Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định khoa học lý luận chính trị là một trong 4 nhóm thuộc hệ thống các khoa học cần phải quan tâm đầu tư thỏa đáng. Theo đó, để phát triển khoa học lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới cần phải chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức lý luận chính trị bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức lý luận chính trị ở nước ta hiện nay.

Xây dựng đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học lý luận chính trị ở nước ta hiện nay
Xây dựng đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

1. Trí thức lĩnh vực khoa học lý luận chính trị là một bộ phận của đội ngũ trí thức, hoạt động chuyên môn chủ yếu là nghiên cứu lý luận chính trịgiáo dục lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sản phẩm lao động sáng tạo trực tiếp của trí thức lý luận chính trị là các công trình nghiên cứu, bài giảng, bài viết, đề án, kiến nghị, quyết định quản lý… về lĩnh vực lý luận chính trị và có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Xây dựng đội ngũ trí thức lĩnh vực lý luận chính trị là tổng thể các biện pháp để phát triển đội ngũ trí thức lý luận chính trị đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đây là công việc quan trọng góp phần nâng tầm lý luận của Đảng cũng như xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định(1). Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; các cơ quan, tổ chức hoạt động lý luận chính trị và bản thân đội ngũ trí thức lý luận chính trị là các chủ thể trực tiếp.

 

2. Trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng.

 

Thứ nhất, chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của đội ngũ trí thức lý luận chính trị ngày càng hoàn thiện và được thực hiện khá hiệu quả

 

Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị(2), nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học được giao đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn và lý luận chính trị(3). Theo đó, hàng vạn nhân lực có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ khoa học xã hội nhân văn và lý luận chính trị được đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ(4).

 

Phần đông trong số đó trở thành những trí thức hoạt động chuyên nghiệp trong giảng dạy, thông tin, tuyên truyền, xuất bản, nghiên cứu lý luận chính trị, đấu tranh tư tưởng, lý luận và tham gia công tác lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, đội ngũ trí thức lý luận chính trị đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu trong giai đoạn 2001-2005 mới có trên 2000 giảng viên lý luận chính trị(5) thì đến nay, có hơn 6500 giảng viên lý luận chính trị, trong đó có 19 GS, 281 PGS, 1313 TS, 4017 ThS và 918 cử nhân(6). Năm 2011, cả nước có 30.643 cán bộ trực tiếp tham gia nghiên cứu lý luận thì đến năm 2015, số cán bộ trực tiếp tham gia nghiên cứu lý luận lên đến 43.683 người(7).

 

Thứ hai, việc xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức lý luận chính trị có bước tiến rõ nét.

 

Đảng, Nhà nước đã xây dựng các chính sách, quy định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lý luận chính trị. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định về chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị; về xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị; về tuyển dụng, sử dụng, điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ nhuận bút, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo; về phụ cấp đảng, đoàn thể; về đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế đấu thầu, đặt hàng, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu lý luận chính trị…

 

Các quy định về thực hiện dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị; về tư vấn, phản biện và giám định xã hội; về trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, tuyên truyền; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong xuất bản, viết bài, tham gia tọa đàm, hội thảo, trả lời phỏng vấn và công bố kết nghiên cứuđược ban hành và tổ chức thực hiện bài bản. Nhờ vậy, đã góp phần cải thiện một bước quan trọng điều kiện, môi trường kinh tế - xã hội, chính trị - pháp lý, văn hóa - học thuật bảo đảm dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, giúp các tổ chức, đơn vị của trí thức và đội ngũ trí thức lý luận chính trị chủ động và nâng cao trách nhiệm trong các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.

 

Thứ ba, việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, khẳng định, tôn vinh trí thức lý luận chính trị ngày càng được quan tâm.

 

Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng việc đặt hàng, giao nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giáo dục, đấu tranh tư tưởng, lý luận. Nhiều cơ chế khẳng định, tôn vinh trí thực lý luận chính trị đã hình thành như: thi báo cáo viên giỏi, thi giảng viên lý luận chính trị giỏi, các cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giải thưởng Búa Liềm vàng(8), giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, giải thưởng Nghiên cứu lý luận chính trị… Sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng của đội ngũ trí thức lý luận chính trị đã phục vụ thiết thực cho việc xây dựng các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các quyết định của Chính phủ, các biện pháp, chính sách của bộ, ngành và các địa phương trong cả nước(9)... Kết quả đó cho thấy sự phát triển, trưởng thành của đội ngũ trí thức lý luận chính trị và hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với trí thức lý luận chính trị.

 

3. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập.

 

Một là, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng, cơ cấu của đội ngũ trí thức lý luận chính trị vẫn còn không ít bất cập.

 

Cơ chế, chính sách thu hút học sinh giỏi ở bậc trung học phổ thông tham gia đào tạo cử nhân các chuyên ngành lý luận chính trị và thu hút những người giỏi vào công tác ở các cơ quan, đơn vị chuyên môn về lý luận chính trị chưa đủ sức hấp dẫn. Một số trường đại học được giao đào tạo cử nhân các chuyên ngành lý luận chính trị song chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp (có năm điểm sàn 3 môn không quá 16 điểm). Đến nay chưa có mã ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị từ bậc đại học. Một số cán bộ đào tạo từ nước ngoài có hiểu biết hạn chế về thực tiễn Việt Nam; trong khi không ít cán bộ được đào tạo ở trong nước am hiểu thực tế Việt Nam nhưng hạn chế về ngoại ngữ(10).

 

Hiện nay, trình độ, cơ cấu của đội ngũ trí thức lý luận chính trị có mặt bất hợp lý. Ở các trường chính trị tỉnh, thành phố, tính đến hết năm 2020, có 465 (23,35%) giảng viên chưa được đào tạo chuyên ngành lý luận chính trị. Tỷ lệ giảng viên trình độ cử nhân còn cao, chiếm 22,86% (349 giảng viên) và số giảng viên có trình độ tiến sĩ mới có 86 (5,63%). Số giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng có trình độ cử nhân còn lớn (gần 1000 giảng viên), số giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ đạt 4,58%, số tiến sĩ đạt 20,05% (trong khi đó, trung bình chung giảng viên đại học, cao đẳng cả nước đạt hơn 28,8% là tiến sĩ).

 

Hai là, môi trường, điều kiện hoạt động của trí thức lý luận chính trị vẫn tồn tại không ít rào cản, khó khăn, vướng mắc.

 

Cấp ủy, chính quyền ở một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và đấu tranh tư tưởng, lý luận. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ quản lý cơ quan khoa học và công nghệ yếu về năng lực, phẩm chất; quan liêu, ngại gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại với trí thức; thậm chí còn suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sa vào tham nhũng, tiêu cực… Môi trường giáo dục, học thuật ở không ít đơn vị vẫn đơn điệu, xuôi chiều, ít đối thoại, tranh luận; việc đánh giá, thi đua, khen thưởng vẫn còn biểu hiện nể nang, cào bằng và nhiều thủ tục hành chính rườm rà.

 

Kết quả nghiên cứu các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận chính trị chưa được phổ biến, khai thác hiệu quả. Đến nay, vẫn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số người làm công tác lý luận chính trị chưa tiếp cận nội dung quy định số 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước. Phần đông cán bộ, giảng viên lý luận chính trị ở các trường chính trị, trung tâm chính trị và ở các trường đại học, cao đẳng không chuyên lý luận chính trị chỉ chú trọng hoạt động tuyên truyền, giảng dạy, ngại tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận và ít quan tâm hoặc không có điều kiện tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị.

 

Ba là, chưa có các cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng mang tính đột phá để tạo động lực phát triển trí thức, nhân tài trong lĩnh vực lý luận chính trị.

 

Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị đặt vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ lý luận chính trị có trình độ cao. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ: “tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia đầu ngành;… có chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của các nhà khoa học”… Đến nay, các nội dung này tuy có cải thiện song chưa có những đột phá, “chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng để phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về lý luận chính trị”(11); chưa có kế hoạch tạo nguồn và chiến lược phát triển trí thức, nhân tài, nhất là chiến lược phát triển trí thức, chuyên gia đầu ngành về lý luận chính trị.

 

Vì vậy, nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu, giáo dục, đào tạo lý luận chính trị đang hẫng hụt cán bộ, thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia có học hàm, học vị cao, có năng lực tổ chức và nghiên cứu khoa học, năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực hợp tác quốc tế, nhất là ở các chuyên ngành Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có những chính sách căn cơ, đột phá mạnh mẽ và triển khai thực thi quyết liệt thì tình trạng này trong những năm tới không những không được cải thiện mà thậm chí còn khó khăn hơn.

 

4. Bối cảnh mới của thế giới và trong nước đang đặt ra yêu cầu mới đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị ở nước ta.

 

Tình hình thế giới những năm gần đây tiếp tục biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn song chiến tranh, xung đột cục bộ và cạnh tranh chiến lược giữa các nước về kinh tế, thương mại, tài nguyên, công nghệ và nhân lực chất lượng cao ngày càng quyết liệt… Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực. Phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu; đô thị hóa, đô thị thông minh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Tuy nhiên, khủng hoảng, suy thoái kinh tế, những thách thức an ninh phi truyền thống vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự ổn định, phát triển bền vững của thế giới và các nước. Ở trong nước, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi chưa từng có nhưng cũng đang đối diện với những nguy cơ, thách thức phức tạp. Sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước chưa đạt yêu cầu đề ra. Năng lực cạnh tranh quốc gia còn nhiều hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu chưa có chuyển biến căn bản. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại và có mặt diễn biến gay gắt, phức tạp không thể xem thường…

 

Trong bối cảnh như vậy đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức lý luận chính trị phải đổi mới mạnh mẽ để góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường sự thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện cho kỳ được các mục tiêu phát triển theo các dấu mốc quan trọng: đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đây là thách thức to lớn, nặng nề song cũng là trọng trách vinh quang, “một chân trời sáng tạo rộng lớn, một thời cơ phát triển rất tốt đẹp đang mở ra”(12) đối với trí thức lý luận chính trị nước ta. Theo đó, công tác xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị ở nước ta hiện nay cần quan tâm mấy yêu cầu sau:

 

Thứ nhất, chú trọng phát triển khoa học lý luận chính trị đồng bộ với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn(13). Đầu tư, phát triển các khoa học lý luận chính trị phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và gắn kết chặt chẽ với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Tránh tư tưởng xem nhẹ khoa học lý luận chính trị, coi thường việc học tập, giáo dục lý luận chính trị và cũng cần tránh tư tưởng cô lập, tách rời khoa học lý luận chính trị với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.

 

Thứ hai, xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị lớn mạnh toàn diện, đủ số lượng, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Bảo đảm cơ cấu đội ngũ trí thức lý luận chính trị hợp lý về chuyên ngành, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính, học hàm, học vị… ở các cơ quan đào tạo, tuyên truyền, nghiên cứu, xuất bản, lãnh đạo, quản lý… Coi trọng việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, niềm tin, tình cảm, ý chí cách mạng để đội ngũ trí thức lý luận chính trị đủ sức đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

 

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của trí thức với yêu cầu vừa bảo đảm dân chủ, tự do sáng tạo vừa đề cao đạo đức, trách nhiệm chính trị của tổ chức, cá nhân trong giáo dục lý luận, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận. Hoàn thiện đồng bộ yếu tố cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận; cải thiện môi trường làm việc, môi trường văn hóa học thuật, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ lãnh đạo, quản lý; hoàn thiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh trí thức lý luận chính trị (tiền lương, thu nhập, giải thưởng, danh hiệu…)(14)… Chú trọng sự gắn bó mật thiết giữa tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách; giữa nghiên cứu lý luận chính trị với giáo dục lý luận chính trị; giữa giảng dạy, giáo dục lý luận chính trị với nghiên cứu lý luận chính trị. Bảo đảm tự do tư tưởng, tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu lý luận chính trị đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công bố, phổ biến, sử dụng, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu “không có vùng cấm”, song việc giảng dạy, tuyên truyền lý luận chính trị phải theo quy định của Đảng và Nhà nước(15).

 

5. Để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức lý luận chính trị ở nước ta theo các yêu cầu nói trên, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau.

 

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức lý luận chính trị

 

Nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò của trí thức lý luận chính trị. Trí thức lý luận chính trị không chỉ có vai trò tự thân của mình thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính, giáo dục lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận mà còn có vai trò, trách nhiệm gắn kết, huy động, tập hợp, định hướng để đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn ra sức lao động sáng tạo, cống hiến, phục vụ sự nghiệp cách mạng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của trí thức lý luận chính trị phải gắn liền với đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức của trí thức. Đánh giá, trọng dụng trí thức nói chung và trí thức lý luận chính trị nói riêng không chỉ dựa vào bằng cấp, thâm niên mà phải thông qua giao việc, đặt hàng và nhất là lượng hóa kết quả, sản phẩm lao động sáng tạo của trí thức. Đây là cơ sở để xây dựng và tổ chức thực hiện sáng tạo, có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách vĩ mô và vi mô phù hợp với trí thức nói chung và trí thức lý luận chính trị nói riêng.

 

Hai là, tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển trí thức lý luận chính trị

 

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, của Đảng về phát triển trí thức lý luận chính trị. Trong đó, cần thiết phải xây dựng quy hoạch,  phát triển kế hoạch đội ngũ trí thức lý luận chính trị gắn với yêu cầu nghiên cứu lý luận chính trị, giáo dục lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận trong thời kỳ mới. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, kể cả chính sách đặc biệt(16) đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi, cán bộ giỏi thuộc các khối ngành, nhất là các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, ngoại ngữ… có năng khiếu, đam mê lý luận chính trị tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận… Xây dựng, ban hành quy định về việc cán bộ lý luận chính trị đi thực tế dài hạn, kết hợp với tổng kết thực tiễn ở các ban, bộ, ngành, địa phương.

 

Tiếp tục hoàn thiện quy định thực hiện dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn và lý luận chính trị bảo đảm, bảo vệ quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo vì lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tiền lương, thu nhập, giải thưởng, khen thưởng, ... để thu hút, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức lý luận chính trị, nhất là đối với trí thức trẻ tài năng, triển vọng và chuyên gia đầu ngành. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý đối với trí thức và trí thức lý luận chính trị, trong đó cần đặc biệt đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

 

Ba là, tổ chức thực hiện nghiêm, sáng tạo, hiệu quả các cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức lý luận chính trị.

 

Tiếp tục “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân(17). Bảo đảm dân chủ, tự do tư tưởng, khám phá, tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu lý luận chính trị đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công bố, phổ biến, sử dụng kết quả nghiên cứu.

 

Đổi mới, kiện toàn, củng cố các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước. Đẩy nhanh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác nghiên cứu, thông tin, giảng dạy, đấu tranh tư tưởng lý luận và ứng dụng kết quả nghiên cứu lý luận chính trị. Tập hợp, huy động đông đảo trí thức, chuyên gia lý luận, các nhà hoạt động thực tiễn trong cả nước tham gia thực hiện tốt Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025.

 

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trịKhắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp và cán bộ, giáo viên, giảng viên trong các đơn vị khoa học, giáo dục, đào tạo. Khâu đột phá là đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị(18). Theo đó, cần có chế độ, chính sách đặc biệt ưu tiên, thu hút trong đào tạo các chuyên ngành giảng viên lý luận chính trị như: giảng viên Triết học, giảng viên Kinh tế chính trị, giảng viên Chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên Hồ Chí Minh học, giảng viên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống trường đảng và các trường đại học, cao đẳng.

 

Tổ chức thực hiện tốt việc đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đội ngũ trí thức lý luận chính trị phải là đội quân chủ lực, nòng cốt(19) trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(20) để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là đơn vị nghiên cứu, thông tin, giảng dạy lý luận chính trị vừa tự mình nêu gương vừa phải chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu kết hợp giảng dạy, giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu lý luận chính trị với đấu tranh tư tưởng, lý luận một cách chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo và hiệu quả./.

____________________________________________

(1) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

(2) Có thể kể đến các chủ trương, chính sách như: Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án một số biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Quuyết định 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2019-2030…

(3) Ví dụ: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện trực thuộc, nhất là Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có Học viện Khoa học xã hội; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Huế; và một số khoa Lý luận chính trị, khoa Giáo dục chính trị, khoa Khoa học chính trị thuộc các trường đại học như Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Huế, Đại học sư phạm Tp Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Đà Nẵng, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Đại học Đồng Tháp, Đại học Tây Nguyên…

(4) Trong đó có các chuyên ngành Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Hồ Chí Minh học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Chính trị học, Giáo dục chính trị, Quản lý văn hóa, Công tác tư tưởng, Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, Pháp luật về quyền con người, Chính sách công, Báo chí, Xuất bản, Tôn giáo học, Quan hệ quốc tế…

(5) Lê Văn Lợi: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12/2020, tr.35-42.

(6) Kết quả khảo sát, tổng hợp năm 2022 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

(7) Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo cáo số 72-BC/BTGTW ngày 20/8/2021 Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, tr.6.

(8) Từ năm 2005 đến nay, Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 7 kỳ với 883 giảng viên tham gia ở cấp toàn quốc; Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng lần thứ VII, năm 2022 có 2.031 tác phẩm dự thi; Cuộc thi Viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 có 116.252 tác phẩm dự thi, trong đó phần lớn tác giả là trí thức lý luận chính trị.

(9) Nguyễn Viết Thông - Lê Thị Sự: Trí thức và vai trò của trí thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.103.

(10) Xem Phạm Văn Đức - Nguyễn Đình Hòa: Về sự phát triển của khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9/2020, tr.19-20.

(11) Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo cáo số 72-BC/BTGTW ngày 20/8/2021 Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 37 –NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, tr.11.

(12) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr.279.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.140.

(14) Lê Văn Lợi: Trí thức - đặc điểm nhận diện và các nhân tố ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay, tại trang: https://www.tuyengiao.vn/, cập nhật ngày 13/2/2023.

(15) Lê Hữu Nghĩa: Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tại trang: https://tuyengiao.vn/, cập nhật ngày 19/3/2021.

(16) Nguyễn Đức Bình: Chủ thuyết cách mạng và phát triển Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.234.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, Tập1, tr.181-182.

(18) Khảo sát mới đây của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho thấy, đến năm 2026, cả nước cần bổ sung khoảng 2000 giảng viên lý luận chính trị.

(19) Nguyễn Duy Bắc: Khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn góp phần bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, tại trang: http://lyluanchinhtri.vn/, cập nhật ngày 21/10/2022.

(20) Đỗ Văn Quân - Đặng Thị Minh Lý: Nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị theo yêu cầu của Đại hội XIII, tại trang: https://www.tuyengiao.vn/, cập nhật ngày 13/9/2022.

 GS, TS. Lê Văn Lợi

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Trí thức lĩnh vực khoa học lý luận chính trị là một bộ phận của đội ngũ trí thức, hoạt động chuyên môn chủ yếu là nghiên cứu lý luận chính trị, giáo dục lý luận chính trị và đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sản phẩm lao động sáng tạo trực tiếp của trí thức lý luận chính trị là các công trình nghiên cứu, bài giảng, bài viết, đề án, kiến nghị, quyết định quản lý… về lĩnh vực lý luận chính trị và có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.   Xây dựng đội ngũ trí thức lĩnh vực lý luận chính trị là tổng thể các biện pháp để phát triển đội n

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn