Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cánh mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, nêu rõ các phẩm chất đạo đức người đảng viên cần thực hành và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Trong đó, phẩm chất gương mẫu hay yêu cầu về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên tiếp tục được nhấn mạnh, bởi đây không chỉ là một phẩm chất đạo đức, mà còn là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Phải thực sự gương mẫu, nêu gương trong công tác, trong cuộc sống hằng ngày, cán bộ, đảng viên mới có thể tập hợp và lãnh đạo được quần chúng thực hiện thắng lợi các đường lối, chủ trương của Đảng. Bài viết phân tích yêu cầu về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024.

Yêu cầu về nêu gương trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Yêu cầu về nêu gương trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Ảnh minh họa: tuyengiaoangiang.vn

1. Mở đầu 

“Gương mẫu” là những điều, những việc có tính chất tốt đẹp, điển hình, làm khuôn mẫu cho người khác noi theo. “Nêu gương” là hành động tự mình làm mẫu mực, thể hiện qua lối sống, hành vi, cách ứng xử chuẩn mực để người khác học tập và làm theo. Nêu gương không chỉ giới hạn ở việc làm đúng, mà còn ở việc làm tốt nhất có thể, vượt qua những yêu cầu tối thiểu để trở thành chuẩn mực, là tấm gương sáng về đạo đức và năng lực. Như vậy, có thể hiểu nêu gương hay gương mẫu có cùng nội hàm, và sự gương mẫu hay hành động nêu gương của mỗi người góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thực hành nêu gương 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(4). Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương, tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, đặc biệt là ở những thời điểm khó khăn, thử thách của cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lãnh đạo đất nước qua những giai đoạn gian khó mà còn thể hiện một tấm gương đạo đức mẫu mực để các thế hệ học tập và noi theo. Từ những ngày đầu tham gia cách mạng, Người đã thể hiện sự kiên định với lý tưởng của mình. Dù giữ các trọng trách trong Đảng và Nhà nước, Người luôn nêu gương đạo đức cách mạng và lối sống giản dị. Hồ Chí Minh không chỉ đề cao giáo dục lý tưởng cách mạng, mà còn thực hành đạo đức cách mạng một cách nghiêm túc, nhất quán. Điều này đã tạo lòng tin yêu từ phía nhân dân, giúp nâng cao hiệu quả công việc và củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường cách mạng của dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn ý thức tự hoàn thiện bản thân và coi đó là một phương thức nêu gương mà cán bộ, đảng viên cần thực hiện. Trong cuộc sống hằng ngày, Người luôn khiêm tốn, giản dị và gần gũi với quần chúng nhân dân. Những hành động của Người phản ánh sự tinh tế trong ứng xử và tinh thần trách nhiệm cao, mang tầm vóc của một nhà lãnh đạo tài ba, một tấm gương đạo đức mẫu mực.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cán bộ, đảng viên nêu gương thông qua hành động, việc làm cụ thể. Người khẳng định: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Theo Người, hành động và lối sống thực tế là những minh chứng mạnh mẽ nhất để tuyên truyền, thuyết phục người khác, thay vì những lời nói suông, nói không đi đôi với làm.

Trong khi các bài diễn văn và tuyên truyền có thể tạo ra ấn tượng tạm thời, thì tấm gương của người lãnh đạo, đặc biệt là một lãnh tụ như Hồ Chí Minh, có sức mạnh lâu dài và bền vững hơn. Đó là một minh chứng cho giá trị của việc sống đúng với lý tưởng và nguyên tắc mà mình theo đuổi, và làm gương cho người khác học tập và noi theo.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa rộng lớn hơn đối với tất cả các dân tộc và quốc gia. Đó còn là sự khẳng định rằng sự lãnh đạo hiệu quả không chỉ dựa vào tài năng và trí tuệ, mà còn phụ thuộc vào đạo đức và sự gương mẫu của người lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một bài học quý về cách sống và cách lãnh đạo, đó là những bài học giá trị mà các thế hệ cán bộ, đảng viên cần học hỏi và thực hành.

3. Yêu cầu về nêu gương trong Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới 

Ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” (gọi tắt là Quy định 144). Ngoài Điều 6, về­ tổ chức thực hiện, Quy định 144 có 5 điều, 19 điểm, quy định cụ thể các chuẩn mực đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải liên tục rèn luyện, trau dồi.

Điều 5, Quy định 144 nêu rõ: Cán bộ, đảng viên phải “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”(1). Quy định cũng cụ thể hóa chuẩn mực gươ­ng mẫu thành các nội dung, đó là: “Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng(2).

Không chỉ tự mình làm gương, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải “tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(3). Khi cán bộ, đảng viên nêu gương sẽ tạo dựng được lòng tin đối với nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để mỗi cán bộ, đảng viên có thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên nêu gương sẽ lan tỏa các giá trị đạo đức, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội đến cộng đồng. Những hành động tích cực của cán bộ, đảng viên sẽ khuyến khích quần chúng cùng hành động tích cực để cùng tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh và tiến bộ. Ở một khía cạnh khác, việc nêu gương đòi hỏi cán bộ phải giữ vững sự liêm chính và trung thực, phải tuân thủ nghiêm các quy tắc đạo đức, kỷ luật công tác, từ đó giảm thiểu các hành vi tham nhũng, lạm quyền.

Thực tế, không phải đến nay Đảng ta mới đề ra các quy định về phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vấn đề này đã được đề cập, chỉ rõ và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện từ rất sớm. Các quy định này được thể hiện trong các văn bản như: Điều lệ Đảng (Điều 1, Điều 2); Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Ban Chấp hành Trung ương chỉ ra cụ thể tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, v.v.. Quy định 144 là bước kế thừa các quy định trước đây và tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng về yêu cầu nêu gương đối với cán bộ, đảng viên.

4. Thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay 

Thực tế cho thấy, nhờ những tấm gương quả cảm, anh dũng, hy sinh, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trong suốt hơn 90 năm qua mà Đảng ta đã tập hợp được sức mạnh toàn dân, từ đó làm nên những thành tựu vĩ đại của dân tộc. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám; là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước…

Đặc biệt, hiện nay, từ những nền tảng cha ông đã dựng xây, để lại, sự gương mẫu, nêu gương, sự sáng tạo, nhiệt huyết, quyết liệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần làm nên những kỳ tích của đất nước trong công cuộc đổi mới. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đang vận hành tốt mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều chế độ sở hữu, với nhiều chính sách thích hợp, được điều hòa bởi Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; các hoạt động văn hóa, tinh thần được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, xã hội ngày càng phồn vinh…

Những thành tựu to lớn đó chính là kết quả của ý chí, của sự quyết tâm cao, cùng sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, được Đại hội XIII của Đảng thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(6).

Có được kết quả như vậy là nhờ sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó đặc biệt có sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Họ là những nhà chính trị, những doanh nhân, những nhà khoa học và nhân dân lao động, đã bền bỉ, trách nhiệm lao động, cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Họ là những người đã từng bước làm nên uy tín, sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đó là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng, cùng những kết quả to lớn đã đạt được, hiện nay, lối sống thực dụng cùng những tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã khiến cho phẩm chất nêu gương của cán bộ đảng viên đứng trước nhiều thử thách. Kết quả đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng cho thấy, có không ít cán bộ đảng viên, kể cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trở nên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bị ma lực của đồng tiền xô ngã, trở thành những người lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đằng làm một nẻo, gây giảm sút niềm tin trong nhân dân.

5. Giải pháp tăng cường nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay

Theo Quy định 144, nêu gương là một phẩm chất đạo đức, là điều mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thực hành để thể hiện vị trí lãnh đạo, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Là quy định của Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nghiêm túc thực hiện. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải nêu gương trong thực hành. Để thực hiện có hiệu quả Quy định 144, làm tốt nhiệm vụ nêu gương của cán bộ, đảng viên, cần quán triệt, thực hiện một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nêu gương.

Để làm tốt trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, nhận thức rõ vai trò của nêu gương, phải hiểu sâu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó thực hiện đúng, thực hiện tốt, và khi đó các việc làm của mình mới có kết quả tốt, mới có tác dụng nêu gương trước quần chúng nhân dân. Cần tránh hiện tượng hình thức, hời hợt trong quán triệt nội dung và triển khai thực hiện. Hời hợt, hình thức thì không thể có được những hành động quyết liệt, dù có đạt kết quả chăng nữa, nhưng cũng khó đạt tới mức “nêu gương”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nêu gương là nhiệm vụ quan trọng, tác động vào nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhu cầu tự thân và tính tự giác để hành động đạt kết quả tốt nhất, đạt hiệu quả thực chất về nêu gương.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”(7). Để khắc phục điều này, trong giai đoạn hiện nay, chỉ khi cán bộ, đảng viên chiến thắng được “ma lực" của đồng tiền, thật sự là người có đức, có tài, có sự cống hiến đích thực, tận tâm, thì người cán bộ, đảng viên đó mới là tấm gương để mọi người học tập, noi theo.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt nói đi đôi với làm. Quy định 144 yêu cầu mỗi một cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm”(8). “Nói đi đôi với làm” là lời nói và việc làm phải thống nhất, gắn chặt với nhau. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhất quán trong nhận thức, phát ngôn, cũng như trong hành động thực tiễn; nêu gương phải được biểu hiện cụ thể trong sự thống nhất giữa suy nghĩ, lời nói và hành động, giữa tư tưởng và hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên.

Cụ thể, cán bộ, đảng viên cần nêu gương ở mục đích sống, sự tận tụy, cống hiến; nêu gương ở thái độ tôn trọng mọi người, đức tính khiêm tốn; nêu gương trong thực hành đoàn kết, nêu cao tinh thần dân chủ; nêu gương về phương pháp, cách thức làm việc; nêu gương về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu gương trong ứng xử văn hóa, khoan dung…

Thứ ba, nêu gương là một quá trình không ngừng tự rèn luyện nghiêm túc, bền bỉ của mỗi cán bộ, đảng viên. Các nội dung của Quy định 144-QĐ/TW là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, nêu gương vừa là một phẩm chất, vừa là một phương pháp rèn luyện đạo đức, và hơn hết, đó là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện tốt Quy định 144, mỗi cán bộ, đảng viên cần có sự bền bỉ, trách nhiệm trong tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; sự nghiêm túc, nỗ lực vượt lên những cám dỗ và cạm bẫy trong cuộc sống thường ngày. Làm được những điều này, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ ngày càng hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện.

Thứ tư, cán bộ chủ chốt phải tiên phong trong việc nêu gương. Cán bộ chủ chốt là lực lượng có vị trí nòng cốt, đóng vai trò quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để hoàn thành trọng trách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được phân công trước Đảng, trước dân thì việc nêu gương và phát huy vai trò nêu gương trước tập thể, quần chúng nhân dân là một trong những yêu cầu quyết định, và cũng là biện pháp quan trọng để cán bộ chủ chốt nâng cao uy tín, vị thế của mình.

Thực tiễn phát triển đất nước đã khẳng định, nếu cán bộ chủ chốt phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương, luôn mẫu mực từ lời nói đến việc làm, thì cán bộ ấy tự mình đã tỏa sáng, được mọi người tôn trọng, yêu quý, tin tưởng và ủng hộ; nhờ đó, có tác dụng động viên, cổ vũ, khích lệ cán bộ, quần chúng nhân dân học tập và noi theo.

Ngược lại, nếu cán bộ chủ chốt không thực hiện tốt việc nêu gương, không nỗ lực phấn đấu vươn lên trong tu dưỡng, rèn luyện, công tác, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, không giữ được chuẩn mực trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử trong đời sống, sinh hoạt và công tác, thì cán bộ ấy không thể tạo dựng, củng cố hình ảnh, uy tín và vị thế của cá nhân đối với tập thể, không những thế, còn làm giảm sút niềm tin trong quần chúng, nhân dân. Chính vì vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của cán bộ chủ chốt là phương thức tuyên truyền có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thứ năm, cần có cơ chế giám sát việc thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, có khoảng cách nhất định giữa việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định; hiệu quả việc thực hiện phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, để Quy định 144, trong đó có quy định về nêu gương được thực hiện hiệu quả, ngoài coi trọng việc đề cao tính tự giác trong rèn luyện, cần có cơ chế giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và của nhân dân đối với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong và hiệu quả công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc giám sát sẽ góp phần quan trọng giúp đánh giá chính xác hiệu quả thực hiện; bảo đảm cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của Đảng và khuôn khổ pháp luật.

6. Kết luận

Nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh, đường lối, công tác cán bộ, công tác kiểm tra và bằng sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương sẽ góp phần xây dựng nhiều tổ chức đảng nêu gương. Nhiều tổ chức đảng nêu gương sẽ xây dựng nên một Đảng nêu gương, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, xứng tầm vị thế lãnh đạo đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Khi cán bộ, đảng viên nêu gương, uy tín và hình ảnh của Đảng sẽ được củng cố, các giá trị tích cực được lan tỏa, từ đó tạo động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

_________________

Ngày nhận bài: 18-8-2024; Ngày bình duyệt: 4-11-2014; Ngày duyệt đăng: 5-11-2024.

Email tác giả: dinhxuanhoa.ajc@gmail.com

(1), (2), (3), (8) Bộ Chính trị: Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, ngày 09-5-2024.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.223.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, sđd, tr.284.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 322.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 24-25.

TS ĐINH THỊ XUÂN HÒA
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Ảnh minh họa: tuyengiaoangiang.vn 1. Mở đầu  “Gương mẫu” là những điều, những việc có tính chất tốt đẹp, điển hình, làm khuôn mẫu cho người khác noi theo. “Nêu gương” là hành động tự mình làm mẫu mực, thể hiện qua lối sống, hành vi, cách ứng xử chuẩn mực để người khác học tập và làm theo. Nêu gương không chỉ giới hạn ở việc làm đúng, mà còn ở việc làm tốt nhất có thể, vượt qua những yêu cầu tối thiểu để trở thành chuẩn mực, là tấm gương sáng về đạo đức và năng lực. Như vậy, có thể hiểu nêu gương hay gương mẫu có cùng nội hàm, và sự gương mẫu hay hành động nêu gương của mỗi người góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thực hành n&ec

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn