Trong các thể chế chính trị, dân chủ luôn là khát vọng của con người. Mặc dù cò̀n đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song dân chủ hóa xã hội đã trở thành một xu hướng trên thế giới, nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội của các quốc gia. Thực tiễn xu hướng dân chủ hóa trên thế giới đã có tác động và để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị tham chiếu đối với Việt Nam.

Xu hướng dân chủ hóa xã hội ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Xu hướng dân chủ hóa xã hội ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam

1. Nguồn gốc, nội dung và bản chất xu hướng dân chủ hóa xã hội

Dân chủ hóa là quá trình biến những khả năng, điều kiện, tiền đề dân chủ thành hiện thực dân chủ trong đời sống xã hội; đồng thời, đây cũng là những cuộc vận động xã hội, trào lưu xã hội, trong đó các giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, tự giác, thiết thực, trách nhiệm và đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực, các quy định của nhà nước và xã hội. Dân chủ hóa còn được hiểu là sự gia tăng số lượng các quốc gia tham gia vào các quá trình dân chủ trên cơ sở mở cửa nền kinh tế, thừa nhận và thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế nhà nước về dân chủ.

Quá trình dân chủ hóa bắt đầu từ việc nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của dân chủ, các nội dung và hình thức thực hiện dân chủ đến việc tuyên truyền, giáo dục về dân chủ, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Dân chủ hóa đòi hỏi phải giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như những tiền đề vật chất và tinh thần cho dân chủ.

Xu hướng dân chủ hóa hiện nay có nhiều nguyên nhân, như: những khó khăn về kinh tế, khủng hoảng tài chính, thất nghiệp và sự phân hóa giàu - nghèo; yêu cầu của phát triển kinh tế thị trường, toàn cầu hóa nền kinh tế và sự phát triển của kinh tế tri thức; sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, sự tan rã của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; sự thất bại của mô hình nhà nước tập trung và các chính sách quản lý kinh tế tương ứng; sự phát triển của khoa học và công nghệ... Nhu cầu dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ ở các nước xã hội chủ nghĩa đã từng giương cao ngọn cờ đấu tranh chống ách áp bức của thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thực tiễn lịch sử thế kỷ XX cho thấy, không thể có dân chủ hóa xã hội, mà trước hết là dân chủ trong kinh tế, nếu không trao quyền tự do hoạt động kinh tế cho người dân; và nếu người dân không có tiếng nói trong đời sống chính trị, không có sự ảnh hưởng trong quá trình hoạch định chính sách, thì mục tiêu phát triển kinh tế khó có thể thực hiện được. Phát triển kinh tế và dân chủ hóa xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm tiền đề và điều kiện cho nhau. Để tiến hành dân chủ hóa, yếu tố quan trọng là nâng cao dân trí, văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật và văn hóa làm chủ của người dân. Các nước có trình độ dân trí cao thường có nguồn lực xã hội dồi dào, đồng thời dễ thành công hơn trong các cuộc cải cách kinh tế và chính trị.

Dân chủ hóa xã hội đã được bàn đến từ thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại, là một trào lưu chính trị được vũ trang bởi tư tưởng khai sáng thế kỷ XVII. Dân chủ hóa thời kỳ khai sáng cổ vũ nhân dân chống lại ách nô lệ của thần quyền và thế quyền trói buộc con người thời trung cổ. Dân chủ hóa ngày nay chống lại sự lũng đoạn, ách chuyên chế của giới tài phiệt, tư bản độc quyền ở các nước tư bản; chống lại những đặc quyền, đặc lợi của giới quan liêu ở các nước đang phát triển. Có thể nói, dù ở thời đại nào, dân chủ và dân chủ hóa cũng đều chống lại sự độc đoán, chuyên quyền; chống lại sự tha hóa quyền lực, mọi sự áp bức, bất công; cổ vũ cho tự do, tôn vinh giá trị của con người; đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình phát triển của xã hội. Ngày nay, dân chủ hóa không còn là vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia, mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, khi mọi quốc gia đều bước vào giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, quá trình toàn cầu hóa, phát triển nền kinh tế thị trường và kinh tế tri thức. Cuộc đấu tranh vì dân chủ thể hiện qua đấu tranh xã hội, đặc biệt là đấu tranh giai cấp và hình thành nên các chế độ nhà nước. Dân chủ hóa xã hội ngày nay, đặc biệt là dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhân dân lao động ngày càng trở thành người làm chủ và làm chủ thực sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội - một trong những mục tiêu quan trọng mà nhân loại đang hướng tới

2. Biểu hiện của xu hướng dân chủ hóa xã hội ở các nước hiện nay

Ở châu Âu: Tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong những năm 1990 - 1991, quá trình dân chủ hóa (phương Tây gọi là “làn sóng dân chủ hóa”) diễn ra mạnh mẽ, dưới sự thúc ép của việc cải cách các nền kinh tế kế hoạch tập trung. Đây được coi là giải pháp chính trị để cải cách kinh tế và các cấu trúc chính trị - xã hội không thể thích ứng với những biến đổi của sự cải tổ. Song, quá trình dân chủ hóa không bảo đảm đúng mục tiêu và nguyên tắc đặt ra ban đầu là phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, phát triển hơn nữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thậm chí ngày càng bị lái theo định hướng tư bản chủ nghĩa của phương Tây, do đó, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Những năm 1990 - 2000, các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ vẫn tiếp tục quá trình dân chủ hóa, nhưng là dân chủ hóa theo các định hướng dân chủ phương Tây. Bên cạnh đó, ở Nam Âu, trong những năm cuối thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi trong cấu trúc chính trị theo hướng dân chủ hóa của các chế độ độc tài, điển hình là ở các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ...

Ở châu Á: Ở nhiều nước như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc và Việt Nam, quá trình dân chủ hóa, các cải cách dân chủ với những mục tiêu và nguyên tắc, nội dung và hình thức khác nhau được xúc tiến mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Ở Trung Quốc, quá trình dân chủ hóa bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 12/1978) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về dân chủ, coi đây là một nội dung của quá trình nhận thức lại chủ nghĩa xã hội và phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục khuynh hướng coi nhẹ dân chủ, xác định không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Tại các kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, XIV, XV, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục xác định mục tiêu đẩy mạnh cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa. Tiếp đó, Đại hội XVI (năm 2002) xác định kiên trì và hoàn thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, làm phong phú thêm các hình thức dân chủ, mở rộng sự tham gia của nhân dân; nhân dân dựa vào pháp luật để thực hiện quyền bầu cử, tự do và dân chủ. Từ đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, trọng tâm cải cách ở Trung Quốc chuyển từ kinh tế sang chính trị, từ khoán hộ sang tự trị. Từ cuối những năm 1990 của thế kỷ XX, chuyển từ thôn tự trị lên cải cách hương trấn. Từ năm 2001, tiến hành thí điểm cải cách hương trấn, trong đó khâu đột phá là cải cách thể chế, chuyển phương thức bổ nhiệm sang đề cử và bầu cử cán bộ hương trấn. Từ năm 2003, cải cách hương trấn được đẩy mạnh, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách thực chất. Dân chủ hóa ở nông thôn Trung Quốc thực sự là một cuộc diễn tập dân chủ với quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Tại Myanmar, nơi chịu sự cai trị của chế độ độc tài quân sự trong suốt nửa thế kỷ, khi lộ trình dân chủ hóa bảy bước được đưa ra vào năm 2003, quá trình chuyển đổi được đánh giá là “ngoạn mục”, khi thể chế chính trị chuyển từ độc tài quân sự sang dân chủ và chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự (1992 - 2010) sang chính quyền bán dân sự (2010 - 2015), và cuối cùng là chính quyền dân sự hoàn toàn (từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2018) diễn ra một cách hòa bình. Quá trình dân chủ hóa ở Myanmar gắn với sự ổn định chính trị, góp phần thay đổi hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước. Tuy nhiên, ngày 01/02/2021 đã diễn ra một cuộc đảo chính, khi quân đội bắt giữ nhà lãnh đạo Suu Kyi cùng nhiều quan chức dân sự cấp cao khác trong đảng cầm quyền. Từ đó đến nay, Myanmar chìm sâu trong cuộc nội chiến giữa lực lượng nổi dậy và chính quyền quân sự, đẩy tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia này lún sâu vào khủng hoảng. Mặc dù thời kỳ chính quyền dân sự ở Myanmar không kéo dài, nhưng cũng đã làm thay đổi cơ bản về chính trị, xã hội cũng như đối ngoại của quốc gia này.

Ở khu vực Mỹ Latinh: Quá trình dân chủ hóa ở Mỹ Latinh diễn ra từ những năm 1980. Theo đó, các cuộc bầu cử dân chủ tự do đã hình thành nên các chính phủ dân chủ. Các sự kiện ở Mỹ Latinh chỉ ra rằng, dân chủ hóa ở khu vực này không đơn nghĩa, mặc dù còn non yếu và đứng trước nhiều khó khăn, nhưng các chính quyền dân chủ đã trụ lại được ở đa số các nước trong khu vực.

Ở châu Phi: Mặc dù dân chủ hóa chưa đạt được nhiều thành tựu, song tại một số nước như Ai Cập, Maroc, Sénégal, Nigeria, Zimbabwe, Malawi, các giá trị dân chủ đã bén rễ từ những năm 1990.

Thực tế cho thấy, quá trình dân chủ hóa đã góp phần đưa đến những thành công trong phát triển kinh tế của một số nước, như: Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; Ấn Độ, Sri Lanka, Costa Rica những năm 1950 - 1980; Mali, Ghana và Tanzania những năm 1990; một số nước mới gia nhập EU và Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nước không thành công trong quá trình thực hiện, hoặc phải trả giá bằng sự xung đột, bất ổn chính trị, những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trong những năm 1990 - 1991. Đặc biệt, từ trước đến nay, các nước phương Tây vẫn cho rằng nền dân chủ ở châu Âu là “mô hình mẫu mực, có tính phổ quát” đối với nhân loại, do đó, sau khi 

Chiến tranh lạnh kết thúc, “xuất khẩu” nền dân chủ kiểu Mỹ được tiến hành một cách mạnh mẽ, nhằm mục đích chuyển hóa chế độ chính trị ở các nước được cho là “cứng đầu”. Để áp đặt các giá trị dân chủ của mình, trong những năm qua, các nước phương Tây đã “giật dây” tiến hành các cuộc “cách mạng màu” ở nhiều nước và các vùng lãnh thổ bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài, thông qua cái gọi là “giương cao ngọn cờ dân chủ”: Nam Tư (năm 2000), Gruzia (năm 2003), Kyrgyzstan (năm 2005), Liban (năm 2005), Iran (năm 2009), Tunisia (năm 2010), Ai Cập (năm 2011), Ukraina (năm 2014), Hồng Kông (năm 2014); ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi: Libya , Syria, Algérie, Yemen, Maroc, Jordan, Ả Rập Xê Út, Oman, Iraq… Và gần đây là những diễn biến chính trị phức tạp tại Myanmar, Venezuela, Bangladesh. Tác động của các cuộc “cách mạng màu” và sự áp đặt của các giá trị dân chủ phương Tây trong những năm qua đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với các nước, nhất là tình trạng chiến tranh, xung đột, mất ổn định chính trị, chia rẽ, ly khai, nghèo đói…

3. Kinh nghiệm từ quá trình dân chủ hóa ở các nước đối với Việt Nam hiện nay

Trong gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định: Cùng với đổi mới về kinh tế là đổi mới về chính trị, mục tiêu chủ yếu là xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ đã trở thành mục tiêu và động lực của sự nghiệp đổi mới, một trong những nội dung cơ bản trong mục tiêu chiến lược dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” được đề cập trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện trước đó, Văn kiện Đaihội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân”1. Đặc biệt, Đại hội đã bổ sung cụm từ “dân thụ hưởng” vào phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”2 nhằm hiện thực hóa mục tiêu thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trong gần 40 năm đổi mới, tiến trình dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu sau:

Một là, dân chủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội không ngừng được mở rộng. Tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được đổi mới; Đảng không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; ngày càng phát huy tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.

Ba là, tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Các quyền và nghĩa vụ của công dân tiếp tục được cụ thể hóa, như quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, quyền đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền, quyền tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, quyền thảo luận và giám sát các dự án, chương trình phát triển của đất nước... Người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện tốt quy chế tiếp công dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bốn là, các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ngày càng hoàn thiện. Năm 1998, Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở; năm 2007, Quốc hội ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, sau đó là Luật Thực hiện dân chủ cơ sở (có hiệu lực từ tháng 7/2023), tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hành dân chủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, thực hành dân chủ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh.

Năm là, dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế thể hiện tập trung ở quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng, bình đẳng trước pháp luật. Kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Có thể nói, quá trình dân chủ hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo động lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Hiện nay, quá trình dân chủ hóa ở nước ta chịu sự tác động của quá trình dân chủ hóa của các nước trên thế giới. Những thành công và hạn chế trong thực hiện dân chủ hóa ở các nước thời gian qua là bài học kinh nghiệm quý báu để Việt Nam nghiên cứu, tham chiếu vào thực tiễn phát huy dân chủ.

Thứ nhất, dân chủ hóa phải bắt nguồn từ những yêu cầu nội tại về dân chủ. Mọi sự áp đặt giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền từ bên ngoài đều không thành công, hoặc phải trả giá đắt bằng xung đột và sự mất ổn định chính trị. Tạo dựng các nền dân chủ theo mô hình phương Tây ở các nước ngoài phương Tây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển của các nước từ khía cạnh tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật, điển hình là bài học từ cuộc “cách mạng màu” ở một số nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi trong những năm qua và ở Bangladesh hiện nay. Trên thực tế, “các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”3. Thực tế gần 40 năm đổi mới cho thấy, nền dân chủ phù hợp nhất đối với Việt Nam phải là nền dân chủ do chính nhân dân Việt Nam xây dựng, không thể là sự sao chép hoặc bị áp đặt bởi mô hình dân chủ của bất cứ quốc gia nào. Do vậy, trong quá trình mở rộng, phát huy dân chủ, cần hết sức cảnh giác với những chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “con đường thứ ba” của các thế lực thù địch.

Thứ hai, dân chủ hóa cần dựa trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện hệ thống các thể chế dân chủ - cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền hành động có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân; đồng thời là cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Trong thời gian qua, Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống các thể chế dân chủ, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnhphúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”4.

Thứ ba, quá trình dân chủ hóa chỉ được khởi động và tiến hành có hiệu quả trong những điều kiện nhất định. Đó là những cải cách kinh tế đáp ứng kịp thời những yêu cầu bức xúc nhất, sự định hướng thị trường rộng lớn, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, sự hình thành tầng lớp trung lưu là những điều kiện tiên quyết để quá trình dân chủ hóa có kết quả. Ở Việt Nam, dân chủ hóa xã hội trước hết cần thể hiện trong lĩnh vực kinh tế, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để người dân được làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ quá trình tổ chức quản lý kinh tế và thu hưởng thành quả lao động.

Thứ tư, trên cơ sở kế thừa những giá trị phổ biến về dân chủ hóa ở các nước, dân chủ hóa ở nước ta cần được tiến hành với hình thức, bước đi cụ thể và phù hợp. Quá trình dân chủ hóa cần tính đến các đặc điểm cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có những đặc điểm về cấu trúc của hệ thống chính trị đã hình thành trong lịch sử. Cần ý thức được những khó khăn, phức tạp của vấn đề, hạn chế những ảo tưởng của một số người vào quá trình dân chủ hóa. Đối với Việt Nam, phát huy dân chủ xã hội phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng nhu cầu thực tiễn, trình độ phát triển của đất nước. Các giải pháp đưa ra phải phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa và thực tiễn chính trị của Việt Nam, đồng thời phải là sự sáng tạo của chính người Việt Nam. Đặc biệt, để tiến hành dân chủ hóa, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao dân trí, trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật và văn hóa làm chủ của người dân.

Thứ năm, dân chủ hóa xã hội phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng dân chủ quá trớn, vô chính phủ. Ở Việt Nam, phát huy dân chủ cần gắn với giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, dân chủ hóa xã hội phải được tiến hành theo các nguyên tắc: Bảo đảm quyền của người dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; tôn trọng ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 172, 173.

3, 4. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 20, 28.

TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

ThS. PHẠM VĂN PHONG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

1. Nguồn gốc, nội dung và bản chất xu hướng dân chủ hóa xã hội Dân chủ hóa là quá trình biến những khả năng, điều kiện, tiền đề dân chủ thành hiện thực dân chủ trong đời sống xã hội; đồng thời, đây cũng là những cuộc vận động xã hội, trào lưu xã hội, trong đó các giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo, tự giác, thiết thực, trách nhiệm và đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực, các quy định của nhà nước và xã hội. Dân chủ hóa còn được hiểu là sự gia tăng số lượng các quốc gia tham gia vào các quá trình dân chủ trên cơ sở mở cửa nền kinh tế, thừa nhận và thực hiện các quyền tự do, dân chủ của c&oc

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn