Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, luôn trung thành một cách sáng tạo với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của Cách mạng Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới - thực tiễn và kinh nghiệm
Vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới - thực tiễn và kinh nghiệm

Từ khi ra đời đến nay, thấm nhuần bài học vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh (cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin), Đảng đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu lý luận, thực tiễn nổi bật, có ý nghĩa to lớn trong vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của gần 40 năm qua đang tạo tiền đề quan trọng đưa đất nước bước vào thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (ngày 19-5-1955), Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam - Ảnh: Tư liệu

1. Thành tựu, hạn chế vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới

Một là: Những thành tựu chủ yếu

Chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội mới đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam là kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế thời đại

Từ khi gặp được lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và cuộc Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định dứt khoát chỉ có đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga, cách mạng giải phóng dân tộc mới giành được thắng lợi[1]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi có tầm thế giới. Đi lên CNXH là con đường lựa chọn duy nhất của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời.

Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ XX, CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới lâm vào thoái trào, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhưng nhờ có sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh (cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin) của Đảng, mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thách thức và giữ vững mục tiêu: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Quan điểm: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh[2] được nêu trong Đại hội IX, như một lời tuyên thệ với nhân dân, tuyên bố với thế giới về sự kiên định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[3]. Muốn dân được ấm nó, hạnh phúc chỉ có thể đi lên chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới đã chứng minh: “… con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại[4]. Nó đã đáp ứng được khát vọng của nhân dân Việt Nam, thể hiện sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình thành hệ mục tiêu tổng quát và đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng “dân giàu, nước mạnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kế thừa và phát triển học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. CNXH là “dân giàu, nước mạnh”[5], là độc lập, tự do “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[6]. Thấm nhuần và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, qua các kỳ đại hội của thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhận thức và xác định ngày càng rõ, cụ thể mục tiêu tổng quát của CNXH Việt Nam gồm 5 hệ mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”[7]. Đây vừa là mục tiêu tổng quát, vừa là những giá trị cốt lõi của CNXH Việt Nam, làm cơ sở để Đảng xác định các đặc trưng và biện pháp xây dựng CNXH Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Trong tư tưởng Chí Minh, CNXH không phải là những gì cao siêu, huyền bí, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người. Bản chất của CNXH, theo Người là làm cho dân giàu, nước mạnh; là công bằng hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom[8]. Đó là một xã hội có sự thống nhất biện chứng của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định các đặc trưng của CNXH Việt Nam. Nghiên cứu tổng kết lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH; tổng kết những thành công, thất bại của các mô hình XHCN trên thế giới; tổng kết những thành tựu, hạn chế của CNXH Việt Nam thời kỳ trước đổi mới và những năm đầu của thời kỳ đổi mới để từng bước hình thành mô hình CNXH Việt Nam. Trên nền tảng của sáu đặc trưng cơ bản trong Cương lĩnh 1991[9], tổng kết 25 năm thực hiện đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng đã bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng thể hiện bản chất của CNXH mà nhân dân ta xây dựng [10]. Với các đặc trưng trong Cương lĩnh 2011 (bổ sung, phát triển), mô hình CNXH Việt Nam đã được “định hình”, tạo nên một hệ thống chỉnh thể với các trụ cột chính kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người, đối nội, đối ngoại, “thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt riêng có của CNXH Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi[11].

Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng con đường (cách thức, biện pháp) xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới

Hồ Chí Minh luôn kiên định nguyên lý “phổ biến và đặc thù” khi xác định con đường, biện pháp xây dựng CNXH. CNXH có mục tiêu, nguyên lý chung, nhưng phải phù hợp với đặc điểm lịch sử của mỗi nước khi tiến hành xây dựng. Việt Nam làm khác Liên Xô và các nước khác cũng là mác xít, vì “Việt Nam có những điều kiện cụ thể khác”[12]. Người chỉ rõ đi lên xây dựng CNXH là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài, “không thể một sớm một chiều”[13]. Phải sử dụng nhiều biện pháp, cải tạo cái cũ kết hợp với xây dựng cái mới (lấy xây là chính); kết hợp hài hòa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Trên cơ sở những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn đổi mới đất nước cũng như bối cảnh quốc tế, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã tìm câu trả lời cho câu hỏi: Xây dựng CNXH Việt Nam bằng cách nào? Đến Đại hội XI, câu hỏi này bước đầu đã sáng tỏ. Xây dựng CNXH ở Việt Nam đã được “định hướng” với 8 phương hướng chủ yếu[14]. Các phương hướng đã phản ánh nội dung toàn diện các lĩnh vực xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu phát triển bền vững, gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, con người… Cùng với 8 phương hướng, Đảng cũng xác định 10 mối quan hệ lớn[15] cần nắm vững và xử lý trong xây dựng CNXH, phản ánh quy luật của đổi mới, là nội dung lý luận của đường lối đổi mới của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành lý luận của Đảng cầm quyền.

Nhờ phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, từ tổng kết thực tiễn Đảng đã xác định rõ khung lý luận CNXH ở Việt Nam là hệ thống gồm 8 đặc trưng của xã hội XHCN (mô hình), 8 phương hướng cơ bản (con đường) xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ và 10 mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật của đổi mới, thể hiện sự trưởng thành lý luận của Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nhờ đó, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[16].

Hai là: Một số hạn chế chủ yếu

Trong xác định mục tiêu và đặc trưng của CNXH Việt Nam

“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là mục tiêu tổng quát và giá trị cốt lõi của CNXH Việt Nam, là bản chất tốt đẹp, ưu việt riêng có của CNXH Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, đến nay nội hàm của từng hệ mục tiêu vẫn còn dừng ở khái niệm chung chung, chưa cụ thể hóa, chưa làm rõ được những giá trị cốt lõi của từng hệ mục tiêu và mối quan hệ biện chứng giữa 5 thành tố. Mặt khác, “Mục tiêu tổng quát” này cũng không phải là khép kín, mà cần được hiểu là một hệ thống mở, cần được tiếp tục bổ sung những thành tố mới đáp ứng khát vọng của nhân dân, mong ước của Hồ Chí Minh và phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, nhất là thành tố “độc lập, tự do, hạnh phúc”, “bền vững”.

Trong gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã có ba lần bàn về đặc trưng CNXH Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện tường minh trong nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất của CNXH Việt Nam. Hiện nay trong xã hội, nhất là trong giới lý luận ở Việt Nam chưa có sự thống nhất cao khi sử dụng khái niệm “đặc trưng”; sự giống và khác nhau giữa các “đặc trưng của CNXH trong thời kỳ quá độ lên CNXH” và “đặc trưng của CNXH sau khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH” cũng chưa được làm sáng tỏ (8 đặc trưng hiện nay là của giai đoạn nào?); cách diễn đạt một số đặc trưng cũng còn lúng túng chưa rõ căn cứ khoa học (về quan hệ sản xuất trong đặc trưng về kinh tế; về tính chất của nền văn hóa trong đặc trưng văn hóa). Nội hàm biểu hiện mới về “chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu” và tính chất “dân tộc, khoa học, đại chúng” theo quan niệm của Hồ Chí Minh chưa được phân tích thấu đáo.

Trong định hướng” con đường, biện pháp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Để thực hiện “dân giàu, nước mạnh” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được Đảng coi là “đột phá lý luận” và xác định đây là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Tuy nhiên, cho đến nay, về những nội hàm, đặc trưng cơ bản của khái niệm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường vẫn chưa có sự thống nhất cao trong Đảng, ngoài xã hội. Mối quan hệ “giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN” vẫn là tiếp tục cần làm rõ. Câu hỏi tiếp tục đặt ra về lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng là làm thế nào đề giữ vững mục tiêu CNXH khi phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động hết sức phức tạp hiện nay?

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn khá nhiều nội dung chưa sáng tạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng - biện pháp quyết định thành công của CNXH, cũng chưa được nhận thức và giải quyết một cách quyết liệt, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực trong Đảng. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN còn lúng túng. Mặc dù đã phát triển sáng tạo quan điểm “muôn điều phải có thần linh pháp quyền”, nhưng vẫn chưa thấy rõ được pháp quyền là phương thức thực hiện quyền lực của nhân dân hiệu quả nhất. Mô hình, cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền với 3 nhánh quyền lực còn chưa thật rõ, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Chưa có cơ chế ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn bị hành chính hóa.

Về văn hóa - xã hội - đối ngoại, nhiều nội dung chưa được bàn thấu đáo. Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam mới chỉ là bắt đầu. Giải pháp đột phá phát triển giáo dục, đào tạo để xây dựng con người “vừa hồng, vừa chuyên” chưa được khơi thông; trọng dụng nhân tài theo tinh thần của Hồ Chí Minh vẫn dừng ở quan điểm chưa có giải pháp đột phá. Khoảng cách giàu nghèo, phân cực xã hội có xu hướng gia tăng; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Nội hàm của khái niệm “lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập, chủ quyền”, “ưu tiên bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc” trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay còn chung chung, chưa rõ[17].

Những hạn chế trên đang là kẽ hở, tác nhân để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hết sức quyết liệt, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, trong đó, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH đang được các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội khai thác triệt để.

2. Thành tựu, hạn chế trong vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc XHCN từ đổi mới 1986 đến nay

Một là: Một số thành tựu chủ yếu

Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó xuất phát từ truyền thống, từ lý luận khoa học và từ chính thực tiễn cách mạng đặt ra. “Các vua hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[18]. Ý chí giữ nước của Người rất sâu sắc, kiên quyết, với tinh thần dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây là triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) và là quy luật của cách mạng Việt Nam.

Trong những năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, đó là xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN, trong đó, BVTQ là điều kiện, tiền đề rất quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững. “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” được Đảng xác định là một trong 10 mối quan hệ lớn, cần nắm vững và xử lý tốt; củng cố quốc phòng, an ninh, BVTQ là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt[19]. Đây là quan điểm nhất quán tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu BVTQ là sự gắn bó chặt chẽ giữa mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, là sự thống nhất giữa nội dung dân tộc, nội dung giai cấp và nội dung thời đại. Nội dung BVTQ theo Người là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt. Bảo vệ Tổ quốc XHCN là trách nhiệm nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Phương châm BVTQ là “sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, cả nước, kết hợp với sức mạnh thời đại”[20], trong đó, sức mạnh nhân dân, sức mạnh lòng dân là cốt lõi.

Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn của thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định rõ: Mục tiêu BVTQ Việt Nam XHCN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội[21]. Nội dung bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta phát triển toàn diện, cả các yếu tố cấu thành nên địa lý - tự nhiên, cả các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ BVTQ với các lĩnh vực của đời sống xã hội[22]. Các yếu tố này quan hệ biện chứng với nhau, không xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một lĩnh vực nào. (3) Lực lượng và phương châm bảo vệ Tổ quốc, theo quan điểm của Đảng thời kỳ đổi mới, trước hết phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, tổ chức của Nhà nước và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức chính trị - xã hội, mỗi người dân Việt Nam, trong đó quân đội và công an là lực lượng nòng cốt[23]. (4) Phương châm BVTQ trong tình hình mới đươc Đảng chỉ rõ: có kế sách phòng, chống các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa (BVTQ từ sớm, từ xa); chủ động phòng ngừa... thể hiện sự thấu suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quân sự, quốc phòng. (5) Về huy động sức mạnh tổng hợp cho nhiệm vụ BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới được Đảng nhấn mạnh ở luận điểm phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định thành công sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN

Trên tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục quán triệt và khẳng định sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, BVTQ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước theo nguyên tắc “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và thống nhất”[24]. Đây không chỉ là sự trung thành với tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới, mà còn là đòi hỏi bức thiết từ tình hình, nhiệm vụ của cách mạng nước ta hiện nay.

Sự kiên định, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cách mạng XHCN trên thế giới, nhất là thực tiễn gần 40 năm đổi mới, là căn cứ khẳng định rằng: ở đâu và khi nào, nếu nhận thức không đúng về hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN, thì cách mạng sẽ bị thất bại.

Hai là: Một số hạn chế chủ yếu

Trong nhận thức và triển khai mối quan hệ “giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những năm đổi mới, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thấy hết được tầm quan trọng, mục tiêu, lực lượng, nội dung, phương châm… trong giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN. Có lúc, có nơi vẫn còn có biểu hiện tách rời hai mặt hoặc tuyệt đối hóa chỉ một mặt của nhiệm vụ này hoặc coi bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của riêng lực lượng vũ trang, của quân đội và công an. Sự phối hợp hoạt động giữa quốc phòng và an ninh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và BVTQ có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp cao.

Trong nhận thức và triển khai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo quan điểm của Hồ Chí Minh có nơi, có lúc thiếu sáng tạo, chưa đáp ứng yêu cầu và điều kiện mới.

 Đầu tư cho quốc phòng, xây dựng thế trận, khu vực phòng thủ, phát triển khoa học - công nghệ cho quốc phòng, an ninh, BVTQ chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Trong quá trình chỉ đạo thực tiễn, chưa phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị bảo vệ an ninh quốc gia. Sự phối hợp giữa xây dựng nền an ninh nhân dân với nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân có nơi, có lúc thiếu đồng bộ, kém hiệu quả. “Việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, BVTQ có lúc, có nơi chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao (…) Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phong, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”[25].

Nhận thức và triển khai “sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp của Đảng” đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Hồ Chí Minh chưa sâu sắc, hiệu quả thấp

Trong những năm đổi mới, việc vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp, mọi mặt” của Đảng đối với nhiệm vụ BVTQ của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, thiếu sáng tạo. Một số cấp ủy, nhất là cấp cơ sở chưa có nhận thức đầy đủ về phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, BVTQ, dẫn đến lúng túng, hiệu quả thấp trong thực thi nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh và BVTQ.

3. Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ đổi mới 1986 đến nay

Một là: Kiên định, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Sau gần 40 năm đổi mới với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta càng khẳng định bài học lớn của cách mạng Việt Nam là phải luôn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nhờ kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng vẫn vững bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn trong bối cảnh hết sức khó khăn của những năm 90/thế kỷ XX. Mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng chính là tiếp tục con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Nhờ đó, đất nước ta đã có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử (…), cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như ngày nay[26].

Hai là: Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh bài học lớn “Dân là gốc của nước”, “Nước lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh để khẳng định, công cuộc xây dựng đất nước và BVTQ Việt Nam XHCN chỉ có thể thành công nếu biết dựa vào dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Xa rời, đi ngược lại nguyên tắc này, đổi mới sẽ thất bại. Phải “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị (…), tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[27].

Ba là: Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới phải luôn giữ vững và vận dụng sáng tạo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Nhờ kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh, Đảng ta sáng tạo cả lý luận và phương pháp, cả đường lối và chính sách, biện pháp và bước đi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thậm chí có lúc hiểm nghèo[28], nhưng chúng ta không chỉ thoát hiểm mà còn đứng vững, tiếp tục đi lên thông qua đổi mới; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đất nước và BVTQ trong gần 40 năm qua. Đó là thành công và bản lĩnh của Đảng, từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay là nguyên tắc bất di, bất dịch

Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng xác định rõ, công cuộc xây dựng đất nước và BVTQ là một sự nghiệp to lớn, vĩ đại, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công, đảm bảo cho đất nước phát triển đúng định hướng XHCN. Đảng đã tập trung nỗ lực công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ XHCN. Gắn chặt xây dựng với chỉnh đốn Đảng, mở rộng nội dung xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa trong nội bộ Đảng và trong toàn thể hệ thống chính trị; luôn giữ đúng nguyên tắc phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, coi củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân ngày càng tin tưởng vào. Vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với xây dựng đất nước và BVTQ ngày càng được củng cố và khẳng định.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, chẳng những thấm nhuần chỉ dẫn Hồ Chí Minh mà còn phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong tình hình hiện nay và trước yêu cầu mới của sự phát triển cách mạng./.

     PGS.TS Đỗ Thị Thạch

Học viện CTQG Hồ Chí Minh



[1] Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.12, tr.30

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQGST, H, 2016, t. 60, tr.129 - 130

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.4, tr.64

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H, 2021, t.I tr.104

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG. H.2011, t.10, tr.387

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG. H.2011, t.4, tr.187

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.65, tr.139

[8] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t.11, tr. 404

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2001, t.51, tr.138

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2021, tr.70

[11] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2022, tr.22

[12] Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.10, tr.391

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.10, tr.392

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr 72

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.119

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25

[17] Tham khảo: GS.TS Trần Văn Phòng: Về phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trang Thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung ương. Nguồn http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ve-phuong-huong-co-ban-cua-qua-trinh-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi.html, ngày 13/6/2019

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.9, tr.59

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H.2016, tr.148; Đại hội XIII, t.1, tr.156

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.

[21] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.57

[22] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.57

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr. 158

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 150

[25] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T.I, tr.87-88

[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T.I, tr.104

[27] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, T.I, tr.110

[28] Thời kỳ cuối những năm 80, đầu những năm 90/thế kỷ XX. CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu tan rã; đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.

Từ khi ra đời đến nay, thấm nhuần bài học vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh (cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin), Đảng đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu lý luận, thực tiễn nổi bật, có ý nghĩa to lớn trong vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của gần 40 năm qua đang tạo tiền đề quan trọng đưa đất nước bước vào thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (ngày 19-5-1955), Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam - Ảnh: Tư liệu 1. Thành tựu, hạn chế vận dụng, ph&aac

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn