Sáng 05/11, thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định, đồng thời yêu cầu Chính phủ cần đánh giá những tác động, biến thách thức thành cơ hội.
BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI KHI THAM GIA HIỆP ĐỊNH CPTPP
BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI KHI THAM GIA HIỆP ĐỊNH CPTPP

Sáng 05/11, thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định, đồng thời yêu cầu Chính phủ cần đánh giá những tác động, biến thách thức thành cơ hội.


Toàn cảnh phiên họp

Tham gia Hiệp định CPTPP: Cơ hội nhiều hơn thách thức

Đến thời điểm hiện tại, đã có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này.

Cho ý kiến về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nhiều đại biểu đánh giá đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định, kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài. Khi tham dự Hiệp định CPTPP là cơ hội tốt để Việt Nam giữ đúng cam kết về thị trường của các nước thành viên. Hiện nay chúng ta không cần mất nhiều thời gian để bàn nên hay không nên phê chuẩn hiệp định mà quan trọng nhất là cần phải làm rõ xem chúng ta cần phải hành động như thế nào để tận dụng được lợi thế và biến thách thức thành cơ hội để hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi mà Hiệp định có thể mang lại đối với Việt Nam.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đánh giá Hiệp định CPTPP tiến bộ so với các hiệp định mà Việt Nam đã ký.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, phân tích: Hiệp định là hiệp định thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và minh bạch. Hiệp định được gọi là toàn diện và tiến bộ vì hiệp định không chỉ bàn về thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử mà còn bàn sâu về một số lĩnh vực phi thương mại khác như như đầu tư, lao động. Hơn nữa, Hiệp định này tiến bộ so với các hiệp định mà Việt Nam đã ký vì đã quan tâm tới tất cả thành phần kinh tế trong xã hội, kể cả các khu vực yếu thế, bảo vệ người lao động, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, hiệp định hướng tới đảm bảo tất cả người dân trong khu vực được hưởng lợi từ việc ký kết Hiệp định CPTPP.

Tham gia Hiệp định có rất nhiều cơ hội bởi đây là là thị trường lớn 11 quốc gia với GDP khoảng 11 tỷ đô la, chiếm 13,5% GDP toàn cầu; kim ngạch xuất khẩu 10 nghìn tỷ USD; chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu; dân số 500 triệu dân. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.


Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Phân tích lợi thế khi việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cho rằng, chúng ta có ưu đãi khi phải tiến hành cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước cũng như thời gian chuyển đổi kéo dài hơn. Đại biểu nêu ví dụ, phần lớn các nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá của Việt Nam rất cao như: Canada là 94% ngay lập tức sau khi Hiệp định CPTPP cs hiệu lực; Chi Lê cắt giảm 95%; Nhật Bản cắt giảm là 86%; Mexico 77% thuế quan cho hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam chỉ cắt giảm 66% thuế quan cho hàng hóa các nước vào Việt Nam và sau 3 năm mới tăng lên 66%, còn một số mặt hàng khác có thể kéo dài thời gian cắt giảm thuế quan từ 7-10 năm. Điều này chứng tỏ Việt Nam có lợi thế hơn các nước không phải ở chỗ các dòng thuế cắt chậm, Việt Nam có nhiều thời gian hơn để thực hiện quá trình chuyển đổi cắt giảm các dòng thuế như cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Đại biểu Tôn Tuấn Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, nhấn mạnh: Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức. Về kinh tế, hiệp định này giúp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn; nhiều ưu đãi hơn so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; cơ cấu xuất nhập khẩu tăng nhanh; giúp Việt Nam đẩy nhanh đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, việc tham gia hiệp định này sẽ góp phần khẳng định vị thế, tăng cường đan xen lợi ích và trực tiếp hoặc gián tiếp duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ hòa bình của các quốc gia.

Biến thách thức thành cơ hội

Mặc dù khẳng định tham gia Hiệp định CPTPP có nhiều cơ hội với Việt Nam nhưng nhiều đại biểu cũng nêu nhiều thách thức đan xen. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi, tạo sao các nước lại mời Việt Nam tham gia vào Hiệp định này trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD. Đại biểu phân tích, nguyên nhân do các nước này đã thấy được tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, điểm quan trọng nhất mà các nước nhìn thấy tiềm năng là dân số của Việt Nam lên tới 95 triệu, đồng nghĩa với thị trường tiêu thị rất lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá thách thức và cơ hội để biến thách thức thành cơ hội. Nếu không tận dụng được cơ hội thì nhập khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao hơn xuất khẩu. Vì vậy các biện pháp phòng vệ thương mại cần được đưa ra để tránh nhập siêu như đã xảy ra khi Việt Nam gia nhập WTO. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý, do đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân trên 30.000 USD/người/năm nên sản phẩm giá rẻ không thể đi vào khu vực này.

So sánh 10 mặt hàng chủ đạo với các nước trong khu vực, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, Việt Nam đang xếp nhóm thấp nhất. Những mặt hàng được đánh giá có lợi thế lớn nhất như dệt may, giày da, đồ gỗ thì Việt Nam cũng đứng xếp hạng thứ 3. Nhómđồ gia dụng xếp thứ 5, mỹ phầm xếp thứ 6. Rau quả, cà phê, hồ tiêu, thịt xếp rất thấp. Những mặt hàng kém cạnh tranh Việt Nam đang đứng gần như “đội sổ” ví dụ mặt hàng mỹ phẩm đứng thứ 11; Văn phòng phẩm, phim ảnh đứng thứ 9; điện, điện tử, vi tính đứng thứ 7.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thách thức lớn đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Ngành dệt may được cho là ngành có lợi thế, nhưng trên thực tế nguyên liệu xuất xứ của Việt Nam lại không nằm trong khối này nên việc tính tiêu chí xuất xứ của nhiều sản phẩm dệt may không đủ điều kiện để tham gia vào khối. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải có lộ trình chủ động nguyên liệu trong nước; hoặc nhanh chóng chuyển từ nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác sang nhập nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP để đủ điều kiện quy tắc xuất xứ. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đối các nhà đầu tư để sản xuất nguyên liệu tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất trong nước.


Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị Chính phủ tìm ra động lực phát triển trong giai đoạn mới

Khẳng định CPTPP là Hiệp định có ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam, nhưng đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cho rằng vấn đề làm sao để hiệp định triển khai hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Đại biểu cho rằng vấn đề đặc biệt vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức ở cấp độ quốc gia đó là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Đây chính là lợi ích lâu dài mà Việt Nam tham gia CPTPP. Những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ triển khai thời gian qua đã tạo ra động lực lớn để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực này mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cần phải cải cách sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu, cam kết và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những ưu đãi vàng mà Hiệp định CPTPP mang lại, thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh. Muốn giải quyết vấn đề này, đại biểu cho rằng cần có đội ngũ nhân lực có trình độ tương xứng và tăng cường năng lực khoa học công nghệ.

Một số đại biểu cũng băn khoăn liệu tăng cường xuất khẩu và thu hút FDI có còn là động lực phát huy hiệu quả trong cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam, bởi nếu chỉ dựa vào thu hút FDI thì giống như chúng ta đang “xây nhà trên móng của người khác”. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần ra động lực tăng trưởng mới; đồng thời rà soát lại tổng thể chính sách thương mại và đầu tư để tìm phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới, nhằm khơi dậy, giải phóng sức sáng tạo, năng lực nội sinh.


Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế.

Khi Hiệp định CPTPP được phê duyệt thì sẽ có thêm một tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp nhưng không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động VIệt Nam. Đại biểu Tô Ánh Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, lo ngại đây là thách thức lớn mà Chính phủ cần có giải pháp cụ thể. Đại biểu Tô Ánh Vang nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 đã ban hành Nghị quyết 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nêu rõ: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là vấn đề sống còn đối với Đảng và chế độ. Việt tham gia là thành viên chính thức Hiệp định CPTPP tác động sâu sắc tới sự phân hóa về lao động giữa các khu vực kinh tế, giữa các vùng miền trong cả nước, giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm… dẫn đến sự không đồng đều về trình độ, giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò và tính tiên phong của giai cấp công nhân. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần lý giải những vấn đề nảy sinh về vai trò của giai cấp công nhân để có những chiến lược phù hợp phát huy vai trò của giai cấp công nhân, đảm bảo hài hòa 3 lợi ích, lợi ích của công nhân lao động, lợi ích của nhà nước và của doanh nghiệp. Chín phủ và các cơ quan hữu quan giải trình và làm rõ các giải pháp hợp lý và kịp thời điều chỉnh phù hợp. Có như vậy quyền lợi quốc gia, quyền lợi của người lao động mới được đảm bảo, kinh tế xã hội mới phát triển bền vững. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Chương 13 của Bộ Luật Lao động hiện hành về công đoàn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, một số đại biểu đề nghị sửa đổi luật cần mang tính dự báo, bởi thời gian tới Việt Nam sẽ ký kết thêm một số hiệp định thương mại với các quốc gia, khu vực và chắc chắn sẽ tác động đến các luật hiện hành.

Chính phủ thường xuyên cập nhật tác động để có giải pháp điều chỉnh phù hợp

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình thêm 3 nội dung đại biểu nêu về đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, lao động và sửa đổi các luật liên quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, trong quá trình đàm phán Hiệp định, bằng nhiều biện pháp, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về hiệp định này. Khi đàm phán xong, Chính phủ cũng đăng toàn văn Hiệp định để người dân và doanh nghiệp góp ý kiến; đồng thời yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá định lượng đối với những chỉ số kinh tế xã hội mà Hiệp định CPTPP mang lại. Chính phủ cũng tham khảo các đánh giá, nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng thế giới về tác động của hiệp định này đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam và cho thấy, các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được đảm bảo. Trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan cập nhập đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng giải pháp điều hành phù hợp.

Liên quan đến sẽ có một tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động, mà chủ yếu tôn trọng các tiêu chuẩn đã nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Việt Nam với tư cách là thành viên Tổ chức ILO có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các điều khoản này. Quy định của ILO cũng khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước sở tại, phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký tại các cơ quan nước sở tại. Các tổ chức của người lao động không được có hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia.

Giải trình về đề xuất của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP thì Việt Nam chỉ cần sửa Bộ luật Lao động. Như đại biểu nêu, Luật Công đoàn có những mối liên hệ nhất định với Bộ Luật Lao động, do vậy sau khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Lao động trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn nếu cần thiết.

Về quá trình sửa đổi luật, Phó Thủ tướng cho biết, qua rà soát 265 văn bản đến nay Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi bổ sung 8 luật, trong đó có 1 luật được thông qua; còn Luật Phòng chống tham nhũng đang trình Quốc hội thông qua, trong đó các quy định đã đáp ứng các điều khoản của Hiệp định CPTPP. Các luật còn lại đang được Chính phủ tích cực, khẩn trương triển khai để trình Quốc hội theo đúng quy định pháp luật./.

Lan Hương - Nhóm ảnh

Theo quochoi.vn

Sáng 05/11, thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định, đồng thời yêu cầu Chính phủ cần đánh giá những tác động, biến thách thức thành cơ hội. Toàn cảnh phiên họp Tham gia Hiệp định CPTPP: Cơ hội nhiều hơn thách thức Đến thời điểm hiện tại, đã có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này. Cho ý kiến về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nh

Tin khác cùng chủ đề

10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng Nhật Bản
TỔNG THUẬT NGÀY 01/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Ngày 7-4: Sẽ diễn ra kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII
TỔNG THUẬT SÁNG 02/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NSNN NĂM 2021, TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tích cực, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Gửi bình luận của bạn