.K.H
 
 
 
 

 

L.T.S: Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 10-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã phát biểu ý kiến, bày tỏ sự tán thành, thống nhất cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhằm tạo c&ocir

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
          Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn